Cánh diều vàng 2020: Diều có đủ sức bay?

20/03/2020 - 09:34

PNO - Cánh diều vàng 2020 hoãn tổ chức một tháng vì dịch COVID-19. Trong thời gian hoãn, ban tổ chức nhận thêm phim điện ảnh đăng ký dự thi.

Đổi phương án trao giải vì COVID-19

Sau khi dời thời gian tổ chức từ 15/3 sang 15/4, Cánh diều vàng 2020 sẽ tiếp tục thay đổi thời gian, kế hoạch trao giải. NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - cho biết: “Dù đã dời một tháng nhưng trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, lễ trao giải sẽ tiếp tục bị hoãn. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể thông báo thời gian cụ thể. Trước mắt, ban tổ chức (BTC) đang đưa ra một số giải pháp”.

Theo NSND Đặng Xuân Hải, có thể Cánh diều vàng sẽ tổ chức trao giải ở 2 miền Nam – Bắc, cụ thể tại TPHCM và Hà Nội để hạn chế việc đi lại của nghệ sĩ, cũng như không tập trung đông người. BTC sẽ mời một số nghệ sĩ và hạn chế số lượng báo đài đến đưa tin, không truyền hình trực tiếp như các năm.

Đến ngày 28/2, có 6 phim điện ảnh Việt tham gia tranh giải Cánh diều vàng 2020.
Đến ngày 28/2, có 6 phim điện ảnh Việt tham gia tranh giải Cánh diều vàng 2020. Sau khi gia hạn thêm 1 tháng, có thêm 5 phim Việt gia nhập cuộc đua hạng mục Phim điện ảnh.

“Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên giải thưởng sẽ tổ chức gọn nhất có thể. Tôi nghĩ có khoảng 50-60 khách mời tại đêm trao giải nhưng số lượng cụ thể sẽ được đưa ra bàn luận tại cuộc họp sắp tới. Tuy nhiên, tuỳ tình hình dịch bệnh, cũng có thể sẽ triển khai phương án công bố trực tuyến và trao giải sau” - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết.

2020 là năm kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Điện ảnh Việt Nam (1970-2020), trước đó, Hội Điện ảnh Việt Nam đặt hàng Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương sản xuất phim tư liệu về quá trình hoạt động của hội để phát trong lễ kỷ niệm. Ngoài ra, Hội cho thực hiện cuốn kỷ yếu tổng kết các hoạt động của hội suốt 50 năm qua. 

Phim điện ảnh ảm đạm, chất lượng trồi sụt

Cánh diều vàng năm nay có nhiều thay đổi trước tình hình dịch bệnh nhưng đó là thay đổi về cách thức tổ chức giải. Còn về chất lượng - yếu tố không liên quan đến hoàn cảnh, vẫn là câu chuyện đáng bàn. Trong đó, hạng mục phim truyền hình và phim điện ảnh nhận được nhiều sự chú ý.

Nếu xét theo kế hoạch tổ chức trao giải ban đầu vào ngày 15/3 tại Hà Nội, thì đến ngày 28/2, BTC sẽ chốt danh sách phim điện ảnh dự thi, sau đó tổ chức chấm. Tuy nhiên, trong thời gian này, chỉ có 6 phim gửi dự thi gồm: Bắc kim thang của Trần Hữu Tấn, Truyền thuyết về Quán Tiên - Đinh Tuấn Vũ, Hợp đồng bán mình - Trần Ngọc Phong, Anh trai yêu quái - Vũ Ngọc Phượng, Anh thầy ngôi sao - Đỗ Đức Thịnh, Giã từ cô đơn - NSƯT Lê Cung Bắc.

Vì số lượng phim dự thi quá ít, cộng với việc dời lễ trao giải, BTC quyết định gia hạn thời gian nhận phim dự thi.

Anh trai yêu quái, phim remake được chú ý trong năm qua.
Anh trai yêu quái, phim remake được chú ý trong năm qua

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Trưởng ban giám khảo hạng mục Phim Điện ảnh cho biết: “Giai đoạn đầu, giải nhận được 6 phim dự thi còn hiện tại, đã có thêm 5 phim đăng ký. Tôi chưa được biết tên cụ thể của 5 phim này vì BTC chưa thông báo. Bình thường, tại các liên hoan phim, khoảng tầm từ 14 đến 18 phim tham gia là đạt về mặt con số. Nếu như ban đầu chỉ có 6 phim dự thi là quá ít nhưng hiện tại, 11 phim tranh giải là con số chấp nhận được”.

Theo đạo diễn Thanh Vân, các nhà làm phim, đạo diễn có quyền gửi phim tham dự hoặc không. Do đó, không thể dựa vào con số để nhận xét giải thưởng kém thu hút hay thị trường điện ảnh Việt ảm đạm.

“Tôi cho rằng con số không nói lên tất cả. Nếu 11 phim dự thi đều là những phim có chất lượng thì e rằng có thêm 10 hay 20 phim cũng không quan trọng. Từ con số này cũng không thể nói về giải thưởng kém thu hút vì phải cân nhắc nhiều yếu tố khác. Với 11 phim thì đây là số lượng bình thường. Tôi chưa được xem phim để chấm giải nên chưa biết chất lượng các phim dự thi năm nay như thế nào” - đạo diễn Thanh Vân nói thêm.

Hình ảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên.
Hình ảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên

Trong năm 2019, điện ảnh Việt có 44 phim ra rạp. Nếu theo con số này, và 6 bộ phim đăng ký ban đầu, chất lượng phim điện ảnh dự thi Cánh diều vàng năm nay khá thấp. Trong đó, phim Truyền thuyết về Quán TiênHợp đồng bán mình do nhà nước đặt hàng. Hợp đồng bán mình chứa nhiều tình tiết phi lý, rời rạc; Truyền thuyết về Quán Tiên chất lượng ổn hơn nhưng chưa ra rạp. Còn lại, Giã từ cô đơn không có giá trị cao về mặt nghệ thuật. Bắc Kim Thang, Anh thầy ngôi sao, Anh trai yêu quái đạt doanh thu ổn khi ra rạp và chất lượng ở mức khá, không nổi bật.

Cánh diều vàng năm 2019 có 14 phim điện ảnh tham dự trong khi năm 2018 có 43 phim Việt ra rạp. Cánh diều vàng 2018 có 13 phim dự thi, trong số 36 phim Việt ra rạp năm 2017. Sự sụt giảm về số lượng phim tham gia khiến không khí Cánh diều vàng 2020 ảm đạm, đặc biệt, xét về chất lượng phim cho đến giờ phút này, không khác nào đặt bài toán khó, buộc giám khảo đãi cát tìm vàng.

Phim truyền hình: Chất lượng “sàn sàn”

Đạo diễn Trịnh Lê Văn, Trưởng ban giám khảo hạng mục Phim truyền hình cho biết anh không ngại để đưa ra những phim có chất lượng tốt hơn trong số 12 phim dự thi. Tuy nhiên, các phim năm nay có chất lượng “sàn sàn”, không quá cách biệt.

“Trong số các phim dự thi hạng mục Phim truyền hình Cánh diều vàng 2020, xét về chất lượng, không có quá nhiều phim vượt lên nổi bật. Chất lượng nhìn chung, ở mức sàn sàn. Tôi không ngại nói ra phim hay nhưng thật sự, các phim chỉ có chất lượng tương đối” - đạo diễn Trịnh Lê Văn, nói.

Dàn diễn viên trong phim Về nhà đi con được đánh giá cao về diễn xuất.
Dàn diễn viên trong phim Về nhà đi con được đánh giá cao về diễn xuất.

Hạng mục truyền hình, hiện là cuộc đua của một số phim nổi bật như: Về nhà đi con của đạo diễn - NSƯT Nguyễn Danh Dũng, Mùa cúc Susi - đạo diễn Phạm Lộc, Tiếng sét trong mưa – Nguyễn Phương Điền, Nàng dâu order - Bùi Quốc Việt, Hoa hồng trên ngực trái - NSƯT Vũ Trường Khoa đạo diễn, Những cô gái trong thành phố - Vũ Trường Khoa...

Trong đó, Về nhà con điMùa cúc Susi là 2 phim đang so kè ở vị trí cao nhất. Năm 2019, Về nhà đi con với 85 tập phim phủ sóng truyền thông, mạng xã hội. Bộ phim gia đình này được khen ngợi về câu chuyện nhân văn, diễn xuất của các diễn viên.

Mùa cúc Susi lại là hành trình vươn lên của cô gái Susi, bề ngoài mỏng manh, yếu đuối nhưng bên trong mạnh mẽ. Bên cạnh cuộc đời Susi, phim đề cập đến vấn nạn khai thác đá quý, lòng tham và sự đố kỵ giữa người với người khi liên quan đến lợi ích. Trong phim, mối tình giữa cặp diễn viên chính Xuân Văn (vai Susi) và Huỳnh Trường Thịnh (vai Tư Đôn) tạo được thiện cảm với khán giả.

Diễn viên Xuân Văn trong vai Susi phim Mùa cúc susi.
Diễn viên Xuân Văn trong vai Susi phim Mùa cúc susi

Còn lại, các phim có đề tài gia đình, cuộc sống đều không mới. Những mâu thuẫn trong gia đình giữa mẹ chồng – nàng dâu, những phận nghèo bị áp bức trong xã hội trọng nam khinh nữ, cô vợ hiền lành phải giành chồng từ tay người đàn bà khác hay những cô gái từ quê lên phố lập nghiệp và sa ngã vào vòng quay đầy cám dỗ của tình, tiền... được các phim thể hiện với mô-típ quen thuộc, dễ đoán.

Ở hạng mục Phim khoa học, tài liệu, hoạt hình, phim ngắn và công trình nghiên cứu lý luận phê bình, các đề cử không có nhiều bất ngờ về chất lượng.

Chỉ riêng về hạng mục Công trình nghiên cứu lý luận phê bình năm nay có sự cạnh tranh của 5 ứng viên, cao hơn mọi năm. Đáng chú ý, tác phẩm Một thập kỷ phim truyện điện ảnh Việt Nam (2007-2017) của PGS-TS Vũ Ngọc Thanh; Chuyện đời, chuyện nghề của NSND Lương Đức và Thiết kế mỹ thuật phim truyện điện ảnh - Trần Quang Minh được nhận xét thực hiện chỉn chu, có đầu tư.

Diễm Mi 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Đoàn 25-03-2020 18:55:26

    Phim truyền hình theo tôi MCSS xứng đáng có giải.
    Gọn gàng, không có cảnh thừa không có câu thoại nào thừa để kéo dài ...
    Và đặc biệt càng xem càng thích, cứ phải xem lại, điều mà 1 số phim TH đa số không muốn xem lại lần 2
    Toàn bộ êkip diễn viên diễn xuất đồng đều, tròn vai
    1 bộ phim chỉnh chu trong mắt nhà chuyên môn
    ...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI