Càng mặc cảm, càng sửa...

06/01/2023 - 06:41

PNO - Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chứng nghiện dao kéo có liên quan tới các vấn đề tâm lý.

Phẫu thuật thẩm mỹ vốn là ngành dịch vụ đầy nhân văn và quyền đối với thân thể của cá nhân là quyền tối thượng. Tuy nhiên…

Một số chuyên gia ngành thẩm mỹ ước đoán khoảng 30% số người không hài lòng sau phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) và họ sẽ nhanh chóng tìm tới cuộc phẫu thuật thứ hai. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chứng nghiện dao kéo có liên quan tới các vấn đề tâm lý.

Ngành dịch vụ “đánh vào nỗi mặc cảm”

Nếu hay ghé các beauty salon (điểm làm đẹp) hay thẩm mỹ viện, bạn sẽ quen với kiểu tư vấn: "Trời ơi, sao chị lại để vết nám loang ra thế này?", "Trời ạ, nếp nhăn mắt là của tuổi 50, chị chưa tới 40 mà!". "Nét của chị đẹp lắm, chỉ cần thêm chừng 2cm chiều dài cằm, mặt chị sẽ không thua ca sĩ H.", “Chị à, không nâng ngực, lúc mất chồng đừng trách ai”…

Các tư vấn viên sẽ thẳng thừng xoáy vào, bào sâu khuyết điểm, cho khách đỏ mặt “quê độ” rồi hoang mang, mặc cảm. Từ đây, họ dễ bị lèo lái theo hướng phải chỉnh sửa để tự tin với “vẻ đẹp hoàn hảo”. Cũng có khi tư vấn viên dùng đòn tâm lý… để chị em nghĩ rằng nếu không nhanh chóng làm đẹp, chỉnh sửa thì không thể giữ chồng, không có việc làm tốt, không có cơ hội thăng tiến; nhân tướng học kém may mắn thì không thể đón tài lộc… 

Y học càng phát triển, hạng mục của PTTM càng mở rộng, kỹ thuật PTTM ngày càng tinh vi. Từ thẩm mỹ ngoại khoa dạng “đập đi xây lại” các “hạng mục” trên mặt; các đại phẫu quen thuộc với phái nữ như đặt túi ngực, hút mỡ bụng… đến những chỉnh sửa nội khoa “ra về trong ngày” như chích vitamin, botox, filler… đều được cho rằng có thể giúp một cá nhân “lột xác”. Vậy nhưng làm đẹp là việc dễ nghiện, rất hiếm người dừng lại sau lần chỉnh sửa nhan sắc đầu. Thông thường, chị em “chào sân” những dịch vụ đơn giản như xăm mày, xăm môi… Sau đó, họ tiến tới sự can thiệp của dao mổ và kim chỉ như: nâng cung mày, cắt mí mắt, mở góc mắt, tạo hình sống mũi, sửa cằm, gọt hàm…

Kim Ánh (quận 7, TPHCM) là một phụ nữ đẹp. Thời trẻ, cô là hotgirl; khi làm mẹ thì thành hotmom; tuổi trung niên đến, bạn bè gọi cô là hotlady. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của bạn bè, đồng nghiệp, lúc nào Ánh cũng nghĩ mình chưa đẹp, mũi chưa cao, mắt chưa to.

Thành công ở lĩnh vực đất đai, Kim Ánh có tiền và đi sửa mũi, rồi cắt mí, cấy mi giả, chỉnh cung mày. Ánh cũng tiêm botox đuôi mắt, khóe miệng, các vùng như quai hàm để có sự thon thả. Cứ 6 tháng, cô lại đi tiêm filler vùng phía trên cung mày, thái dương…

Một vài ý kiến xì xào hình ảnh Kim Ánh trên Facebook bắt đầu giống người chuyển giới, nụ cười của cô ngày một “giả trân”. Kim Ánh siêng chụp ảnh “tự sướng” với góc nghiêng thần thánh khoe chiếc mũi “tây tây”. Tuy vậy, ai cũng cảm thấy tiếc chiếc mũi xinh xắn nguyên thủy ngày trước.

Lời chê tới tai, Ánh tháo ngay sống mũi cứng đơ để thay bằng vật liệu tạo hình S-line mềm mại. 1, 2 năm sau, khi công nghệ dùng sụn tự thân ra đời, cô dùng gần hết sụn vành tai để “gia cố” chiếc mũi. Có lần, Ánh đi làm với chiếc mũi rỉ dịch vì viêm bên trong và thủng phần da bên ngoài. Chính cô cũng chia sẻ không biết có thể ngừng loay hoay với chiếc mũi hay không. Vì mới sửa xong thì Ánh hài lòng nhưng chỉ sau một thời gian, cô lại thấy mình “xấu xí đủ mọi lẽ”.

Trường hợp không thể ngừng dao kéo như Kim Ánh khá phổ biến. Tôi thường gặp ở một thẩm mỹ viện nổi tiếng trên đường 3 Tháng 2 (quận 10, TPHCM) các cô gái trẻ xinh như mộng, đến mức tôi tự hỏi đã đẹp đến vậy, sao họ còn muốn đẹp hơn nữa. Để làm gì? Khi mở sổ theo dõi khách hàng mới hay đa số họ đều coi việc chỉnh cái này, sửa cái kia, đắp cái nọ như một phần tất yếu của cuộc sống. Số tiền họ phải trả cho thẩm mỹ viện không nhỏ, sơ sơ thì vài triệu, phẫu thuật lớn thì tới hàng trăm triệu đồng.

Một lần giúp một tiến sĩ - bác sĩ ở quận 3, TPHCM tổng hợp tài liệu cá nhân để xuất bản cuốn sách về PTTM, tôi ngỡ ngàng khi biết khách tới làm đẹp không “chừa” ngành nghề, độ tuổi nào: có cả bé gái chưa dậy thì và bà cụ U80. Đông đảo nhất là chị em độ tuổi 40-50. Vị tiến sĩ lý giải, đây là giai đoạn nhạy cảm của phụ nữ. Khi đời sống kinh tế vừa vững vàng thì tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh ập tới. Nhan sắc xuống dốc trước người bạn đời đang phơi phới khiến nhiều chị em lao vào PTTM như một nỗ lực níu giữ xuân xanh và trấn an mình. 

Bước tới thẩm mỹ viện, khách hàng chung giấc mơ diện mạo đẹp nhưng túi tiền thì phân tầng. Đáp ứng nhu cầu này là dịch vụ thượng vàng hạ cám. Theo Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM, mỗi năm thành phố có khoảng 250.000 ca chỉnh sửa nhan sắc, trong đó có 100.000 ca PTTM. Số liệu trên cho thấy, mỗi ngày trong cộng đồng lại thêm rất nhiều người từ bỏ hình hài cha sinh mẹ đẻ để tìm đến một phiên bản mới.

Đi với con số trên là số lượng 20 bệnh viện thẩm mỹ, 200 cơ sở được cấp phép tại TPHCM. Ước đoán, còn có khoảng 5.000 điểm làm đẹp lén lút tồn tại. Đó là chưa tính đội ngũ cá nhân “làm đẹp dạo”, xách đồ nghề tới tận giường phục vụ khách. Không bằng cấp chuyên môn, không đủ điều kiện về y tế, thuốc men nhưng nhân viên nhiều tiệm làm tóc, gội đầu sẵn sàng thực hiện các dịch vụ như tiêm chích các chất làm đầy, cắt mí mắt, căng da, xăm mày; thậm chí là những phẫu thuật nguy hiểm như đặt sống mũi, thu hẹp âm đạo… 

Số người làm đẹp tăng trong khi việc quản lý chưa theo kịp khiến số ca biến chứng, thậm chí tử vong, chưa thể dừng. Sau vài vụ tai biến do làm đẹp gây xôn xao xã hội, những hồi chuông báo động được gióng lên nhưng nhanh chóng chìm vào quên lãng. 

Bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên, được không?

Dễ thấy, truyền thông và mạng xã hội cùng các loại app làm đẹp cũng là “thủ phạm” khiến nỗi mặc cảm của phụ nữ tăng cao. Các bác sĩ thẩm mỹ đông người “theo dõi” trên mạng xã hội thường chia sẻ những chuyện như: “Cô A. tới cùng tấm ảnh thần tượng K-pop nọ và yêu cầu tái tạo mắt mũi cho giống. Chị B. nói muốn có cái cằm của cô diễn viên phim X…”.

Một tài khoản Facebook viết: “Ra đường tìm phụ nữ không cắt mắt, sửa mũi sao khó quá. Ai tìm ra, tôi xin tặng cây vàng”. Nhiều chị em phản đối, bởi quyền làm đẹp là của mỗi người. Nếu không ảnh hưởng gì tới anh, thì anh… im đi cho thiên hạ thái bình.

Dù vậy, phía đàn ông khăng khăng rằng nếu anh em không lên tiếng, cơn lốc dao kéo khó mà dừng lại, sẽ đến lúc chúng ta không thể tìm ra một vẻ đẹp tự nhiên và khác biệt. Trên màn ảnh, sân khấu, nhìn ai cũng na ná nhau. Trên mạng xã hội, các hotgirl, hoa hậu hệt nhau. Các quý bà trung niên chung một kiểu lông mày, kiểu mũi, kiểu mắt… Ngay cả các bà lão cũng sắp giông giống nhau.

Cuộc chiến giữa phe “quyền làm đẹp” và phe “nguyên bản” cũng căng thẳng trong nhiều gia đình. Thu Ngân ở Cần Thơ được mẹ dẫn ra tiệm làm tóc đầu hẻm chỉnh sửa nhan sắc từ năm lớp Chín. Mẹ Ngân nghĩ làm đẹp sớm sẽ cho nét đẹp tự nhiên hơn, để khi vào đời, con gái sớm gặp được bạn trai có “điều kiện tốt”. Cha Ngân phản đối, nhưng ông ráng nhịn. Tới tuổi 20, bỗng nhiên chiếc cằm chẻ đôi của Ngân lệch, mặt cô méo hẳn. Lúc đó, cha Ngân xót con, cuộc chiến giữa cha mẹ Ngân bùng lên dữ dội…

Phải khẳng định, làm đẹp là ngành dịch vụ nhân văn. Rất nhiều loại hình PTTM như tái tạo tai, mũi, mắt, tóc, da… giúp những người rủi ro tai nạn hoặc có khiếm khuyết bẩm sinh trở nên tự tin, hòa nhập cuộc sống. Rất nhiều phụ nữ, nam giới, người trong cộng đồng LGBT nhờ PTTM mà thực hiện được giấc mơ nghề nghiệp hoặc nắm được các cơ hội nghề nghiệp, hôn nhân…

Thực tế, trong ngành thẩm mỹ vẫn có nhiều người kinh doanh có tâm. Không ít bác sĩ nhất quyết lắc đầu với những yêu cầu chỉnh sửa vô lý và không cần thiết. Tuy vậy, việc tìm bác sĩ giỏi và có tâm giữa ma trận chiêu dụ dao kéo không hề dễ dàng.

Châu Giang 

 

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsongkhoevi /strCate=songkhoe

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEalobacsivi /strCate=alobacsi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocdongyvi /strCate=gocdongy
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsuckhoevi /strCate=suckhoe