Cần thay đổi vòng lặp tẻ nhạt

19/04/2023 - 07:04

PNO - Do tính chất công việc, công nhân ít có điều kiện hòa nhập vào cuộc sống đô thị, đa số cố gắng chi tiêu ở mức thấp nhất và hết sức thiếu thốn về đời sống văn hóa, tinh thần.

 


Vào TPHCM làm công nhân, Vũ dự định sẽ gửi tháng lương đầu tiên về cho mẹ sau khi đóng xong tiền ăn và thuê trọ. Nhưng cậu khất lại để dùng tiền mua chiếc điện thoại thông minh (smartphone): “Phải có gì giải trí chứ”. 

Vũ kể, mỗi ngày, cậu phải dậy từ 6g để chuẩn bị đi làm, sau đó làm đến 20g thì về tắm giặt, đi ngủ. Vũ chọn tăng ca thường xuyên để đủ định mức và không bị trừ tiền chuyên cần. Chủ nhật, cậu nhậu cùng các bạn trong xóm trọ. 

Có lần, chủ khu nhà trọ ghé bàn nhậu, yêu cầu đóng tiền thuê phòng. Bạn nhậu của Vũ tức, lấy dao rượt chủ nhà trọ vì “muốn xả stress cũng không yên”. Vũ phân bua: “Ai cũng hiền nhưng khi có rượu, bia vô người là mất kiểm soát”. Vũ bỏ nhậu từ đó, cấp tốc mua smartphone giá 2 triệu đồng. Lúc rảnh, Vũ xem các clip về tự tử, tai nạn, hài, bói toán. Vũ chốt: “Thành phố chẳng có chỗ nào chơi mà không tốn trên 1 ngày lương, nên thôi”.

Cuối năm 2022, ông Trần Thanh Hải - Phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay, so với cả nước, công nhân, người lao động ở TPHCM có số giờ làm việc, tiền lương cao hơn nhưng chỉ số hài lòng chỉ đạt 6,11/10, trong khi chỉ số bình quân cả nước là 6,9/10. Chỉ số này dựa trên các thang điểm về nhu cầu, nguyện vọng được chăm lo, lương, phúc lợi, mức sống, thời gian nghỉ và vui chơi, bữa ăn, giá điện nước, chỗ ở, trường học cho con…

TPHCM có trên 2 triệu công nhân, phần lớn là người nhập cư, ở trọ. Họ bí bách, buồn tẻ. Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, do tính chất công việc, công nhân ít có điều kiện hòa nhập vào cuộc sống đô thị, đa số cố gắng chi tiêu ở mức thấp nhất và hết sức thiếu thốn về đời sống văn hóa, tinh thần. Vòng lặp đa phần của cuộc sống công nhân hiện nay là: đi làm, tăng ca, tắm giặt, ăn uống, ngủ, thức dậy và lại đi làm.

Vòng lặp đó khiến họ gánh thêm một áp lực tinh thần khác, đó là không thể chăm nuôi con, nếu lập gia đình. Phần lớn họ gửi con về quê. Phần lớn công nhân có tuổi đời còn trẻ, xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, học vấn không cao nên thiếu kỹ năng sống. Hệ lụy là sống thử, sống chung để tiết kiệm, dẫn đến nạo phá thai. Họ dễ trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm tiếp tay cho các loại tệ nạn xã hội như tín dụng đen, mua bán dâm.

Trong một khảo sát gần đây, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội nhận định, do thu nhập thấp nên khi nêu mong muốn đến chính quyền, họ trước tiên mong được ưu đãi tiền điện, nước, rất ít người nêu nguyện vọng được nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Nhưng đời sống văn hóa, tinh thần vẫn là nhu cầu cấp thiết của họ. Chính quyền quận Bình Tân từng ngạc nhiên khi tổ chức một chương trình văn nghệ thu hút gần 200.000 công nhân, người lao động và các hoạt động tương tự cũng thu hút rất đông công nhân.

Thực tế, chính quyền các cấp của TPHCM đã nỗ lực đáp ứng phần nào nhu cầu về thể chất, văn hóa, tinh thần của công nhân, gần nhất là đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các mâu thuẫn về quan hệ lao động. Mỗi quận, huyện đều có nhà văn hóa lao động với phòng đọc, phòng tập đa năng, tổ chức các hoạt động văn nghệ. Ngoài ra, các đoàn thể cũng có những hoạt động hỗ trợ công nhân. Nhưng, các nỗ lực đó vẫn chưa đủ sức cải thiện chất lượng sống của đông đảo công nhân.

Bổ sung thêm giải pháp, mới đây, Thành ủy TPHCM đã giao các đơn vị nghiên cứu, tham mưu thành lập quỹ an sinh cấp thành phố, góp phần chăm lo an sinh cho người dân, bao gồm công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Để tạo thêm chuyển biến trong chất lượng sống của công nhân, cần tính đến giải pháp nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp thông qua tổ chức công đoàn. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm chăm lo về thể chất, tinh thần cho người lao động. Hoạt động công đoàn cần thiết thực, đi từ các nhu cầu bức thiết của công nhân nhằm thu hút sự tham gia đông đủ, nhiệt tình. 


Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI