Cần nhận thức về những rủi ro của việc tự dùng thuốc, và dừng lại

11/05/2025 - 12:20

PNO - Khi có vấn đề sức khỏe, không ít người ngại đi khám mà tự mua thuốc uống dù có thể biết điều này mang lại rất nhiều rủi ro.

Đã đến lúc cần dừng ngay việc tự ý dùng thuốc - Ảnh minh họa: Freepik
Đã đến lúc cần dừng ngay việc tự ý dùng thuốc - Ảnh minh họa: Freepik

Có người mượn toa thuốc của ai đó có các triệu chứng giống mình, đã từng đi khám bác sĩ. Có người tự mua thuốc theo hướng dẫn của ai đó với câu "Tôi từng bị vậy và đã uống loại thuốc này mà hết bệnh", có người tin tưởng tuyệt đối hướng dẫn trên mạng rồi tự ra tiệm thuốc mua uống. Họ, tất nhiên, không nghĩ rằng uống thuốc sai không chỉ không khỏi bệnh mà còn gây hại. Có người dị ứng thuốc, có người tương tác với loại thuốc đang dùng khác.

Tại nhiều tiệm thuốc, tình trạng bán các loại thuốc “bán theo đơn" chỉ theo lời "khai bệnh" của người mua vẫn diễn ra thường xuyên. Rất nhiều nhân viên bán thuốc đang trở thành người “chẩn đoán” thay bác sĩ, có thể tư vấn cho nhiều triệu chứng do người mua thuốc mô tả.

Hậu quả của toa thuốc chuyền tay không chỉ dừng lại ở việc chữa sai bệnh. Việc lạm dụng kháng sinh, uống thuốc không đúng liều, không đúng thời điểm hoặc không theo dõi tương tác thuốc có thể dẫn đến kháng thuốc, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài hoặc làm trầm trọng thêm bệnh nền. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới (đứng thứ 4 về tỉ lệ kháng thuốc), phần lớn xuất phát từ thói quen sử dụng thuốc một cách vô tội vạ. Điều đáng lo ngại là số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, trong đó, đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc.

Các chuyên gia y tế đã nhiều lần cảnh báo, việc lạm dụng thuốc kháng sinh gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả người sử dụng lẫn cộng đồng. Việc sử dụng kháng sinh không đúng cách hoặc quá mức khiến vi khuẩn phát triển khả năng kháng thuốc, làm cho các bệnh nhiễm khuẩn thông thường trở nên khó điều trị, kéo dài thời gian chữa bệnh và tăng nguy cơ tử vong.

Bên cạnh đó, sức khỏe cá nhân cũng bị ảnh hưởng với các tác dụng phụ như dị ứng (từ nổi mẩn đến sốc phản vệ), tổn thương gan thận khi dùng liều cao hoặc kéo dài, và rối loạn hệ vi sinh đường ruột gây tiêu chảy, nhiễm trùng... Khi bị bệnh nặng, phải điều trị bằng kháng sinh lâu dài, từ đó, gánh nặng y tế và kinh tế gia tăng do phải dùng thuốc đặc trị đắt tiền, số lần nhập viện tăng và thời gian điều trị kéo dài, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế. Không chỉ vậy, kháng sinh thải ra môi trường sẽ làm thay đổi cấu trúc vi sinh vật trong đất và nước, phá vỡ cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến chuỗi thực phẩm cũng như sức khỏe toàn cầu.

Lời cảnh báo cũng vẫn được được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, nhiều người đang xem nhẹ sức khỏe, thậm chí tính mạng của mình khi tự ý dùng thuốc, dùng kháng sinh vô tội vạ, bỏ qua việc khám bệnh và chờ bác sĩ chẩn đoán, chỉ định điều trị.

Các chuyên gia y tế cộng đồng nhấn mạnh, việc tự ý chia sẻ kinh nghiệm dùng thuốc của bản thân hay dùng thuốc không qua thăm khám đều cần được nhìn nhận như một hành vi nguy hiểm.

Không dễ để thay đổi thói quen lâu đời chỉ trong một sớm một chiều, nhưng có lẽ đã đến lúc mọi người cần tỉnh táo. Mỗi lần định “xin toa” từ bạn bè, người quen hay "bác sĩ Google", hãy dừng lại và tự hỏi: liệu mình có đang đánh cược sức khỏe của bản thân? Đã đến lúc chúng ta cần nhận thức về những rủi ro của việc tự dùng thuốc, và dừng lại.

Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI