Hai sự kiện nhỏ, nhưng làm nổi bật một thực trạng lớn: sự lệch chuẩn trong ứng xử xã hội và khuynh hướng phô diễn đạo đức quá đà.
Tôn vinh những hành động tử tế là cần thiết. Nhưng khi những cử chỉ được xem là lẽ thường, ví dụ như nhường chỗ ngồi cho cựu chiến binh của một nhóm nữ sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cũng trở thành lý do để trao những tấm bằng khen danh giá, thì đã đến lúc xã hội buộc phải tự hỏi: phải chăng chúng ta đang biến điều bình thường thành phi thường? Từ lúc nào giá trị đạo đức căn bản của xã hội lại được tôn vinh một cách thái quá như vậy?
 |
Tuyên dương là cần thiết, nhưng tuyên dương không đúng cách có thể khiến chuẩn mực bị biến dạng. Ảnh minh họa |
Sự tử tế, một khi bị đặt vào hình thái phô trương đạo đức quá mức, có thể làm lu mờ bản chất giản dị và chân thành của nó. Trong khi đó, việc vội vàng mạt sát người có hành vi sai trái mà không cho họ cơ hội sửa sai lại là một biểu hiện khác của sự lệch chuẩn đạo đức.
Khi sự việc một nhóm sinh viên có hành vi vô lễ với cựu chiến binh xảy ra, người dùng mạng xã hội đã rất nhanh chóng tìm ra danh tính của kẻ vô lễ. Từ một đám cháy nhỏ, đám đông đã thổi bùng ngọn lửa không cần thiết. Hàng loạt chỉ trích, bêu rếu được đưa ra, danh tính của cậu sinh viên bị công khai, hàng loạt tài khoản công kích được lập nên, hàng loạt sự châm chọc, thoá mạ được buông ra dễ dàng.
Ai cũng có thể nhận ra rằng cộng đồng mạng ngày nay dễ dàng tung hô hoặc vùi dập, nhưng ít ai nghĩ đến việc giáo dục đạo đức bằng sự cảm thông, bằng cách đối thoại, bằng những chuẩn mực rõ ràng và đầy nhân văn.
Từ góc độ chính sách, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI năm 2014 đã xác định rõ định hướng: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ…”. Trong đó, nhiệm vụ cốt lõi là chăm lo xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, đạo đức, lối sống và tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, đồng thời đề cao giá trị giáo dục đạo đức thay vì chỉ trích, trừng phạt.
Cũng theo nghị quyết này, cần khẳng định và nhân rộng những giá trị tích cực, cao thượng trong xã hội nhưng phải đi kèm với “đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác một cách có lý, có tình”. Điều đó có nghĩa: xã hội cần tôn vinh người tốt bằng cách tinh tế, và giáo dục người sai bằng lòng nhân hậu, thay vì dựng lên những chiến dịch lên án thiếu kiểm chứng hay tán dương một chiều chỉ để tạo dư luận.
Bối cảnh hiện nay cho thấy một vấn đề sâu sắc hơn: xã hội đang thiếu những hệ chuẩn mực cụ thể, rõ ràng cho từng chủ thể trong đời sống hiện đại. Khi không có một hệ quy chiếu ổn định, con người dễ rơi vào trạng thái phán xét cảm tính, chạy theo đám đông, đánh mất khả năng phân định đạo đức trên nền tảng lý trí. Chuẩn mực đạo đức không nên được định hình bằng số lượt chia sẻ hay cảm xúc bộc phát, mà bằng sự đồng thuận xã hội dựa trên giáo dục và văn hóa ứng xử có chiều sâu.
Trong dòng chảy hiện đại, khi các giá trị văn hóa đang dịch chuyển và bị thách thức bởi làn sóng hội nhập, sự “lệch chuẩn” là điều khó tránh. Nhưng thay vì chỉ nhìn vào cái sai để công kích, xã hội cần tập trung hơn vào việc xác lập hệ giá trị mới, phù hợp với thực tiễn nhưng không rời xa cốt lõi truyền thống: nhân ái, trung thực, tự trọng, nghĩa tình.
Phê phán là cần thiết, nhưng phê phán mà thiếu lòng trắc ẩn thì chỉ tạo ra những vết sẹo đạo đức. Tuyên dương là cần thiết, nhưng tuyên dương không đúng cách có thể khiến chuẩn mực bị biến dạng. Đã đến lúc, xã hội cần học cách làm điều đúng đắn một cách đúng mực và đó là cách duy nhất để nền đạo đức cộng đồng vững bền mà không đánh mất bản sắc nhân ái của dân tộc.
Nhật Thành