Cảm ơn vì đã được thương

28/03/2020 - 19:05

PNO - Cảm ơn vì đã được thương như một lời thủ thỉ, thay lời cho tất cả những người biết chọn lấy hai từ “cảm ơn” để dành cho nhau

“Tác giả sống và làm việc tại TP.HCM. Thích trồng hoa và cây trái ở ban-công. Là mẹ của một chú bé tên Bùm”. Trên bìa gấp quyển tản văn Cảm ơn vì đã được thương (nhà xuất bản Trẻ) của Minh Phúc chỉ là đôi dòng giới thiệu như vậy. Nhưng tôi thì biết chị. Cái ban-công nhà đầy nắng với những bông hoa hồng, chậu cà chua sai quả, cây lựu đơm trái ngọt, hoa đậu biếc trên mái nhà… Những hình ảnh thanh bình ấy thường xuyên xuất hiện trên facebook chị, làm dịu lòng người yêu cây và những sớm mai.

Giờ đọc sách của chị, mới thấy cây là hình ảnh xuất hiện thường trực trong những trang viết, trong tinh thần chị và cũng là mạch nối của sự sống, của ký ức và đời người. Cây trong vườn nhà, cây trên đường phố, cây ở quê xưa… đều như hiện thân của những giá trị đẹp đẽ nhất về sự sống. Những chồi non vươn lên từ cái cây bị cắt trụi để “gửi cho thế giới biết rằng đây là một dấu hiệu về sự sống, về những vết thương ta phải tự chữa lành”.

 

Minh Phúc viết Cảm ơn vì đã được thương sau khi chị vừa trải qua những ngày chiến đấu với căn bệnh nan y. Bước lên bàn phẫu thuật và phải đánh cược với số phận, để rồi khoảnh khắc mở mắt ra còn được nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy những người thân yêu, cảm giác mà “như từ bao la ta ra đời một kiếp nữa” - chỉ những ai từng trải qua đau đớn cùng tận mới có thể thấm thía được. Thấm thía để rồi biết ơn, biết yêu hơn cuộc đời này, trân quý những điều nhỏ bé, hạnh phúc vì những điều giản dị, quen thuộc mỗi ngày. Khi ấy, khái niệm “hạnh phúc” trong cuộc đời này đơn giản lắm, chỉ còn gói gọn trong hai từ: “được sống”.

Tản văn của Minh Phúc ngọt ngào, ấm áp trong những trang chữ lúc như chia sẻ, tâm tình; khi bùi ngùi, nhớ thương ký ức. Cảm ơn vì đã được thương như một lời thủ thỉ, thay lời cho tất cả những người biết chọn lấy hai từ “cảm ơn” để dành cho nhau. Lời dành cho cỏ cây, cho thiên nhiên, cho đất trời và vạn vật kỳ diệu. Lời dành cho ký ức đã làm nên cuộc đời mình từ “chái bếp sau hè”, “cỏ lau hiên nhà”, “dây trầu của ngoại”...

Cảm ơn vì đã được thương có bốn phần. Chỉ riêng phần một viết về Dưới những vòm cây. Phần hai Ăn gì cho bớt nhớ là những ký ức ngọt bùi dành cho chốn quê. Phần ba dành cho mẹ với chủ đề Một khi còn má. Cuối cùng là Vì tôi cần thấy em yêu đời - những tâm tình của phụ nữ đô thị. Các bài viết gói gọn trong chưa đầy 200 trang sách, nhưng đó là một chuyến tàu từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành, làm vợ, làm mẹ, rồi vượt qua cả những ngày tháng “đi trên sợi dây sinh tử” đời mình của một người phụ nữ.

Và ta đã lớn lên cùng những cái cây, Nồi lá xông của má, Thơm mùi quà quê, Chuyện má chuyện con, Tôi đã học gì từ má, Có quê là có Tết, Những giấc mơ đuổi bắt ta đi đâu?, Mang ơn những bàn chân dẹt-vết chai khô… là những trang viết khiến người đọc bùi ngùi. Hành trình của đời người thật ra giống nhau, chỉ khác ở những ký ức nương tựa, trong những nhận diện sớm hay muộn mà thôi. Khi một người đứng trên đỉnh con dốc nào đó của đời mình, nhìn lại sẽ thấy đâu đó dấu chân mình và bao người đã từng giẫm lên nhau bên dưới chân núi hẹp…

“Bạn bè gọi tôi là chiến binh. Dũng cảm hay không hồi sau sẽ rõ. Nhưng tức là, khi ta không còn bao giờ được sống như người bình thường, hóa ra, đây cũng là một cái mốc, để ta phải sống cho ra sống, theo kiểu của mình. Và cười theo kiểu của mình” - tác giả tâm sự. Và cuốn sách nhỏ này cũng như “một mốc son - một cái mốc nhỏ có màu đỏ để nhắc rằng, chữ nghĩa và sách vở là thứ luôn ở lại bên ta”. 

Xin cảm ơn vì đã được thương” - lời cuối cùng trong sách như dành tặng cho mọi người để nhắn nhủ rằng lòng biết ơn luôn là suối nguồn nương tựa. 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI