Các quốc gia phải chuẩn bị nguồn tài chính cho nhóm từng mắc COVID-19

05/08/2020 - 07:00

PNO - Nhiều bệnh nhân COVID-19 có thể gặp các biến chứng lâu dài. Điều đó đòi hỏi các quốc gia phải chuẩn bị nguồn tài chính cho nhóm từng mắc COVID-19.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 có thể gặp các biến chứng lâu dài do hôn mê lâu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, tổn thương phổi, tổn thương tim và các vấn đề thần kinh khác. 

Ảnh hưởng sức khỏe lâu dài 

Theo nghiên cứu mới của Đại học Thành phố New York (Mỹ), thế giới có thể tiêu tốn 50 tỷ USD cho việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân COVID-19 sau khi xuất viện; và nếu không có vắc-xin trong tương lai gần, chi phí cho các biến chứng có thể tăng lên 204 tỷ USD. 

Các bệnh nhân COVID-19 có thể chịu ảnh hưởng lâu dài từ căn bệnh này, tạo thêm gánh nặng về chăm sóc sức khỏe cho các quốc gia
Các bệnh nhân COVID-19 có thể chịu ảnh hưởng lâu dài từ căn bệnh này, tạo thêm gánh nặng về chăm sóc sức khỏe cho các quốc gia

Cuối tháng 3/2020, Laura Gross (72 tuổi) đang hồi phục sau ca phẫu thuật cắt túi mật ở Fort Lee, bang New Jersey thì bất ngờ nhiễm COVID-19. Bốn tháng sau, những triệu chứng như đau họng, nhức đầu, mờ mắt và nhức mỏi cơ vẫn còn đeo bám Laura. Ngoài bác sĩ chăm sóc chính, bà còn phải gặp các chuyên gia, gồm bác sĩ tim mạch, bác sĩ phổi, bác sĩ nội tiết, bác sĩ thần kinh và bác sĩ tiêu hóa.

Bác sĩ Marco Rizzi ở Bergamo, Ý - một trong những nước bùng phát dịch đầu tiên ngoài Trung Quốc - cho biết, tại bệnh viện nơi ông làm việc, khoảng 30% bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục có vấn đề về phổi, 10% có vấn đề về thần kinh, 10% có vấn đề về tim và khoảng 9% gặp vấn đề về kỹ năng vận động. 

Johanna Swanson - Giám đốc sản phẩm tại công ty phân tích dữ liệu GlobalData (Anh) - giải thích thêm: “Bệnh nhân COVID-19 nặng có thể phát triển hội chứng suy hô hấp cấp tính, dẫn đến tổn thương phổi và xơ hóa lâu dài. Chức năng phổi suy giảm cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim, thận và não. Ước tính, 70-80% số bệnh nhân thở máy tại đơn vị chăm sóc tích cực ICU sẽ rơi vào hôn mê, có thể dẫn đến suy giảm nhận thức lâu dài và ảnh hưởng trí nhớ”.

Với những bằng chứng cho thấy một số người sống sót sau COVID-19 phải chịu đựng các biến chứng suy nhược suốt nhiều tháng hoặc có thể nhiều năm, giới chuyên gia chăm sóc sức khỏe đang lo ngại về chi phí dài hạn mà nền kinh tế quốc gia phải gánh chịu. 

Ngành y tế và bảo hiểm liệu có kham nổi?

Đến nay, hơn 18 triệu người trên toàn thế giới đã nhiễm COVID-19, khoảng một phần tư trong số đó là ở Mỹ. Theo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, sẽ mất nhiều năm để tính toán đầy đủ chi phí cho những người đã hồi phục.

Tại Mỹ, các bệnh viện, phòng khám, bác sĩ tư và hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã mất phần lớn thu nhập trong những tháng đại dịch, do phải hoãn việc chăm sóc không thiết yếu để tránh phơi nhiễm và chuẩn bị cho một làn sóng bệnh nhân trở nặng. Điều này làm giảm ngân sách của nhiều cơ sở, bao gồm các bệnh viện vùng xa, trung tâm chăm sóc sức khỏe, văn phòng nha sĩ và khiến khá nhiều loại hình cung cấp dịch vụ y tế phải đóng cửa hoặc sáp nhập.

Hơn nữa, nếu số lượng bệnh nhân không có bảo hiểm tăng lên, các bệnh viện chăm sóc cho những người không có lựa chọn chăm sóc sức khỏe nào khác sẽ phải đối mặt với căng thẳng tài chính bổ sung. Dù đã có các khoản cứu trợ liên bang bao gồm ít nhất 100 tỷ USD cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe và Tổng thống Donald Trump hứa rằng chính phủ sẽ chi trả tiền điều trị cho bệnh nhân COVID-19 không được bảo hiểm, nhưng các bệnh viện có thể đối mặt với nhiều chi phí không được thanh toán khác. 

Hiện tại, những bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nhất của COVID-19 là người già, vốn được chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Mỹ (Medicare) chi trả, với ước tính chi tiêu cho COVID-19 có thể chiếm tới 28% kinh phí của Medicare trong năm 2020. Quỹ bảo hiểm Medicare dự kiến sẽ thâm hụt vào năm 2026 do sự gia tăng dài hạn của chi phí chăm sóc sức khỏe và thay đổi nhân khẩu học dẫn đến số lượng người làm việc giảm so với số người nhận Medicare. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách giảm chi tiêu, tăng nguồn thu cho quỹ bảo hiểm hoặc tái cơ cấu ngành chăm sóc sức khỏe với trang thiết bị hiện đại, hiệu quả hơn. 

Ngọc Hạ (theo Reuters, US PIRG, Global Data)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI