Điều trị COVID-19: Cho phép dùng huyết tương người khỏi bệnh để chữa cho bệnh nhân nặng

04/08/2020 - 18:49

PNO - Ngày 4/8, Bộ Y tế công bố Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 (sửa đổi lần thứ 4), cho phép sử dụng huyết tương người khỏi COVID-19 điều trị cho bệnh nhân nặng.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Đà Nẵng

GS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết: virus SARS-CoV-2 vừa lan truyền vừa tiếp tục biến đổi gene tạo ra nhiều chủng mới. Riêng tại Việt Nam đã phát hiện 6 chủng, khác hẳn với chủng tại Vũ Hán (Trung Quốc). Chủng mới vừa phân lập nằm trong nhóm D614G, xâm nhập từ nguồn nước ngoài vào Việt Nam.

“Điều đáng mừng là chủng này lây lan nhanh nhưng độc lực chưa có gì thay đổi so với chủng ban đầu. Những trường hợp nguy cơ tử vong cao là người già, suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền” - GS Kính nói.

Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế lưu ý, ngoài xâm nhập vào đường hô hấp, virus này có thể tấn công vào tất cả cơ quan nội tạng cơ thể, trong đó nổi bật là đường hô hấp, nhiều lúc gặp bệnh cảnh như nhiễm trùng máu thì bệnh cảnh nặng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, hội chứng "cơn bão cytokine" (hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ) cũng làm bệnh cảnh nặng lên.

Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 (sửa đổi lần thứ 4), Bộ Y tế lưu ý ngoài xâm nhập vào đường hô hấp, hay với những bệnh nhân có bệnh nền, lớn tuổi, suy giảm miễn dịch,... sẽ có nguy cơ cao gặp biến chứng. Bên cạnh đó, cơn bão cytokin cũng làm bệnh cảnh nặng lên.

GS Kính cho biết, một điểm cập nhật nữa là khi nghi ngờ mắc COVID-19, người dân sẽ được xét nghiệm ngay để tránh trường hợp bỏ sót và trở thành nguồn lây nhiễm. Cụ thể, những trường hợp có sốt, ho, viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác, kể cả những trường hợp được xác định, không cần yếu tố dịch tễ sẽ đều được lấy mẫu xét nghiệm.

Riêng với trẻ em, trong phác đồ mới, Bộ Y tế lưu ý các bác sĩ về tình trạng tổn thương viêm đa cơ quan tương tự bệnh Kawasaki với các biểu hiện sốt, ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, suy tuần hoàn, tổn thương tim, rối loạn đông máu…

Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song lần cập nhật thứ 4 này, Bộ Y tế đã cho biết: Một số thuốc kháng virus như các thuốc Lopinavir, Ritonavir, Interferon sẵn có trong nước và thuốc Remdesivir của Mỹ, thuốc IVIg có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Riêng thuốc Chloroquine, Hydroxychloroquine, Việt Nam ngừng sử dụng hoàn toàn, thay vào đó sẽ sử dụng thêm huyết tương của người đã khỏi bệnh.

Về việc phân loại lâm sàng, thay vì phân thành viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ, viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng… thì lần này bệnh được phân theo 5 cấp độ: Thể không triệu chứng; Mức độ nhẹ- viêm đường hô hấp trên cấp tính; Mức độ vừa- viêm phổi; Mức độ nặng - viêm phổi nặng; Mức độ nguy kịch.

Về tiêu chuẩn xuất viện, GS Kính cũng lưu ý các cơ sở y tế nên xét nghiệm lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 24 giờ, bệnh nhân hết sốt, hết triệu chứng, sau đó cho về nhà theo dõi tiếp tại cộng đồng 14 ngày, tự cách ly tại nhà, khi có bất cứ dấu hiệu thì đến cơ sở y tế gần nhất.

“Thực tế, từng có trường hợp được xét nghiệm 2 lần cách nhau 24 ngày, chúng tôi giữ lại bệnh viện cách ly chuẩn bị cho ra viện thì bệnh nhân tái dương tính. Chúng tôi nuôi cấy phân lập những trường hợp này thì thấy virus không phát triển, xét nghiệm những trường hợp F1 thì không có ai bị nhiễm. Xét nghiệm của chúng ta rất nhạy nhưng dù thế vẫn nên làm 3 lần cho chắc chắn” - ông Kính nói.

Bên cạnh đó, ông Kính cảnh báo, vừa qua nhiều trường hợp test nhanh trong cộng đồng dương tính, sau đó xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR thì âm tính, nhưng thực tế test nhanh có dương tính giả, đồng nghĩa kết quả test âm tính chưa hẳn đã không mắc COVID-19.

Ngoài ra, tỉ lệ lớn trường hợp mới mắc COVID-19, cơ thể sẽ chưa sản sinh ra kháng thể ngay, test nhanh không phát hiện được. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu tất cả những trường hợp test nhanh âm tính nhưng có yếu tố dịch tễ vẫn phải tuân thủ cách ly 14 ngày tại nhà.

Trong phác đồ mới, ngay khi phát hiện những ca nghi ngờ, không xác định được nguyên nhân, cơ sở y tế cần lập tức xét nghiệm Realtime RT-PCR, tránh bỏ sót.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI