Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam quyết không để xảy ra làn sóng COVID-19 thứ 2

04/08/2020 - 20:31

PNO - "Ở đâu đó có làn sóng dịch bệnh thứ hai nhưng Việt Nam quyết tâm không để xảy ra", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 4/8.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam quyết tâm không để xảy ra làn sóng thứ hai
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam quyết tâm không để xảy ra làn sóng thứ hai

Nhiều khả năng sẽ còn các ca tử vong

Trước diễn biến dịch đang còn phức tạp tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung, ông Nguyễn Thanh Long – quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục “tăng quân” vào khu vực này, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ truy tìm các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Từ đó, kiểm soát tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong.

Ban Chỉ đạo đã thống nhất nhận định tình hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát. Dự báo trong những ngày tới đây sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng và nhiều khả năng sẽ còn các ca tử vong là những bệnh nhân nặng đang điều trị tại các khoa chạy thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu, tim mạch.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh trên cả nước, Ban Chỉ đạo và các chuyên gia nhấn mạnh với gần 100 triệu dân, đường biên giới dài hơn 4.000km, nguy cơ có dịch luôn thường trực trong cộng đồng. Vì vậy, phải thiết lập trạng thái bình thường mới với từng người dân, gia đình, tổ chức và toàn xã hội.

Ban Chỉ đạo cho rằng, đất nước vẫn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải trí, việc cần thiết trong cuộc sống… nhưng phải trong điều kiện mới, cách làm mới để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Theo đó, phải phát hiện thật nhanh, khoanh vùng dịch thật sớm ở quy mô nhỏ nhất có thể. Các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng vì các ca bệnh chỉ dẫn ban đầu đều được phát hiện tại các cơ sở y tế. Người dân phải thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Siết chặt kỷ cương, "lên dây cót" cho cả hệ thống

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian tới, phải tập trung dập dịch nhanh nhất có thể. Mặt khác, cũng phải siết chặt lại kỷ cương, “lên dây cót” cả hệ thống, trước hết trong ngành y tế.

“Cuộc chiến này còn dài đến khi nào có vắc xin, thuốc đặc trị. Chúng ta mới thắng từng trận đánh, từng chiến dịch chứ chưa thắng cả cuộc chiến”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trên thế giới, rất nhiều nước do lơi lỏng, dịch bệnh đã quay lại, bùng phát thành làn sóng mới, đe dọa rất nghiêm trọng. Dịch bệnh ở thành phố Đà Nẵng thời gian qua là lời cảnh báo rất nghiêm khắc cho tất cả các bệnh viện, các địa phương, các ngành, các cấp.

Theo Phó thủ tướng, “giống như bảo vệ tuyến đê trong mùa lũ, điểm xung yếu nhất phải được canh giữ cẩn trọng nhất. Mọi rò rỉ, nhất là ở nơi xung yếu, phải được phát hiện ngay và bịt lại. Khu vực yếu nhất trong phòng, chống dịch là các bệnh viện, nhà dưỡng lão. Chỗ xung yếu của xung yếu là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân có các bệnh nền điều trị dài ngày như hồi sức cấp cứu, chạy thận nhân tạo. Các cấp chính quyền, ngành y tế phải tập trung vào”.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, phải thực hiện triệt để các chỉ đạo về quản lý sức khỏe của người dân, đặc biệt người cao tuổi, có bệnh nền, siết lại kỷ cương trong các bệnh viện, thực hiện nghiêm, triệt để quy định phòng dịch đối với mọi người đến khám bệnh và nhân viên y tế. Mỗi một sự cố xảy ra là một bài học và không được để bài học đó thành vô nghĩa nếu để lặp lại.

Nếu thực hiện tốt các biện pháp chống dịch đã đề ra, Phó thủ tướng tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể chống được dịch bệnh, có cuộc sống, sản xuất kinh doanh bình thường mới và phát triển

“Ở đâu đó có làn sóng dịch bệnh thứ hai nhưng Việt Nam quyết tâm không để xảy ra. Không để câu chuyện quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc. Chúng ta phải khoanh vùng nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải ở trong trạng thái bình thường mới để phát triển” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn về nội dung dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới; công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, máy móc phục vụ phòng chống dịch; điều chỉnh giá xét nghiệm COVID-19; vấn đề đặt máy, thuê máy phục vụ phòng chống COVID-19; giá hiệp thương mặt hàng sinh phẩm chẩn đoán COVID-19; xây dựng giá kế hoạch để các đơn vị, địa phương mua sinh phẩm; giá trang thiết bị…

M.Quang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI