Các nhà khoa học cho rằng chưa cần thiết phải tiêm tăng cường vắc-xin COVID-19

14/09/2021 - 16:44

PNO - Không có nghiên cứu nào cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về việc giảm đáng kể khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng của vắc xin.

 

Một bệnh nhân lớn tuổi được tiêm nhắc lại vắc-xin Pfizer-BioNTech Covid-19 ở Paris hôm thứ Hai
Một cụ bà được tiêm nhắc lại vắc-xin Pfizer-BioNTech ở Paris hôm đầu tuần 

Một nhóm các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã có cùng quan điểm trong một bài đánh giá có khả năng gây ra cuộc tranh luận lớn về việc có nên sử dụng các mũi tiêm vắc xin tăng cường hay không. 

Theo các nhà khoa học này, chính phủ các nước nên tập trung nhiều hơn vào việc tiêm chủng cho những người chưa được tiêm vắc xin và chờ đợi thêm dữ liệu về loại nào, liều lượng ra sao, hiệu quả bao nhiêu từ các loại vắc xin phổ biến. Đây là điểm chung của nhóm tác giả bao gồm hai chuyên gia nổi tiếng của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (CDC), lập luận trên tạp chí y tế nổi tiếng thế giới The Lancet. Báo cáo đánh giá của họ dựa trên một loạt các nghiên cứu quan sát trong thế giới thực cũng như dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng trước khi vắc xin được phê duyệt.

Các tác giả viết: “Không có nghiên cứu nào cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về việc giảm đáng kể khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng của vắc xin. Ngoài ra, cũng có thể gây thêm rủi ro, tác dụng phụ nếu các loại vắc xin tăng cường được tiêm quá sớm hoặc quá nhiều".

Cảnh báo này diễn ra khi hầu hết các quốc gia có nguồn cung vắc xin dồi dào vẫn còn tranh luận về việc có nên bổ sung liều lượng cho các mũi tiêm nhắc lại để tăng cường khả năng miễn dịch cũng như giúp ngăn chặn sự lây lan của các biến thể Delta dễ lây lan hơn hay không. 

Trong số các nhà khoa học đứng sau kết luận này có Marion Gruber, người đứng đầu Văn phòng Nghiên cứu và Đánh giá Vắc xin của FDA, và trợ lý của bà là Philip Krause. Cả hai đều cho biết họ sẽ từ chức vào cuối năm nay. Gruber và Krause là hai trong số một nhóm nhân viên của FDA, những người năm ngoái đã chống lại áp lực của chính quyền Trump trong việc đẩy nhanh cấp phép các loại vắc xin ngừa COVID-19. Ngoài ra, còn có các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bao gồm tiến sĩ Soumya Swaminathan, Ana-Maria Henao-Restrepo và Mike Ryan cũng có cùng quan điểm trên.

WHO đã nhiều lần kêu gọi các nước là không cần thiết hoặc nên hoãn tiêm mũi tăng cường đến cuối năm. WHO luôn cho rằng việc tập trung chủng ngừa cho những người chưa tiêm bất kỳ mũi vắc-xin nào sẽ có ý nghĩa tốt hơn về sức khỏe cộng đồng.

Qua các nghiên cứu được thực hiện cho đến nay, tiêm chủng có hiệu quả trung bình là 95% đối với bệnh nặng, bao gồm chống lại các biến thể lây nhiễm hơn như Delta, và hơn 80% hiệu quả trong việc ngăn ngừa bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy, ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao thì chính những người không được tiêm chủng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự lây truyền virus.

Trọng Trí (theo ABC News, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI