Các bác sĩ Do Thái đã ngăn chặn dịch bệnh trong khu ổ chuột cách đây hơn 80 năm như thế nào?

31/07/2020 - 09:00

PNO - Những năm 1940, bằng cách nào đó, bệnh sốt phát ban tước đi sinh mạng của hàng chục ngàn người Do Thái trong “khu ổ chuột Warsaw” khét tiếng đã bất ngờ giảm mạnh và biến mất. Mới đây, một nhóm chuyên gia về dịch tễ học và các sử gia uy tín đã tìm được câu trả lời.

Ngay sau khi chiếm Ba Lan vào năm 1939, Đức Quốc xã đã gom các công dân Do Thái của thủ đô Warsaw vào một nơi được canh gác cẩn thận, được biết dưới cái tên “khu ổ chuột Warsaw”. Đây là một trong những tội ác khủng khiếp nhất của Hitler trong đệ nhị thế chiến. Đức Quốc xã bào chữa bằng cách miêu tả đây là hành động “cách ly các cá nhân mang mầm bệnh”, nhưng trên thực tế là mở đường cho việc diệt chủng. Khi ấy, người Do Thái tại Ba Lan bị mô tả trong các áp phích tuyên truyền như những con rận.

Người Do Thái bị ép vào khu ổ chuột bởi lính Đức Quốc xã
Người Do Thái bị ép vào khu ổ chuột Warsaw

Chỉ rộng khoảng 1,3 dặm vuông (khoảng 3,3km2) và bao vây bởi hàng rào kẽm gai, “khu ổ chuột Warsaw” chứa 400.000 người Do Thái với điều kiện sống nghèo nàn. Họ phải chịu cảnh đói khát, lao động cưỡng bức và bệnh tật.

Để chống lại sự lây lan của bệnh tật, người Do Thái trong “khu ổ chuột Warsaw” có thể đã sử dụng thành công các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trong cộng đồng. Các ghi chép lịch sử cho thấy một trận dịch sốt phát ban đã bùng phát và tàn phá dân số trong khu ổ chuột. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, lượng người mắc bệnh đã giảm đáng kể.

Sau nhiều năm nghiên cứu và phân tích dữ liệu từ chính phủ, kết quả mới nhất đã được đăng tải trên tạp chí Science Advances cho thấy chính các bác sĩ Do Thái đã khởi động một chiến dịch y tế cộng đồng để kiềm chế sự lây lan virus. 

Khi đó, các quan chức Đức nhận thức rất rõ về nguy cơ xảy ra dịch. Họ biết rằng bằng cách để quá tải, bỏ đói người Do Thái và tước các nhu yếu phẩm cơ bản, khu ổ chuột sẽ trở thành nơi lý tưởng cho việc lây nhiễm. Sự đói khát khiến việc chống lại bệnh tật gần như bất khả. Vệ sinh kém và không gian sống chật chội đã tạo tiền đề lan virus nhanh chóng.

Thời điểm đó, có hơn 100.000 người Do Thái bị nhiễm bệnh và ít nhất 25.000 người chết. Thế nhưng, ngay trước mùa đông năm 1941, lúc dịch bệnh đang bùng phát thì các trường hợp nhiễm bệnh bất ngờ giảm theo cấp số nhân mà lẽ ra chúng phải tiếp tục gia tăng.

Các tù nhân tại khu ổ chuột đứng chờ nhận thức ăn. Việc giao tiếp bằng tay này là một trong những phương thức đã làm dịch bệnh lây lan nhanh chóng.
Tù nhân tại khu ổ chuột đứng chờ nhận thức ăn. Việc tiếp xúc này là một trong những phương thức đã làm dịch bệnh lây lan nhanh chóng

Nhà toán học Lewis Stone – chuyên gia lập mô hình bệnh tật tại đại học RMIT ở Úc và đại học Tel Aviv ở Israel - tác giả chính của cuộc nghiên cứu cho biết: “Ban đầu, tôi nghĩ rằng đây chỉ là một bộ dữ liệu bị hỏng. Nhưng sau đó tôi kiểm tra cuốn nhật ký của nhà sử học nổi tiếng Emanuel Ringelblum - người đã ghi lại các sự kiện hàng ngày trong khu ổ chuột - và chính anh ta đã chứng thực những gì tôi đã thấy là thật”. 

Lewis Stone và các nhà nghiên cứu đã sử dụng một mô hình để xác định có hay không sự can thiệp hay biện pháp y tế nào được đưa ra. Kết quả, họ khẳng định chắc chắn đã xuất hiện một yếu tố khác ngăn cản trận dịch bởi nếu không, con số nhiễm bệnh phải cao gấp 2-3 lần. “Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng việc sụp đổ của dịch bệnh là do nỗ lực từ cộng đồng”, Stone nói.

Theo Stone, việc sụp đổ của dịch bệnh là do nỗ lực từ cộng đồng và rất có thể người đứng đầu là nhà dịch tễ học Ludwik Hirszfeld. Vị chuyên gia này đã từng viết trong nhật ký của mình rằng các ca nhiễm đã giảm 40%.

Nhà dịch tễ học Ludwik Hirszfeld (1884 - 1954) là người đã đóng vai trò chính trong việc thiết lập các sáng kiến ​​y tế công cộng trong khu ổ chuột.

Các bác sĩ Do Thái đang khám bệnh cho những người bị giam cầm tại khu ổ chuột - Ảnh: Getty
Các bác sĩ Do Thái đang khám bệnh cho những người bị giam cầm tại khu ổ chuột - Ảnh: Getty

Để chống lại căn bệnh hiểm nghèo với nguồn tài nguyên ít ỏi, Hirszfeld và các bác sĩ khác đã thực hiện hàng trăm bài giảng, cung cấp các khóa học vệ sinh và thành lập một trường đại học y khoa ngầm để đào tạo sinh viên y khoa trẻ về các tác động của nạn đói và dịch bệnh. Bởi vì không có loại kháng sinh nào cho bệnh sốt phát ban vào thời điểm đó, các phương pháp điều trị tốt nhất là khử trùng và giữ sạch sẽ.

Các bác sĩ và nhân viên y tế khuyến khích mọi người diệt chấy rận, thay quần áo, ủi và giặt càng nhiều càng tốt. Trong khi những nỗ lực đó mở rộng khắp khu ổ chuột, các cơ quan tình nguyện đã thiết lập một chiến dịch hỗ trợ thức ăn giúp dập tắt một phần tình trạng đói và chính những việc làm này đã dần đẩy lùi bệnh dịch.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng tin rằng các nỗ lực y tế cộng đồng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của trận dịch thời ấy.

Trường hợp của khu ổ chuột Warsaw không phải ví dụ đầu tiên hoặc duy nhất về sự tương tác giữa chính trị và bệnh tật. Thế nhưng, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng rõ ràng ủng hộ hiệu quả của các chiến dịch y tế công cộng và cần có những cách thức mới để đánh giá các yếu tố rủi ro bệnh tật, đặc biệt là trong lúc COVID-19 đang hoành hành.

Mai Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI