Cá chết: Miền Trung rau - củ đội giá, du lịch đìu hiu

27/04/2016 - 09:31

PNO - Thảm họa cá chết nổi trắng bờ biển các tỉnh Bắc Trung bộ đang tạo ra một cơn sóng đảo lộn sinh hoạt của người dân miền Trung...

Chưa bao giờ mối an nguy của môi trường tự nhiên lại tác động dữ dội như thế đến muôn mặt đời sống người dân.

Đến ngày 26/4, tại vùng biển Thừa Thiên - Huế, hiện tượng cá chết trôi dạt vào bờ gần như đã giảm hẳn. Trước đó, khoảng 8g30 sáng 24/6, ở khu vực bờ biển thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, người dân tiếp tục phát hiện một xác con cá vẩu nặng khoảng 35kg trôi dạt vào bờ.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh xác nhận: “Đây lần đâu tiên loại cá vẩu biển có trọng lượng lớn trôi dạt vào bờ biển gần khu vực cảng Chân Mây. Loại cá này từ ngoài biển Đông trôi vào, chứ vùng biển Chân Mây qua địa bàn xã Lộc Vĩnh hoàn toàn không có cá này”.

Ca chet: Mien Trung rau - cu doi gia, du lich diu hiu
Tại chợ Cống (TP. Huế) tiểu thương ngồi nhìn nhau cả ngày, không bán được cá. Ảnh: Thuận Hóa

Tình trạng cá biển không bán được diễn ra từ nhiều ngày qua đã khiến người dân Huế buộc phải thay đổi khẩu vị trong bữa ăn hàng ngày. Nhiều quầy hàng hải sản ở những chợ vùng biển như Thuận An (thị trấn Thuận An), chợ Bình An (xã Lộc Vĩnh) và cả những chợ lớn của TP. Huế như Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu... đều lâm cảnh ế ẩm.

Chị Huỳnh Thị Lợi, tiểu thương bán hải sản ở chợ An Cựu than: “Từ sáng tới trưa ni tui mổ con cá thu rồi đến con cá ngừ to, nhìn tươi roi rói rứa mà mời mỏi miệng cũng chẳng ai mua. Trước đây mỗi ngày tui bán gần 20kg cá thu, cá ngừ, chừ ngồi phất quạt đuổi ruồi mỏi rã tay mà không ai hỏi mua”. Ngược lại với cá biển, các loại cá nước ngọt, cá có nguồn gốc từ phá Tam Giang, đầm Cầu Hai bán khá chạy. Tại chợ Cống TP. Huế, các loại cá bống, thệ, lóc, diếc và cả lươn không còn hàng để bán mặc dù giá khá cao.

Do tâm lý lo sợ ăn cá biển nhiễm độc nên gần như nhà nào tại TP. Huế cũng tích trữ rau sạch và trứng để ăn thay cá. Do đó, giá rau sạch ngoài thị trường tăng cao.

Tình trạng cá chết cũng làm ngư dân và các hoạt động du lịch biển ở Thừa Thiên - Huế rơi vào cảnh khốn khó. Đang phụ chồng thu gọn lại các vật dụng sau hai ngày vươn khơi, bà Dương Thị Kho (56 tuổi) ở thị trấn Thuận An rưng rưng nước mắt khi được hỏi chuyện đi biển của gia đình. Tàu cá của bà Kho có bảy thuyền viên vừa cập cảng sáng sớm 26/4 với bảy tấn cá, trong đó có gần một tạ cá liệt, cá phèn, còn phần lớn là các loại cá nhỏ.

“Vì thông tin cá biển nhiễm độc chết dạt bờ mà giờ không gia đình nào muốn mua cá biển về ăn, bảy tấn cá chỉ bán được hai, còn năm tấn phải đem làm mắm hoặc cho heo ăn. Cách đây đúng một tuần, cá liệt còn có giá 70.000đ/1kg, cá phèn 40.000đ/1kg, nay giá chỉ còn phân nửa nhưng cũng rất ít người dám mua. Thậm chí nhiều mối thu mua cá đã ngưng việc bỏ hải sản lên các chợ đầu mối ở TP. Huế vì ở các chợ này cá biển bán không được”, bà Kho nói.

Ca chet: Mien Trung rau - cu doi gia, du lich diu hiu
Người bán cá ở chợ An Cựu, Huế thẫn thờ vì nhiều ngày ế ẩm - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc cảng cá Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện toàn tỉnh có gần 2.000 tàu cá lớn nhỏ, trong đó có trên 300 tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Dù đã qua mùa trăng nhưng do ảnh hưởng từ vụ cá biển chết hàng loạt, người dân lo sợ cá nhiễm độc không dám mua về ăn khiến nhiều tàu cá ở các địa phương phải nằm bờ.

“Trước đây, bình quân mỗi ngày cảng đón khoảng 100 đến 120 tấn hải sản từ các tàu đánh bắt đưa về, nhưng những ngày qua con số này giảm rõ rệt. Chúng tôi đã cử cán bộ đến các chợ ở TP. Huế để tìm hiểu, ghi nhận phần lớn các cửa hàng bán cá đều rất ế ẩm. Vì thế, đơn vị cũng chỉ còn cách động viên ngư dân cố gắng vươn khơi bám biển trong thời gian tới”, ông Sơn nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI