Cá chết, dân bỏ ngư trường, hàng quán vắng tanh

22/04/2016 - 08:03

PNO - “Khổ lắm, đi xa gần 10 hải lý, cá có chết đâu, nhưng về bán không ai mua. Không có ruộng, tui phải đi biển, giờ không biết tính sao đây”.

Không khí căng thẳng tràn ngập thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nơi được cho là bị ảnh hưởng nặng nhất của ô nhiễm nước biển. Ông Nguyễn Văn Huê ở xã Kỳ Lợi than thở: “Khổ lắm, đi xa gần 10 hải lý, cá có chết đâu, nhưng về bán không ai mua. Không có ruộng, tui phải đi biển, giờ không biết tính sao đây”. Trong khi đó, nhiều hộ đánh bắt gần bờ đem cá về đổ bỏ vì không ai mua.

Người nuôi cá lồng trên biển cũng chết đứng chết ngồi. Ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch thị xã Kỳ Anh cho hay, thống kê ban đầu ở các xã như Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh, có đến khoảng 37.000 con cá các loại bị chết, ước tính thiệt hại ban đầu 1,5 tỷ đồng.

Chiều 21/4, chúng tôi tìm về làng bè nuôi cá lồng và khu vực nhà hàng nổi ở cảng Vũng Áng, nét vui mừng của các chủ nhà hàng vụt tắt khi biết chúng tôi không phải khách hàng, chỉ tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Cả làng nhà hàng nổi vắng đìu hiu, không một bóng khách.

Ca chet, dan bo ngu truong, hang quan vang tanh
Người dân thôn Phú Hải xã Lộc Vĩnh vớt cá chết trôi vào bờ

Chủ nhà hàng nổi Thân Thiện cũng là chủ một bè cá nói như khóc: “Mấy ngàn cá giống và cá thịt chết hết chỉ sau vài tiếng đồng hồ thủy triều lên, giờ chỉ còn lại mực và tôm để phục vụ khách. Nhưng kể từ khi xuất hiện cá chết, làng nhà hàng nổi không một bóng người tới ăn uống, nhậu nhẹt”.

Tại thị trấn Cửa Tùng (Quảng Trị), nhiều ngư dân cho hay, họ phải bỏ hủy đi biển, hoặc rút ngắn thời gian chuyến đi. Ông Nguyễn Tấn Hai, một ngư dân than thở: “Tui chạy về sớm, chứ ở lại tốn dầu, vì gia đình báo rằng cá chết, giá rớt thảm lắm, không ai mua. Vợ tôi nói, cá ở chợ khách hàng sợ ngộ độc, không dám mua ăn, còn cá ngon tươi đến mấy cũng tụt giá còn một nửa”.

Cũng theo ông Hai, cá đánh bắt không bán được, nhiều người phải đem cho heo ăn, nhưng cũng lo heo bị bệnh. Điều đáng ngại, theo lãnh đạo địa phương, là tâm lý “cá nào cũng là cá chết” theo phản ứng dây chuyền đã ảnh hưởng đến cả những tàu đánh bắt xa bờ (ngoài phạm vi cá chết cách bờ 2 -3km).

Tại Thừa Thiên Huế, tình hình cũng không khả quan hơn. Chị Huỳnh Thị Mười, tiểu thương buôn cá vẩu ở thôn An Cư Đông thị trấn Lăng Cô, H.Phú Lộc cho hay: Trước đây, mỗi ngày chị xuất đi Đà Nẵng và TP.HCM ít nhất hơn 200kg cá vẩu với giá sỉ 200.000đ/kg. Bây giờ, mỗi ngày chị thu mua chưa được 10kg cá mà bán không ai mua vì khách nghi cá nhiễm độc.

“Mấy ngày ni, thấy bà con xuống đầm Lăng Cô vớt cá chết trên lồng, mình đi buôn cũng xót cho người nuôi. Bây giờ lại rộ tin đồn cá ở Lăng Cô nhiễm độc chết nên các thương lái trong Nam ngưng đặt hàng, trong lúc đó, mình đã đặt cọc tiền cho các hộ nuôi. Tính ra, đợt này nhà mình lỗ gần hai tỷ đồng”, chị Mười buồn bã.

Không riêng gì các thương lái kinh doanh hải sản chất lượng cao, nhiều tiểu thương nhỏ lẻ ở các chợ có cá dạt vào bờ biển như như chợ Lộc Vĩnh, chợ chiều Bình An (Lộc Vĩnh), chợ Lộc Hải thị trấn Lăng Cô, chợ Thừa Lưu, người dân tẩy chay cá biển vì sợ ăn trúng loại cá nhiễm độc. Là ngư dân có nhiều năm kinh nghiệm, ông Nguyễn Xuân Thảo (57 tuổi, thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) cũng không thể lý giải hiện tượng này. Nhiều loài sinh sống ở đáy biển và rất khó đánh bắt, nay cũng chết dạt bờ.

“Từ nhỏ đến giờ, chưa khi nào tôi thấy cá biển chết một cách kỳ lạ như vậy”, ông Thảo nói và cho hay, nhiều ngư dân đã chấp nhận phơi thuyền, không ra khơi nhiều ngày vì biển bây giờ không còn nhiều cá để bắt. “Có ra khơi bắt được vài con về đem ra chợ, chúng tôi cũng không bán được vì người dân tưởng cá chết nên dân không mua. Làm sao chúng tôi dám ăn khi mà gà, vịt cũng chết tức tưởi vì ăn phải cá chết ngoài biển dạt vào”, ông Thảo lo ngại.

Văn Định - Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI