Buộc dây giữa dòng nước xiết giải cứu học sinh bị cô lập trong lũ quét

14/10/2022 - 11:12

PNO - “Nước quá lớn, chảy xiết nên học sinh không thể đi qua được. Tôi phải buộc dây thừng vào một tay, đứng bên này đỡ, một người ở bên kia suối bế từng em ném sang”, anh Vi Văn Núi kể lại khoảnh khắc giải cứu hàng chục học sinh mắc kẹt khi lũ quét ập về.

Buộc dây thừng, đỡ học sinh được ném qua suối

Hơn 10 ngày sau trận lũ quét được xem là lịch sử ập về, những bản làng ở xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn còn ngổn ngang, đồ đạc, đất đá, cành cây… nằm lăn lóc ở dưới khe suối, bên đường đi. Nhiều khu dân cư với những nếp nhà sàn - đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An nay chỉ còn là bãi đất trống cùng rất nhiều đất đá và rác. 

Chỉ tay vào căn nhà vẫn còn ngổn ngang đất đá, một phần góc nhà ở mép suối Huồi Giảng đã bị lũ cuốn trôi, bà La Thị Mai (trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) cho biết, nước lũ về quá nhanh, chồng bà lại bị tai biến nên cả 2 không kịp trở tay. “Lúc đầu thấy nước về chậm, tôi chạy vào nhà lo cho chồng, đang chuẩn bị di dời thì nước lũ ầm ầm đổ về. Đất, đá tràn vào chắn ngang cửa nên không thể mở cửa chạy thoát ra ngoài”, bà Mai nhớ lại.

Bà Mai nhớ lại giây phút bị nước lũ bủa vây
Bà Mai nhớ lại giây phút bị nước lũ bủa vây

Thời điểm này, trong nhà còn 2 cháu nhỏ và hơn 10 em học sinh ở trọ kế bên cũng đã dồn vào nhà bà Mai để tránh lũ. Không thể thoát ra ngoài, trong khi nước lũ dâng nhanh, ngập tới ngực dù họ đã đứng lên giường. Bất lực, tất cả chỉ biết la hét cầu cứu.

Anh Vi Văn Vông (40 tuổi, trú bản Hòa Sơn) cho biết, chừng 7g sáng 2/10, anh cùng 5 người khác trong bản đang đi dọc khe suối Huồi Giảng thì nghe tiếng la hét cầu cứu từ trong nhà bà Mai. Lúc này nước ở khe suối đã ngập cao tới cổ, chảy xiết không thể lội qua. 

“Chúng tôi tìm được 2 cây mét gác lên làm cầu rồi leo sang tiếp cận căn nhà. Không thể mở cửa vì đá lớn đã chặn, anh em dùng một khúc gỗ lớn phá khung cửa sổ, lần lượt đưa mọi người thoát ra ngoài”, anh Vông kể và cho hay, toàn bộ thời gian giải cứu này mất chưa đến 10 phút. Nếu chậm chừng 15 phút nữa, toàn bộ người trong nhà bà Mai khó thoát chết.

Khi tất cả đã an toàn, nhóm của anh Vông vội chạy đến một nhà khác kế cận cũng có nhiều học sinh đang mắc kẹt bên trong. Lúc này, tình thế trở nên khó khăn hơn bởi nước lũ đang về ngày một dữ dội.

Đất đá ngập trong nhà, một góc nhà bà Mai bị nước lũ xé toác
Đất đá ngập trong nhà, một góc nhà bà Mai bị nước lũ xé toác
Anh Vông (áo xanh ở giữa) cùng 2 người trong bản nhớ lại giây phút phá cửa cứu hàng chục người mắc kẹt trong lũ
Anh Vông (áo xanh ở giữa) cùng 2 người trong bản nhớ lại giây phút phá cửa cứu hàng chục người mắc kẹt trong lũ

Nhìn căn nhà đang ngổn ngang rác, bùn đất, anh Vi Văn Núi (38 tuổi, trú bản Hòa Sơn) nói rằng, lũ ập nhanh, anh chỉ kịp lo cho vợ con đi lánh nạn rồi bỏ mặc tất cả đi giải cứu người dân trong bản. “Lúc đó cũng chẳng còn lo nhà có bị trôi không, thấy còn rất nhiều người, nhất là các em học sinh nhỏ tuổi đang mắc kẹt nên tôi chỉ nghĩ làm sao nhanh chóng cứu các em thoát ra ngoài”, anh Núi nói.

Người đàn ông 38 tuổi này kể, khi tiếp cận một căn nhà có hơn 20 người, chủ yếu là học sinh đang mắc kẹt, anh cùng một số người khác phải mất gần 1 phút xoay xở vì không nghĩ được cách đưa các nạn nhân ra ngoài. Nước ngập quá đầu người, chảy xiết, anh Núi đành tìm một đoạn dây thừng buộc vào một tay, đứng ở mép suối, những người còn lại leo vào nhà tiếp cận các em học sinh.

“Khoảng cách nước chảy mạnh nhất rộng khoảng 3m, anh em đứng bên kia bế từng người một đẩy thật mạnh sang bên này, tôi đứng sẵn túm lấy rồi đưa lên bờ”, anh Núi kể. Lần lượt từng em một được đưa ra ngoài an toàn, cho đến một bé gái 6 tuổi không may bị đẩy trôi, anh Núi thả lỏng người cho cuốn trôi theo chừng vài mét thì túm được áo bé gái, kéo cháu vào bờ.

“Em nghĩ mình khó thoát chết, nên buông tay em”

Mùa chi chít vết thương, đượm buồn mỗi khi nhắc lại chuyện bị nước lũ cuốn trôi
Mùa chi chít vết thương, đượm buồn mỗi khi nhắc lại chuyện bị nước lũ cuốn trôi

“Kinh hoàng”, là từ mà người dân xã Tà Cạ nhắc đến rất nhiều khi nhớ lại khoảnh khắc trận lũ quét ập về sáng 2/10. Nước lũ chảy cuồn cuộn, mang theo hàng ngàn khối đất, đá… đi tới đâu, dòng nước lũ cuốn trôi mọi thứ ở đó. Phần lớn người dân nơi đây chỉ kịp chạy thoát thân, tài sản bỏ mặc lại phía sau chẳng thể đoái hoài đến.

“Trận lũ kinh hoàng, nhưng chỉ có một cháu bé tử vong. Đây là điều rất may mắn cho Kỳ Sơn”, ông Thò Bá Rê - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nói. Nước lũ đổ về nhiều lần, phần lớn người dân dọc ven khe suối Huồi Giảng đã cảnh giác, nhiều người cũng đã chủ động di dời trước khi đợt lũ lớn nhất ập về, cuốn trôi mọi thứ. Hơn nữa, nhiều người dân nơi đây cũng liều mình, tìm cách giải cứu rất nhiều người bị mắc kẹt, chưa kịp di dời.

Mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen các anh Vi Văn Truyền - trưởng bản Hòa Sơn, anh Lê Minh Hương cùng nhiều người dân đã dũng cảm cứu nạn thành công những người bị mắc kẹt, cô lập giữa dòng nước lũ tại bản Hòa Sơn, đưa người gặp nạn đến vị trí an toàn.

Chủ tịch nước nhấn mạnh các anh là những tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, quả cảm, giàu tình nghĩa của người Việt Nam, xứng đáng được khen ngợi và lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.

Những căn nhà bên mép suối Huồi Giảng vỡ vụn, chỉ còn trơ lại những bức tường nứt nẻ
Những căn nhà bên mép suối Huồi Giảng vỡ vụn, chỉ còn trơ lại những bức tường nứt nẻ
Công an, bộ đội vẫn đang nỗ lực hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa, những gì còn sót lại sau lũ
Công an, bộ đội vẫn đang nỗ lực hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa, những gì còn sót lại sau lũ

Đôi mắt đượm buồn nhìn về con suối Huồi Giảng, em Mùa Chí Mùa (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học bán trú PTDTBT Tiểu học - THCS xã Tà Cạ) nói rằng: “Em nghĩ mình khó thoát chết, nên buông tay em”. 

Mùa là người đã bế bé 4 tháng tuổi khi trận lũ quét ập về. Sáng 2/10, em được người lớn giao trông bé gái 4 tháng tuổi (con gái của chị dâu Mùa). Lúc này mưa lớn, Mùa bế em ngồi trong nhà. Nghe tiếng bố hô lên “chạy ra ngoài đi”, Mùa hoảng sợ bế em chạy vào nhà vệ sinh, rồi lại chạy ra song bị nước lũ cuốn trôi.

“Lúc này, có một cái cây đập vào bụng, em nghĩ mình khó thoát chết nên mới thả em bé ra”, Mùa kể lại. Cả Mùa và em bé tiếp tục bị dòng nước lũ hung dữ cuốn về phía dưới nhưng không thể làm gì được. Mùa sau đó bị cuốn trôi vào mép một ngôi nhà, em may mắn vớ được một cây đu đủ, sau đó trèo lên một bức tường và được người dân đưa vào.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI