Bùng phát dịch COVID-19: Campuchia trước bờ vực sinh - tử

19/04/2021 - 09:10

PNO - Đưa ra cảnh báo mạnh mẽ, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho hay, việc phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thị trấn Takmao (thuộc tỉnh Kandal lân cận) có thể kéo dài hơn hai tuần nếu người dân không hợp tác. “Tôi xin nói rõ điều này, hãy ở nhà. Mỗi người giữ nguyên vị trí trong 14 ngày”, ông tuyên bố.

Nhân viên sân bay quốc tế Phnom Penh vận chuyển vắc-xin Sinovac COVID-19 mà Campuchia mua từ Trung Quốc ngày 17/4 - Ảnh: Xinhua
Nhân viên sân bay quốc tế Phnom Penh vận chuyển vắc-xin Sinovac COVID-19 mà Campuchia mua từ Trung Quốc ngày 17/4 - Ảnh: Xinhua

Ở đâu ở yên đó, bằng không…

Theo Thủ tướng Hun Sen, dù lệnh phong tỏa đã có hiệu lực từ 15/4 nhưng ông vẫn thấy nhiều người dân trên đường. “Nếu hết thời hạn 14 ngày mà tình hình không cải thiện, tôi sẽ gia hạn thêm. Nếu không hợp tác với chính phủ, chúng ta sẽ thất bại trong việc ngăn chặn dịch bùng phát”, ông Hun Sen nói và cho biết lực lượng an ninh và chính quyền các cấp sẽ thực hiện nghiêm lệnh cấm người dân ra khỏi nhà.

Hiện số ca mắc mới mỗi ngày của Campuchia đã lên đến ba con số. Bộ Y tế nước này cho biết, trong số ca dương tính mới chỉ có một trường hợp nhập cảnh, còn lại là lây lan trong cộng đồng, chủ yếu ở thủ đô Phnom Penh. Từ đầu đại dịch đến nay, Campuchia có 5.771 trường hợp nhiễm COVID-19, với 39 ca tử vong.

Trước khi lệnh phong tỏa ban hành, một đoạn ghi âm bài phát biểu của Thủ tướng Campuchia trong phòng thu đã bị rò rỉ, cho thấy sự lo lắng của nhà lãnh đạo: “Xin người dân hãy cùng chúng tôi nỗ lực để chấm dứt tình trạng nguy cấp hiện nay. Chúng ta đang bên bờ vực của cái chết. Nếu không chung tay, cái chết thực sự treo trên đầu”. Những âm thanh đó lan truyền chóng mặt trên phương tiện truyền thông đại chúng và gây ra làn sóng người dân đổ xô mua hàng hoảng loạn khiến tất cả cửa hàng bị “quét sạch”. 

Đợt bùng phát COVID-19 trong cộng đồng lần thứ ba ở Campuchia được cho là bắt nguồn từ hai phụ nữ trẻ Trung Quốc vào ngày 20/2. Họ đã hối lộ bảo vệ khu cách ly để được đi ra ngoài chơi tại thị trấn Takmao. Ngay sau đó, các ca bệnh bùng ra trên khắp đất nước. Nhiều người nhiễm biến thể COVID-19 lây khá mạnh ở Anh. Vốn là nhà lãnh đạo ít khi chịu sự chỉ trích, ông Hun Sen gây ngạc nhiên khi thừa nhận Chính phủ Campuchia phản ứng chậm chạp trong việc kiểm soát dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo xứ sở này đang đối diện “thảm kịch quốc gia”.

Các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar được đánh giá khá thành công trong việc ngăn chặn COVID-19. Thế nhưng, đợt bùng phát thứ ba ở Campuchia là một lời nhắc nhở, dù vi-rút có thể được kiểm soát với nỗ lực lớn, nhưng bất kỳ sự lơ là nào đều phải trả giá đắt. Thái Lan cũng đang đối mặt đợt bùng phát COVID-19 lần thứ ba và hiện đã công bố những hạn chế mới gây ảnh hưởng nặng nề kế hoạch tái khởi động du lịch.

Tiêm vắc-xin cho cả người nước ngoài

Ngày 17/4, lô vắc-xin Sinovac COVID-19 thứ hai mà Campuchia mua từ Trung Quốc đã đến Phnom Penh. Nước này đã nhận được hơn 3,6 triệu liều vắc-xin từ Trung Quốc và chương trình COVAX - sáng kiến toàn cầu nhằm bảo đảm tiếp cận vắc-xin COVID-19 công bằng do WHO bảo trợ.

Vương quốc đã tiến hành đợt tiêm chủng đầu tiên vào ngày 10/2, tập trung vào nhóm nguy cơ cao và dễ tổn thương như bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, công chức, giáo viên, lực lượng vũ trang, nhà báo, người thu gom rác và công nhân nhà máy may mặc. Theo báo cáo của chính phủ, tính đến 16/4, có khoảng 1,24 triệu trong tổng số 16 triệu dân được tiêm vắc-xin COVID-19, đạt tỷ lệ 7,75% dân số. Nước này còn dự kiến mua hơn 20 triệu liều vắc-xin để tiêm cho ít nhất 10 triệu người.

Ngoài ra, ngày 8/4 vừa qua, Bộ Y tế Campuchia đã phát đi thông báo về việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho người nước ngoài cư trú và làm việc tại đây. Quan chức Phnom Penh lưu ý rằng, việc tiêm phòng dành cho công dân nước ngoài, nhưng không phải là nhân viên của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính quốc tế, đại sứ quán hoặc tổ chức phi chính phủ địa phương thuộc sự điều phối của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế. Đợt đầu tiên này do Bộ Lao động giám sát việc đăng ký của người nước ngoài có thị thực thông thường (Visa E) và giấy phép lao động do bộ cấp. Hoặc công dân Campuchia mang hộ chiếu nước ngoài có Visa (K), người nước ngoài kết hôn với công dân Campuchia, người về hưu nước ngoài và người nước ngoài cư trú dài hạn hợp pháp. Có thể thấy, phần lớn người nước ngoài thỏa điều kiện này thuộc công dân đến từ Trung Quốc. 

Nam Anh (theo Phnom penh Post, Khmer Times, Xinhua)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI