Bỏ rơi nhau ngay lằn ranh sinh tử

25/08/2023 - 06:35

PNO - Tôi ghé Bệnh viện Ung bướu TPHCM thăm người chị họ và vô tình chụp được một hình ảnh đáng yêu.

 

Họ chậm bước đi trên dãy hành lang, trong giọng nói, mắt nhìn của người chồng chất đầy nỗi quan tâm, lo lắng cùng cẩn thận.
Họ chậm bước đi trên dãy hành lang. Giọng nói, mắt nhìn của người chồng chứa đầy nỗi quan tâm, lo lắng, sự cẩn thận. (Ảnh: Nguyễn Thuỵ)

Người chồng một tay giơ cao bình nước truyền, một tay đưa ra cho vợ vịn. Họ đi chậm từng bước nhỏ, vừa đi, ông vừa thủ thỉ: “Em bước có kịp anh không? Có bị nhói chỗ vết thương không? Ráng nha, bác sĩ nói cần vận động nhẹ nhàng mà. Anh đi với em”.

Theo chân họ suốt dãy hành lang chữ L đầy người nằm, người ngồi, mùi ê te thoang thoảng, tôi thấy lòng mình ấm áp, ngọt ngào. Nhiều người giống tôi, tủm tỉm cười, nhìn theo họ.

Ai đó kêu lên: “Ông bà này tình dữ!”. Hình như nhiều người quen nhau. Có chị khẽ hỏi: “Còn đau nhiều ha chị? Bữa tôi hết thuốc mê, tỉnh lại phải 5 ngày sau mới êm đó”.

Không chờ vợ đáp, người chồng ôn tồn: “Đau chứ, đại phẫu mà cô!”. Nghe chồng nói, người vợ cười hiền từ: "Còn đau chị, cảm ơn chị nghen. Chị cũng khỏe nghen". Rồi người đàn ông đó tiếp tục dìu bước vợ, thong thả đi tiếp về phía trước, bỏ lại sau lưng những tiếng xuýt xoa. Có anh lườm vợ: "Tui cũng lo cho bà mà?". Câu hờn mát của anh chồng làm nhiều người cười rôm rả. 

Tôi rẽ bước vào phòng bệnh chị tôi nằm. Căn phòng dịch vụ tiện nghi, nhưng tôi thấy lạnh vắng hơn ngoài hành lang nhộn nhịp. Một chị nằm quay lưng vào tường như đang rấm rứt khóc. Chị tôi khẽ nói, đó là chị Mai.

Hoàn cảnh của chị Mai, chị tôi đã kể với tôi nhiều lần qua tin nhắn. Rằng chị Mai nằm viện hơn tháng, vết mổ chưa lành hẳn thì em gái chồng vào thăm nói ba má nhắn chị khỏe lại về nhà bàn tính chuyện… cưới vợ cho chồng. Vì chồng chị con trai một, vợ không sinh nở, bây giờ còn cắt hết tử cung, làm sao có con nối dõi.

Chị Mai khóc đến kiệt sức. Vết may tổn thương, nhiễm trùng nên phải nằm lại bệnh viện theo dõi. Ông chồng chưa hề vào thăm vợ. Chị tôi thở dài: “Bác sĩ la quá chừng. Nói chị Mai chưa hóa trị, xạ trị toa nào mà khóc như thế này, tới lúc điều trị làm sao chịu nổi?”.

Chị gái chừng 50 tuổi ở giường kế giường chị tôi đang ôm cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” trên ngực. Mắt chị không nhìn vào sách lại như mơ màng ở cõi xa nào đó. Chị tôi khẽ khàng: “Cô ấy nằm cả tuần rồi, sắp mổ ung thư buồng trứng mà anh chồng 2-3 ngày gọi điện 1 lần, hứa mãi chẳng thấy vào thăm. 2 con trai thì đi làm, chiều tạt ngang một xíu dặn dò, dúi tiền người giúp việc rồi vội về nhà. Thấy có vẻ họ nhiều tiền lắm, nhưng mà tội ghê...”.

Để các chị đỡ buồn khi đang nằm bệnh viện, tôi kể chuyện cặp vợ chồng nơi hành lang. Chị giường bên khẽ nói: “Người ta có phước, có phần...”.

Trước đây, dì tôi cũng hay nói câu này, là để khen chị tôi có phước, lấy được anh rể giàu có, đẹp trai, lại cưng vợ. Nhưng rồi mới cưới nhau 2 năm, chị phát hiện anh bồ bịch bên ngoài. Chị cũng đánh ghen, cũng khóc lóc. Ba má chồng, em gái chồng cùng vào cuộc khuyên can, đe dọa đủ thứ anh mới “quay đầu”.

10 năm sau đó, vợ chồng chị có vẻ “sóng yên biển lặng” thì đùng một cái chị phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Anh chồng hay tin, ban đầu cũng lo âu, mất ngủ cùng vợ. Nhưng sau vài tháng, anh dần dần né tránh chung đụng.

Trước khi chị tôi nhập viện, anh rể tuyên bố chu cấp toàn bộ tiền điều trị, nhưng sẽ chia tay. Anh nói anh "ghê máu me". Lúc này, thì ba mẹ, em chồng chị tôi chỉ biết im lặng. Họ đồng tình với anh rể, còn loan tin chị tôi đang là gánh nặng của chồng.

Chị tôi nghe mà chết lặng, nhưng chị không quỵ ngã được, chị nói chị phải sống, chị còn 2 đứa con trai. Vậy là tôi và các em xúm vào cùng chị chiến đấu với căn bệnh quái ác.

Tôi nhớ ngày tôi và một cô em họ ngồi trong phòng chờ phẫu thuật, các bác sĩ ở bệnh viện mời thân nhân qua tư vấn riêng. Trong nhiều thứ các bác sĩ dặn dò về chăm sóc bệnh nhân trước và sau phẫu thuật, điều làm tôi nhớ nhất vẫn là cái câu: “Anh (chị, ông, bà) giờ chính là chỗ dựa cho bệnh nhân bên lằn ranh sinh tử”.

Làm chỗ dựa cho một người đã khó, huống chi chỗ dựa ấy ngay lằn ranh sinh tử. Đơn giản làm chỗ dựa thôi thì bạn đã cần phải là người đủ vững vàng, tự tin, yêu thương, bao dung người nương vào bạn.

Ở lằn ranh sinh tử, không chỉ đơn giản vậy, vừa làm chỗ dựa cho người, bạn còn phải vực dậy chính mình, kéo căng mọi thứ: lo từ chuyện tiền nong, thuốc thang, ý tứ cẩn trọng trong từng câu nói, ánh mắt nhìn; là luôn để người đó vào trong ánh mắt, trong quả tim…  Có đâu mà ngay chốn bệnh hoạn ấy lại đành đoạn bỏ rơi nhau. Tôi nghĩ, có lẽ không nỗi đau nào thấu tim gan hơn nỗi đau này nữa.

Nguyễn Thụy

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hải 26-08-2023 07:51:05

    Bài viết súc tích, hay nhưng với cái nhìn phiến diện và tưởng như thực tế lại rất phi thực tế "2 con trai thì đi làm, chiều tạt ngang một xíu dặn dò, dúi tiền người giúp việc rồi vội về nhà." ????? xin thưa, ai cũng chỉ mong được thế, con còn có vợ và con của chúng . ai cũng chỉ có 24 tiếng 1 ngày mà mưu sinh không phải 8 tiếng nữa, đươc mấy người hết 8 tiếng trở về nhà ??? 2 vc đi làm nuôi mình và 2 đứa con đã chật vật, quay cuồng ..... nên quan điểm của mình không phải của tất cả nha tác giả, nói quan điểm của mình thì ok nhưng từ đó mà suy này nghĩ kia thì sáo rỗng , lý thuyết suông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI