Bỏ phố về quê, cha mẹ tôi trách con cháu không ngó ngàng

30/04/2024 - 06:15

PNO - Bố mẹ tôi bỏ phố về quê vì mơ mộng cảnh vườn rau, ao cá. Nhưng mới được mấy hôm, ông bà đã than vất vả, trách con cháu không về thăm.

Ảnh minh họa
Bố mẹ tôi mơ tới viễn cảnh bỏ phố về quê rất thong dong và đầy ắp tình xóm giềng (ảnh minh họa)

Bố mẹ tôi về hưu đã 4 năm. Ông bà ở với gia đình em trai tôi ở Hà Nội, lúc nào chán lại bay vào ở với vợ chồng tôi và cô em gái tại TPHCM.

Cả 3 đứa con đều để sẵn phòng riêng và tùy ý bố mẹ tự do sinh hoạt. Thế nhưng một ngày đẹp trời, bố mẹ nói chán cảnh thành phố đông đúc, chật chội. Bố tôi có đất vườn và quả đồi ở Yên Bái do ông bà nội tôi để lại. Thế là ông bà yêu cầu con cái góp tiền cho ông bà bỏ phố về quê xây nhà, sống cuộc đời điền viên.

Bao lâu nay, việc thờ phụng vẫn do em trai tôi đảm đương, bây giờ bố tôi muốn xây nhà thờ tổ ở quê để tới dịp giỗ chạp, gia đình chị em tôi và con cháu trong họ về tề tựu… cho vui.

Vui đâu chẳng thấy, cả ba chị em tôi đều đang đi làm công ăn lương, đâu phải hễ bố mẹ hô lên là về quê được. Em trai tôi ở Hà Nội lên xe khách vài tiếng là về tới Yên Bái, tôi và em gái tận miền Nam, vé máy bay ngày một đắt đỏ, một năm nhà có gần chục đám giỗ, nếu cứ bay ra bay vào theo ý ông bà thì chắc... sạt nghiệp. Đó còn chưa kể các cháu đang tuổi ăn học, đâu thể ngang nhiên nghỉ học mà về quê chơi với ông bà.

Ban đầu về quê, bố mẹ tôi vẽ ra viễn cảnh là sáng sáng sẽ sang nhà anh em họ hàng ngồi uống trà, tâm sự. Nếu không thì khi ngủ dậy, bà sẽ pha ấm trà, bỏ mấy cái kẹo lạc ra đĩa cho ông tiếp họ hàng, láng giềng ghé thăm. Ở quê có nhiều người cùng tuổi với ông bà nên giao tiếp sẽ phù hợp và nhiều chuyện để nói. Ở thành phố, con cháu đi làm và đi học cả ngày. Tối các thành viên chỉ gặp nhau trong bữa cơm, hỏi han được vài câu rồi mạnh ai về phòng nấy.

Bố tôi đi mượn máy cắt cỏ của anh họ, ông dự tính dọn sạch quả đồi để bà trồng cây chè (trà). Ông bà tưởng tượng cảnh sở hữu quả đồi chè thơ mộng như trong phim, sáng ra ngắt lá trà về hãm nước uống.

Ở quê có điện nhưng không có nước máy. Thế là ông bà thuê người đào giếng. Bà còn phấn khởi gọi điện kể cho chúng tôi báo rằng từ giờ không phải đóng tiền nước như ở thành phố, cuộc sống cơ bản là hoàn toàn tự chủ. Gạo thì không ăn bao nhiêu, mua lại của bà con trong thôn xóm, thịt thì đã nuôi thả cả đàn gà, rau lại trồng ngay trước sân, nước thì dùng nước giếng. Ông bà chỉ phải tiêu đúng một thứ tiền, đó là tiền điện.

Dù chị em tôi khuyên can thế nào bố mẹ cũng không chịu nghe, nhất quyết đòi sống cuộc đời thôn dã vui vẻ và an nhàn.

Bổ tôi cắt cỏ không xuể nên đổ bệnh (ảnh minh hoạ)
Bổ tôi cắt cỏ không xuể nên đổ bệnh (ảnh minh họa)

Và chỉ chưa đầy 1 tháng chuyển về quê, bố mẹ tôi đã vỡ mộng, ông bà rên la oai oái, trách móc con cháu đủ điều.

Thứ nhất, khi đám giỗ, mọi người chẳng thể thu xếp tề tựu đủ đầy như ông bà mong muốn. Thứ hai, anh em họ hàng còn bận làm lụng, thời gian đầu mới mẻ, họ hay qua lại trò chuyện, sau đó ai cũng phải kiếm cơm nên chẳng tiếp chuyện ông bà mãi được.

Thứ ba, mẹ tôi ở thành phố từ bé quen rồi, chưa bao giờ bà tận tay làm thịt một con gà. Bây giờ gà thả đầy vườn đấy nhưng bà chẳng dám thịt để ăn, chẳng lẽ mỗi lần muốn ăn gà lại đi nhờ láng giềng làm thịt hộ?

Tiếp đến, bố tôi vừa cắt cỏ được góc này thì góc kia cỏ mọc lại, cắt mãi không hết cỏ nên mệt, đổ bệnh. Bố mẹ tôi cả đời có trồng cây bao giờ, thế là lại đi thuê người trồng cây và chăm sóc vườn tược. Vậy là tưởng về quê có cuộc sống tự cung tự cấp thì bây giờ ba chị em chúng tôi phải bơm thêm tiền về nuôi… sự nghiệp bỏ phố về quê của ông bà.

Mẹ tôi tưởng sẽ sống tự cung tự cấp nhưng nuôi gà lại không dám thịt (ảnh minh hoạ)
Mẹ tôi nghĩ sẽ sống tự cung tự cấp, nhưng khi nuôi được một đàn gà, bà lại không dám thịt (ảnh minh họa)

Cả bố và mẹ tôi đều có bệnh nền, người thì cao huyết áp, người tim mạch và đái tháo đường. Ở với chị em tôi, hằng tháng ông bà còn đi tái khám định kỳ, lấy thuốc uống. Từ ngày về quê, đường sá xa xôi, đi khám không tiện nên mẹ tôi cứ dùng lại toa cũ. Hiện bà có dấu hiệu tê tay và hay đánh trống ngực.

Tới nay, bố mẹ tôi về quê đã tròn 2 tháng. Ông bà thường xuyên than thở với mọi người, nhắn tin, gọi điện trách móc con cái bất hiếu, bỏ rơi, không đoái hoài gì tới ông bà.

Bây giờ chúng tôi phải thế nào mới là không bỏ rơi bố mẹ? Chẳng nhẽ chúng tôi phải bỏ hết công việc, bán nhà ở thành phố, chuyển học hành con cái, rồi tất cả cùng kéo nhau về Yên Bái làm nông dân để không bất hiếu?

Quế Anh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Mỹ Cẩm Lệ 04-05-2024 18:05:02

    Trẻ còn chẳng về quê ở được nữa là già. Nội chuyện khám bệnh nghĩ là thấy oải rồi. Con cháu còn đi làm đi học, sao mà chiều ông bà được. Về đấy thì còn cô đơn hơn là ở với con. Nói chung già rồi cũng dễ dễ xíu, không là con cái khổ lắm.

  • Phan Vũ 03-05-2024 18:51:47

    Bố mẹ của các bạn thực sự cũng chưa già vì mới về hưu, nhưng có suy nghĩ tưởng là hiện đại nhưng lại không có sự chín chắn, giờ sai rồi lại đổ vạ cho con thì thật đáng trách. Sống ở đâu quen ở đấy ,ở quê điều kiện sống làm sao mà so với thành thị được, nhất là về y tế, tiện ích cuộc sống, đụng cái là thấy ăn uống chè chén chỉ ở chơi được thôi!

  • minhle 01-05-2024 13:10:16

    khoảng 2 năm thì 3 chị em không thể bơm tiền về cho các cụ mãi được; bệnh già tiến triển là phải đón các cụ về phố thôi

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyenphongthevi /strCate=chuyenphongthe
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhototamsuvi /strCate=nhototamsu