Bố mẹ chồng đòi mua xe hơi riêng dù ít đi đâu, và cũng chẳng ai biết lái

10/04/2022 - 17:00

PNO - Hãy khẳng định với ông bà rằng anh chị mong ông bà có tuổi già viên mãn, nhưng nếu nó vô lý và ngoài khả năng của anh chị thì không thể

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi và chồng lấy nhau được 5 năm. Giữa chúng tôi không có vấn đề gì, nhưng tôi quá mệt mỏi vì những đòi hỏi của gia đình bên chồng.

Sau khi cưới nhau, tôi nghe cha mẹ chồng nói lúc chồng tôi đi học, ông bà đã phải bán miếng vườn ở quê cho họ hàng để có tiền lo cho anh. Miếng vườn đó chính là tài sản ông bà để  dành dưỡng già. Vì vậy bây giờ tụi tôi phải trả lại cho ông bà.

Khi nghe ông bà nói như vậy, tôi thấy hơi chạnh lòng, có cảm giác sao cha mẹ anh tính toán với con cái quá. Không cần ông bà nói thế, chúng tôi cũng sẽ chăm lo, phụng dưỡng cho ông bà theo khả năng của chúng tôi cơ mà.

Thế nhưng 5 năm qua, càng ngày tôi càng cảm thấy mệt mỏi với những yêu cầu về vật chất của gia đình chồng.

Hàng tháng, vợ chồng tôi đều gửi tiền về quê cho ông bà vài ba triệu, dịp lễ Tết thì năm mười triệu, tùy vào tình hình kinh tế trong gia đình. Thế nhưng ông bà không bao giờ bằng lòng. Vẫn cứ nay xin cái này, mai xin cái khác. Mà những cái xin đó toàn là kiểu để chơi, thậm chí khoe mẽ với hàng xóm, như dàn karaoke, vàng đeo tay khi đi đám tiệc...

Điều làm tôi tức giận nhất là ông bà còn chơi số đề, thua vài ba lần, chúng tôi cũng phải nai lưng ra trả nợ. Cách đây vài hôm, bố chồng hùng hổ gọi điện cho tôi, mắng nhiếc tôi nặng nề, vì nghe chồng tôi nói tôi từ chối đưa tiền cho bố mẹ mua xe hơi trả góp.

Quả thật đó là việc quá sức với vợ chồng tôi. Trả trước 300 triệu, rồi hàng tháng phải góp trên dưới 10 triệu. Trong khi lương hai vợ chồng gom lại không quá 30 triệu/tháng. Còn ít tiền trong ngân hàng là tôi đang để tính chuyện sanh đứa con nữa.

Tôi uất ức quá nên trả lời rằng tôi và chồng tôi sẵn sàng phụng dưỡng sức khỏe, đời sống của bố mẹ, chứ không phải đưa tiền để bố mẹ ăn chơi đề đóm bài bạc, rồi còn đua đòi mua xe hơi, trong khi ở nhà không ai biết lái, và ông bà cũng chẳng mấy khi đi đâu. Rằng tiền để dành là để nuôi cháu nội ông bà, nên ông bà cũng suy nghĩ lại một chút cho các cháu. Ông bà chưa đói thì gia đình tôi cũng đã sắp nghèo đến nơi rồi...

Chỉ có thế thôi mà nghe nói mẹ chồng tôi đòi tự tử, chồng tôi đang đêm phải chạy cả trăm cây số về nhà. Anh trách tôi không khéo léo, nói chuyện không phải phép với người già, để bây giờ bố mẹ yêu cầu anh chọn tôi hay họ, nếu chọn họ thì phải ly hôn, khiến anh khó xử.

Bao lâu nay, tôi đã chán nản vì chồng nhu nhược, chiều cha mẹ, sợ bị ông bà trách, nên toàn đổ mọi chuyện qua tôi. Nay anh còn trách tôi. Tôi nghĩ lâu dài tôi sẽ kiệt sức, không thể nào đáp ứng nổi việc trả nợ ăn học của chồng cho cha mẹ chồng.

Tôi muốn ly hôn cho được yên ổn. Tôi làm thế có phải là hấp tấp không chị? Vì giữa hai vợ chồng không có mâu thuẫn gì lớn. Nhưng kéo dài tình trạng này, tôi không chịu được nữa.

Khánh Linh

Chị Khánh Linh thân mến,

Có những trách nhiệm, nghĩa vụ, khi được thực hiện một cách tự nguyện, được tiếp nhận, đánh giá một cách trân trọng, thì sẽ trở thành điều hạnh phúc lớn lao cho người thực hiện nó. Nhưng cũng có những trách nhiệm và nghĩa vụ mà người ta phải thực hiện nó trong ràng buộc, cưỡng ép, thì nó trở thành gánh nặng.

Với vấn đề anh chị đang gặp, thay vì tự dưng trở thành bất hòa đến mức phải nghĩ đến chuyện ly hôn, sao anh chị không kiên quyết thay đổi điều gốc rễ đó: Đặt trách nhiệm và nghĩa vụ đó đúng vị trí và mức độ trong khả năng của mình, để có thể thực hiện nó một cách thanh thản.

Trước tiên, việc này cần được thống nhất giữa anh và chị, như thế nào là vừa đủ và đúng? Có nghĩ là nó thật sự đảm bảo được ý nghĩa ngày xưa của miếng đất của ông bà "dưỡng già": đủ để chăm lo đời sống, sức khỏe của ông bà.

Ngoài điều đó ra, những đòi hỏi để phục vụ mục đích khác của ông bà sẽ không nằm trong trách nhiệm và nghĩa vụ của anh chị, mà tùy theo khả năng và cảm nhận về sự cần thiết điều đó của anh chị.

Cũng nên thống nhất một điều quan trọng: đây là việc mà sau khi có sự bàn bạc, thống nhất  với nhau, thì anh là người phải chịu trách nhiệm trò chuyện, trao đổi, biếu tặng... với ông bà,  chứ không phải là chị. Anh không nên tránh né, ngại ngùng, để chị phải là người gánh chịu những đòi hỏi vô lý, những trách móc, khó chịu khi không được thỏa mãn của ông bà.

Còn nếu anh không thống nhất được với chị những điều này, thì chị hãy yêu cầu anh tự chịu trách nhiệm "trả nợ" cho ông bà. Bàn bạc cụ thể về những trách nhiệm chung với con cái, gia đình và để anh tự thu xếp, tính toán với những đòi hỏi của cha mẹ.

Cuối cùng, anh chị nên nói chuyện thẳng thắn, điềm tĩnh, ôn hòa, minh bạch và... lễ phép với ông bà về việc phụng dưỡng cha mẹ. Hãy cho ông bà biết tình hình kinh tế của anh chị ở mức độ nào, và những gì anh chị thực hiện là những cố gắng lớn của cả hai, để ông bà được an tâm tận hưởng tuổi già. 

Hãy khẳng định với ông bà rằng anh chị luôn mong muốn ông bà có được tất cả những gì ông bà muốn, nhưng nếu nó là những đòi hỏi vô lý và ngoài khả năng của anh chị, thì mong ông bà hãy suy nghĩ kỹ khi đưa ra những đòi hỏi đó, và đừng giận hờn trách móc nếu không được thỏa mãn.

Hãy để ông bà hiểu rằng những gì ông bà "làm quá" sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của con cái, và đời sống của các cháu. Nói để ông bà biết, chứ không mong chờ ông bà hiểu, bởi có thể là ông bà sẽ không chịu hiểu. Và điều đó không phụ thuộc vào anh chị!

Nếu tất cả những điều chị bàn bạc và yêu cầu anh cùng giải quyết, mà anh vẫn không làm được, vẫn né tránh, vẫn muốn được lòng ông bà mà đặt gánh nặng lên vai chị, thì chừng đó, chị hãy nghĩ đến chuyện giải thoát cho chính mình khỏi nợ nần vô thời hạn.

Hạnh Dung 

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Có những người bố, mẹ hy sinh hết cho con cái, cũng có những người bố mẹ thậy kỳ lạ, họ coi con cái là cái kho để khai thác

Nợ của chồng, để chồng tự trả đi chị ơi.

Chắc là chị và anh ráng kiếm miếng đất giống vậy, mua cho ông bà, là xong. Hay chạy một lần, kiếm khao3n tiền tương đương vậy đưa ông bà.

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI