Biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương: Hồi sinh từ cây cầu tuyệt vọng

19/12/2020 - 05:18

PNO - Một buổi chiều chập choạng của 24 năm về trước, có người phụ nữ chở đứa con gái nhỏ lên cầu Ghềnh (Đồng Nai), dự định tự tử cùng con. Sống - chết như thể chỉ còn trong gang tấc, nhưng câu nói ngây thơ của con gái nhỏ: “Hay là mình đừng có chết được không mẹ?” đã vực chị dậy. Phải sống! Và sống cho đến bây giờ, với những thành tựu đáng tự hào cho cuộc đời mình… Chị là biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương.

Giữa lằn ranh sống- chết

Giữa những ý kiến hiến kế các giải pháp cho không gian công cộng của TP.HCM (diễn ra tại buổi tọa đàm “Không gian văn hóa công cộng tại TPHCM: Thực trạng và giải pháp”, đầu tháng 12/2020), có lời tâm sự chân thật của một người 16 năm thuộc “thành phần cư dân thu nhập thấp” - đó chính là Đỗ Thị Thanh Hương.

Bây giờ, tên tuổi chị đã gắn với những bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích, được gọi tên cùng danh xưng là nhà biên kịch nổi tiếng. Nhưng ít ai biết rằng, cuộc đời chị đã trải qua khoảng thời gian dài khốn khó và nhiều sóng gió. Cũng chính cuộc đời ấy lại cho chị nhiều chất liệu đắt giá về những câu chuyện rất thật, rất đời trên màn ảnh nhỏ. 

14 tuổi chị bắt đầu biết rung động, nhưng mối tình đầu thơ ngây sớm vụn vỡ vì gia cảnh nghèo khó. 17 tuổi chị lên xe hoa, lại gặp người chồng vũ phu. 31 tuổi ly hôn, tay trắng. Thanh xuân của chị là những ngày nhiều nước mắt, buồn đau, vất vả, thiếu thốn.

“Sai lầm lớn nhất của cuộc đời tôi là đã vội lấy chồng khi chưa kịp có tình yêu. Nhưng sai lầm ấy cũng đã cho tôi có được điều quý giá nhất của cuộc đời, là đứa con gái. Chính con bé cũng là người đã giữ lại cho tôi sinh mệnh này” - chị Thanh Hương tâm sự.

Chân dung nữ biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương - Ảnh nhân vật cung cấp
Chân dung nữ biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương - Ảnh nhân vật cung cấp

Năm ấy, vì một nỗi oan trong công việc, chị đã phải rời khỏi công việc của một người làm báo, danh dự bị chà đạp. Trong nỗi phẫn uất không kìm nén được, chị nghĩ đến việc tự tử để chứng minh mình bị hàm oan. 

Vào buổi chiều chập choạng tối, khi bóng đêm dần buông xuống trên dòng sông Đồng Nai, chị chở con gái lên cầu Ghềnh, tâm tư rối bời chẳng còn nghĩ gì về tương lai, hy vọng. Trong túi áo khi ấy đã có sẵn một bức thư tuyệt mệnh được ép plastic để không bị nhòe nước.

Chị đã chuẩn bị mọi thứ cho một cuộc ra đi không bao giờ trở lại. Khi xe chuẩn bị lên cầu, con gái hỏi: “Mẹ ơi, mình đi đâu vậy mẹ?”. Chị trả lời không giấu giếm: “Mình đi chết!”. Xe gần đến giữa cầu, con gái thỏ thẻ: “Hay là mình đừng chết được không mẹ? Ở đây người ta xấu quá, hổng ấy mẹ về quê nấu bún riêu bán, con rửa chén cho”. Lời ngây thơ của con gái vậy mà khiến chị bừng tỉnh. 

Chị đổi cái chết bằng một trận khóc vỡ òa bên con gái. Bé còn nhỏ quá không hiểu hết nỗi đau khổ của mẹ, nhưng bé con hồn nhiên lại trở thành điểm tựa mạnh mẽ đủ sức cứu lấy mẹ, cứu lấy chính mình.

Sau biến cố ấy, chị ôm con vào Sài Gòn lập nghiệp, sở trường viết lách được chị phát huy tối đa. Chị viết báo, viết kịch bản, chuyển thể kịch bản phim truyền hình… Làm không ngơi nghỉ suốt hàng chục năm bằng sức mạnh tinh thần không gì lay chuyển nổi. “Phải sống và khẳng định mình” là mệnh lệnh chị dành cho bản thân. 

Giờ ở tuổi 55, ai gặp chị cũng sẽ chỉ thấy một nữ biên kịch vui tính, hài hước, lúc nào cũng tràn ngập năng lượng. Chị nói, mọi đau khổ oán hận đều đã nằm lại trong ngày hôm qua, trong những ký ức rất xa xôi, nếu có nhắc lại cũng chỉ để cười…

Mùa sen không cạn

Từ nửa đêm về sáng, khi thành phố chìm vào giấc ngủ, là lúc chị ngồi vào bàn làm việc. Những kịch bản phim đã được sáng tác thâu đêm như thế. Biên kịch Thanh Hương nói, đó là khoảng thời gian yên tĩnh nhất, là lúc chị được chìm sâu, chạm đến cùng cảm xúc của những nhân vật chị muốn khắc họa.

Một trong những nhân vật có thể xem là thể hiện hình ảnh ngoài đời của chị nhiều nhất là Hương Liên (trong phim Mùa sen cạn, đạo diễn Nguyễn Dương, đã phát sóng vào năm 2014, nhân vật do diễn viên Kim Tuyến đảm nhận).

Chị làm việc không mệt mỏi để
Chị làm việc không mệt mỏi và trở thành tác giả có sách được yêu thích của thập niên 1990

“Những nhân vật nữ của tôi thường mạnh mẽ, không hề khuất phục số phận. Cuộc đời tôi cho dù có đi qua bão, cánh buồm rách nát chỉ còn một mẩu thôi, tôi vẫn sẽ gắng sức lèo lái con thuyền về bờ an toàn. Tôi muốn truyền tải tinh thần đó cho các nhân vật, những người phụ nữ luôn có sự vượt thoát khỏi những bi kịch số phận của cuộc đời mình. Sau sóng gió là bình an” - biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương chia sẻ. 

Người ta thường nói, văn vận vào người. Trường hợp này có lẽ đúng với chị Thanh Hương. Vì chính chị cũng chẳng hiểu vì sao từ cuốn tiểu thuyết đầu tay chị viết đã là một câu chuyện buồn: Tình ly biệt (in năm 1990). Rồi sau đó là hàng loạt tựa: Nước mắt đêm tân hôn, Dư âm ngày ấy, Người tình và quê hương, Thắm mãi tình em, Em về trên xác lá khô

Nhiều trong số 70 cuốn tiểu thuyết đã xuất bản vào những năm thập niên 1990 của chị đã được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình: Bông hồng của tướng cướp, Pha lê không dễ vỡ, Sỏi đá cũng biết yêu… Bộ ba Đỗ Thị Thanh Hương - Phạm Hạ Thu - Võ Uyên Dung là những tên tuổi nhà văn nữ có sách được yêu thích, bán chạy nhất lúc bấy giờ.

“Tôi đã đi qua những năm tháng sóng gió nhất, gian khó nhất của cuộc đời mình. Nhìn lại cuộc đời, thấy đường sự nghiệp của mình cũng coi như có chút thành công, nhưng đường tình duyên thì lận đận. Đó là phần số của mình” - chị bộc bạch.

Tình yêu của người đàn bà “sống cả đời bằng chữ nghĩa” như lời chị nói, đoạn kết lúc nào cũng chỉ là đau khổ, hối hận, bẽ bàng. Những hy vọng, tuyệt vọng cứ thế mà theo chị về đến tận bên kia dốc của cuộc đời, cho đến ngày nhận diện được, chị tự thề với lòng mình: sẽ không bao giờ yêu thêm lần nữa. 

Không có tình yêu nào ở lại trọn vẹn, nhưng mùa sen của cuộc đời chị mãi không cạn vì còn có con gái. Cô bé con năm xưa trên cầu Ghềnh giờ đã là kỹ sư thành đạt, có gia đình riêng. “Hạnh phúc lớn lao tôi đang mong chờ chính là ngày được làm bà ngoại” - chị Hương cười.

Mười mấy năm qua, chị tìm đến thiền. Nhắm mắt nhìn sâu vào vũ trụ, vào đời người, vào chính mình để được tìm đến ngọn nguồn thanh thản nhất trong tâm hồn, như câu nói nhẹ nhàng: “Ngoài kia bão có đang đến, thì mình cứ thế ngồi yên trong nhà. Bây giờ có là đêm tối thì ngày mai chắc chắn trời lại sáng…”. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI