Biên đạo John Huy Trần: Khi chúng ta đứng chung, tất cả sẽ là một

30/11/2019 - 10:48

PNO - Sau bốn năm ấp ủ, Gaia “We are one” - show múa mang thông điệp về mối liên kết giữa con người với thiên nhiên của nghệ sĩ John Huy Trần đã hoàn thành.

Các suất diễn được ra mắt vào các ngày 28, 29, 30/11 và 1/12, với sự tham gia của các nghệ sĩ nhóm Urban Dance Group (UDG) và ban nhạc rock  alternative AMAVI đến từ Canada.

Dự án ra đời từ suy nghĩ của biên đạo John Huy Trần về mối liên kết giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. “Khi con người đứng riêng thì mỗi người là một, nhưng khi chúng ta đứng chung thì tất cả sẽ là một. Chúng ta không khác biệt nhiều, ai cũng ăn - uống - thở - sống - chết, tôi mong con người nghĩ nhiều hơn về cách sống của mình”, biên đạo múa người Canada gốc Việt chia sẻ.

Bien dao John Huy Tran: Khi chung ta dung chung, tat ca se la mot

Phóng viên: Môi trường là vấn đề toàn cầu và gần như ai cũng quan tâm. Tuy vậy hẳn phải có một dấu ấn nào đó khiến anh quyết định làm một show nhảy múa như Gaia “We are one”?

Biên đạo John Huy Trần: Từ nhỏ, tôi đã tò mò về nhiều thứ, không chỉ về môi trường và sự ô nhiễm, mà còn về cách sống của con người, trong đó có cách con người ứng xử với thiên nhiên. Khi học tiểu học, trong giờ ăn trưa, thấy bạn nào cũng có hộp sữa hay hộp nước trái cây cắm ống hút nhựa, tôi nghĩ: “Ồ, cái này chỉ dùng một lần rồi bỏ thì hơi uổng”. Từ đó, tôi luôn đặt câu hỏi: “Nếu con người cứ sống theo kiểu không ăn hết thì vứt bỏ, từ thức ăn đến hộp đựng, ống hút… thì trái đất sẽ đi về đâu?”. Sự tò mò lúc nhỏ và những suy nghĩ lúc lớn như một đường link xuyên suốt, thúc giục tôi viết gì đó về nữ thần đất mẹ Gaia.

Chúng tôi sẽ kể với khán giả câu chuyện về con người và thiên nhiên theo một cách mà tôi tin khán giả sẽ cảm nhận được thông điệp về môi trường. Từ đó, mỗi người sẽ suy nghĩ nhiều hơn về chính mình và điều chỉnh cách sống. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là cảm xúc của khán giả. Tôi có mời ba khán giả xem một buổi chạy chương trình. Một khán giả cảm động đến khóc mà không hiểu vì sao mình khóc. Tôi nghĩ ai cũng sẽ cảm nhận được Gaia “We are one” theo cách của mình. Người thì thích động tác đẹp, người thì thích ánh sáng đẹp, hoặc âm nhạc hay... 

* Vì sao anh mất đến gần bốn năm cho Gaia “We are one”? Có khó khăn gì không, thưa anh?

- Năm 2016, lúc mới viết vở múa này, tôi cần kinh phí nên đi tìm nhà tài trợ nhưng không ai muốn giúp. Họ đều nói đại loại: cái này nhạy cảm quá, bạn không nên làm, đó là cách sống của con người, sao thay đổi được... Nhưng rồi mọi thứ thay đổi, nhiều người đã cùng lo lắng và để ý nhiều hơn đến thiên nhiên và sự kết nối. Không làm được bốn năm trước lại là điều may mắn, vì lúc đó nhiều người chưa sẵn sàng để xem chương trình của tôi. Ở thời điểm này, có nhiều người cảm thấy lạc lối, không biết bắt đầu từ đâu trong việc kết nối mọi thứ với nhau, thì hãy bắt đầu từ bây giờ, để sửa lại từ điều nhỏ nhất trong cách nghĩ, và rồi cách sống của mình cũng sẽ thay đổi theo.

* Rõ ràng là có khó khăn về kinh phí cho Gaia “We are one”, và anh hoàn toàn có thể dùng bản thu nhạc có sẵn, nhưng tại sao lại quyết định “chơi lớn” là mời ban nhạc AMAVI từ Canada về?

- Tôi và UDG luôn muốn làm điều khác biệt và tạo cái mới để thu hút khán giả. Lâu nay khán giả không thường xem một ban nhạc chơi live ở các chương trình múa nên tôi muốn khán giả được thưởng thức điều này. Bản thân tôi cũng thấy chơi live thì đã hơn và cũng hợp với cách chúng tôi đang nói - Gaia “Chúng ta là một” - nhóm múa và ban nhạc cũng là một. Khán giả ngồi rất gần với nghệ sĩ, sẽ cảm nhận được sự hòa quyện giữa âm nhạc và từng chuyển động của vũ công, nghe thấy từng tiếng thở của nghệ sĩ và từng âm thanh của ban nhạc. 

* Anh đề nghị AMAVI viết nhạc mới hoàn toàn cho Gaia “We are one” chứ?

- Họ viết mới hoàn toàn. Trong ba tháng, chúng tôi làm việc qua facetime, trái múi giờ nên hơi phức tạp. Đây cũng là một thử thách cho bản thân tôi. Trong hơn ba tháng viết nhạc cho vở múa 90 phút không phải đơn giản. Họ đã làm việc rất chuyên nghiệp, thật tuyệt vời! Lúc tôi mở lời, họ rất hào hứng, và còn không tin đó là sự thật. Âm nhạc phần đầu rất nhẹ nhàng, phần hai có chất hoang dã, phần ba rock nặng, phần bốn thì rất chan hòa. Mọi thứ tưởng không có gì thuộc về nhau, nhưng đều kết hợp được với nhau.

Việc tìm thấy AMAVI là một tình cờ thú vị. Trong một lần, tôi ghé thăm chị gái ở Canada thì nghe chị mở nhạc. Tôi hỏi ai đang chơi đấy? Chị nói đây là một band ở Canada. Tôi lại hỏi tìm được họ không, thì hóa ra đó là band của chồng chị ấy. Sau đó, tôi lên mạng tìm hiểu, biết họ cũng chơi nhiều thể loại nhạc jazz, blue, rock… khá giống cách UDG đang chơi. 

* Trong suy nghĩ của anh, con người với con người đang kết nối tốt hơn hay đang mất dần sự kết nối?

- Chưa hoàn toàn, nhưng rõ ràng chúng ta đang mất dần sự kết nối. Các thiết bị điện tử, mạng xã hội cho thấy sự sáng tạo và trí thông minh của con người tuyệt đến mức nào. Tuy nhiên, những thứ đó tưởng như kết nối, nhưng thật ra khiến chúng ta ngày càng xa cách. Thế hệ tôi (đã bốn mươi tuổi), hồi xưa nói chuyện với người thân, bạn bè đều nhìn vào mắt nhau, chia sẻ với nhau, còn bây giờ thì lại dành thời gian để social media, selfie… dù vẫn đang ngồi bên nhau. Trò chuyện với các bạn trẻ cách mình hai mươi năm, tôi thấy các bạn không thoải mái lắm. Họ không quen nhìn vào mắt người đối diện, mà ánh mắt cứ “bay bay” đi đâu đó. Điều này thật nguy hiểm. Biết đâu mười, hai mươi năm tới, chúng ta không còn thói quen nhìn vào mắt nhau và quan sát mọi thứ xung quanh nữa. 

* Thông điệp về xã hội luôn cần lan tỏa, nhưng múa đương đại lại chưa quá phổ biến tại Việt Nam, anh có sợ sự lan tỏa thông điệp sẽ bị hạn chế?

- Đương nhiên tôi muốn thông điệp của mình đến với tất cả mọi người. Cách tôi biên đạo bài và sắp xếp là để mỗi khán giả sẽ hiểu theo cách của mình. Show diễn có cả tính giải trí nữa. Nếu khán giả vẫn không hiểu thì có thể trao đổi với chúng tôi, vào cuối buổi diễn, chúng tôi sẽ có thời gian dành cho họ. Thật ra phong cách của tôi không quá đương đại, Gaia “We are one” là chương trình nhảy múa đủ các thể loại: ballet, dân gian, hip-hop, đương đại…

* Anh có thể nói cụ thể hơn về bốn phần trong Gaia “We are one”?

- Nó được tách ra từ các chữ cái trong từ Gaia. Đầu tiên là G - Grace (vẻ đẹp của tạo hóa) có cảm hứng kết hợp từ bốn nhân tố tạo nên sự sống: nước, lửa, khí, đất và bốn nhân tố yêu thương tạo nên tâm hồn của con người: kindness (sự tử tế), compassion (lòng trắc ẩn), love (tình yêu thương) và mercy (sự khoan dung).

Phần hai là A - Animals (muông thú). Phần này, các bạn vũ công rất thông minh, đã phá cách với hình ảnh một nửa là người, một nửa là thú với ý tưởng tận sâu trong mỗi người đều có tính hoang dã và mở khóa cho sự hoang dã này. Phần ba là I - Intelligence (trí thông minh). Đây là phần nặng nhất, nó đặt ra câu hỏi, con người có thật thông minh không? Trí thông minh có thể khiến con người sửa chữa nhiều thứ, nhưng trí thông minh cũng dẫn con người đến sự hủy diệt, tùy cách mỗi người hành động.

Từ sự thông minh của con người, nhiều tiện ích xuất hiện khiến con người tưởng là tự do, nhưng thật ra là phụ thuộc. Trí thông minh mặt nào đó đã làm chúng ta xa cách nhau. Phần bốn là A - All (tất cả). Tôi muốn đặt câu hỏi cuối cùng cho khán giả rằng, bạn có thấy mình ở đây không? Nếu có thì bạn sẽ làm gì? Mọi thứ đều trong tầm tay của bạn.

* Làm nghệ thuật, đôi khi phải có thách thức thì mới thú vị, vậy thách thức của anh là gì khi thực hiện Gaia “We are one”?

- Thử thách lớn nhất là xếp lịch với vũ công, ban nhạc, cân đối sinh hoạt và tập luyện, hy sinh rất nhiều thời gian dành cho gia đình… Đôi khi mọi thứ rối tung nhưng cuối cùng chúng tôi cũng thu xếp được.

Tiếp đến là kinh phí, chúng tôi làm Gaia “We are one” không phải vì tiền, nhưng lại phải bỏ ra rất nhiều tiền, nếu muốn tác phẩm hay và nghệ sĩ an toàn. Tiền không có tài trợ thì tự lo. Chúng tôi đều rất mệt, đuối sức, nhưng rất xúc động, bởi tất cả những gì chúng tôi bỏ ra đều cực kỳ xứng đáng. 

* Xin cảm ơn anh. 

Lâm Hạnh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI