Bí mật của con

22/04/2016 - 11:26

PNO - Bề ngoài con tôi vẫn tỏ ra bình thường, vui vẻ với mẹ, nhưng tại sao, nó lại có những bí mật riêng? Tôi phải làm sao?

Con gái tôi 13 tuổi. Dù bận rộn, nhưng tôi luôn ý thức việc làm bạn với con. Vì thế, tôi rất bất ngờ khi cô bé bạn thân của con tiết lộ rằng, con gái tôi vừa bỏ một tiết học đi chơi với bạn trai mới quen học trên một lớp. May mà không bị cô giáo phát hiện. Cô bé ấy nói đi nói lại với tôi rằng “cô đừng nói với An (con gái tôi) vì con đã hứa giữ bí mật”.

Lần khác, em chồng tôi bảo con gái tôi nhờ cô ấy mua một thỏi son, hộp phấn, rồi dặn “em nói cho chị biết thôi, chứ chị đừng nói với An vì em đã hứa giữ bí mật cho cháu”.

Tôi rất hoang mang, sao tự dưng mình bị “thất sủng” với con mình, không được quyền tham gia vào cuộc sống của con. Bề ngoài con tôi vẫn tỏ ra bình thường, vui vẻ với mẹ, nhưng tại sao, nó lại có những bí mật riêng? Tôi phải làm sao?

Mai Khanh (Q.7, TP.HCM)

Bi mat cua con
Ảnh minh họa: Internet

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thu (Q.2): Tôi ân hận vì quá hồ đồ

Nghe câu chuyện của chị, tôi lại nhớ đến cách cư xử của tôi với con. Dù chuyện đã xảy ra cách đây bốn năm, nhưng tôi vẫn tự trách mình. Hồi đó, con gái tôi học lớp 8. Một lần thấy con học không thuộc bài, bị điểm kém, tôi la con rất nhiều, dọa không cho đi chơi. Con buồn bã, bỏ ăn, tôi lại càng la mắng. Sau đó, tôi phát hiện ra con tôi đến nhà bạn chơi, và bị bạn nghi ăn cắp tiền. Vì thế nên con tôi đau khổ, không học hành được. Tôi càng tức giận, tra khảo, con tôi khóc và bảo không lấy tiền của bạn. Tôi sang nhà bạn nó, làm cho ra lẽ. Chuyện của hai đứa trẻ con, lây sang chuyện người lớn, om sòm, căng thẳng một thời gian. Tôi giận con, sao không nói với mẹ để mẹ giải quyết, mà phải ôm sầu đến mức không học được.

Sau biến cố đó, con tôi ít nói hẳn, giữ khoảng cách với mẹ. Nó vẫn học tốt, nhưng dường như với tôi, nó tránh né. Cho đến bây giờ, mẹ con tôi vẫn chưa thật sự gần gũi đến mức chuyện gì nó cũng nói với mẹ. Đôi lúc, tôi rất muốn xin lỗi con, nhưng nghĩ chuyện cũ nhắc lại làm gì, con lại trách.

Chị Lê Thị Phương Nga (Q.8): Bật mí bí mật của con

Nhìn con lơ đãng, đăm chiêu, cáu bẳn, ngậm miệng… xót cả ruột! Tính đi tính lại, cuối cùng tôi quyết định tạm thời chọn phép “tịnh khẩu”, mình ngậm miệng để từ từ suy nghĩ: ngày nhỏ, cái gì con gái cũng tía lia kể, nghe không kịp, sao bây giờ thành ra nông nỗi á khẩu vậy con? Không khí trong nhà giống như có trái bom nổ chậm. Làm gì để giúp con gỡ bom? Hay làm chìa khóa lậu, mở tủ lấy nhật ký của bạn ấy đọc cho nhanh? Nhưng lại lo, bạn này vốn ngăn nắp, nếu bạn ấy biết thì...

Mời bạn đi uống cà phê với mẹ. Lần cà phê đầu tiên mẹ hỏi lan man: phim gì "hot", ban nhạc nào có "hit" gì, chuyện gì rúng động “chính trường” lớp bạn, nếu cho bạn chấm điểm hạnh kiểm thì lớp bạn ai sẽ đứng nhất và ai đứng bét, vì sao? Bạn bắt đầu nói...

Hai ngày sau, chầu cà phê kế tiếp: “Con ạ, mẹ thấy hình như con đang lo lắng chuyện gì mà chưa tiện nói với mẹ. Không muốn nói cũng chẳng sao, nhưng mẹ rất mong được biết lý do vì sao, mẹ đã làm gì chưa đúng để bạn không còn muốn tâm sự với mẹ nữa, mẹ chỉ muốn biết để sửa cho tốt hơn thôi, hai mẹ con mình vì sao chưa thể là bạn thân nhỉ, bạn góp ý cho mẹ với”. Sau một ánh nhìn trân trối khoảng vài chục giây là... hai hàng nước mắt chảy dài xuống đôi má bầu bĩnh: “Con ghét giáo viên hóa dễ sợ, ổng cũng ghét con, con không muốn học giờ hóa, con đã nghỉ hai buổi rồi. Nhiều bạn con cũng ghét ông này. Nhiều khi con muốn nghỉ học, mẹ xin cho con học chỗ khác được không?”.

Trời ơi, toát hết mồ hôi! Chuyện không hề nhỏ, nếu mình không “bọc lót” kịp thời thì...

Hiểu con hơn

Trước hết, mong chị thật bình tĩnh, đừng tỏ ra quá lo lắng hoặc quá nóng giận rồi nhìn con gái như nhìn một tên “tội phạm” đang giấu giếm chuyện tội lỗi. Dù chị không nói ra, bọn trẻ vẫ n rất nhạy trước thái độ tiêu cực của bố mẹ.

Từ 12 đến 15 tuổi, trẻ em bước vào giai đoạn rối loạn tâm lý thường dẫn đến “nổi loạn”, nên rất khó dạy và rất khó hiểu. Trẻ bắt đầu không muốn phụ thuộc vào bố mẹ nhiều như lúc nhỏ, và bắt đầu ý thức rõ hơn về thế giới riêng của mình. Vì thế, trẻ không thích sự áp đặt, ràng buộc và cảnh giác với ai can thiệp vào cuộc sống của chúng.

Tuy nhiên, ở tuổi nửa khôn nửa dại, trẻ theo cái dại dễ hơn học cái khôn nên bố mẹ hay lo lắng, theo dõi và kiểm soát con cái. Còn con thì cố gắng thành người “bí ẩn” trong nhà. Điều này dễ làm cha mẹ con cái “mất lòng nhau”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI