Bệnh viện xoay xở thêm chỗ cho bệnh nhân COVID-19

19/07/2021 - 07:10

PNO - Giữa tháng 7/2021, các bệnh viện tại TPHCM được yêu cầu phải tách đôi để dành một nửa cho việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong khả năng eo hẹp, nhiều bệnh viện phải cố gắng hết cỡ mới có đủ chỗ cho bệnh nhân.

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Gò Vấp - ẢNH: BỘ Y TẾ
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Gò Vấp - Ảnh: Bộ Y tế

Mở ra bao nhiêu, đầy bấy nhiêu

Ngày 17/7, bệnh viện (BV) dã chiến thứ chín của TPHCM đi vào hoạt động. Ngay trong ngày, đã có 500 người chuyển đến. Đây hiện là nơi gần như duy nhất có thể tiếp nhận thêm người mắc COVID-19. BV Dã chiến số 9 đặt tại khu R4 New City, TP. Thủ Đức sẽ được tiếp tục bổ sung cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để tăng quy mô đến 5.000 giường.

TPHCM hiện chuẩn bị được 34.500 giường tại 12 BV. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tính đến ngày 18/7 đã lên con số 29.000 người. 
Trước đó, những BV dã chiến khác vốn là chung cư được cải tạo lại đã nhanh chóng đầy chỗ. Tại BV Dã chiến số 2 (P. Tân Thới Nhất, Q.12) chỉ sau bốn ngày, lượng bệnh nhân đã kín 2.500 giường. BV Dã chiến số 6 (P. An Khánh, TP. Thủ Đức) ngay trong một ngày đã nhận hơn 1.000 bệnh nhân. 

Theo mô hình tháp bốn tầng của Sở Y tế TPHCM, tầng 1 là BV dã chiến thu dung (tiếp nhận) người mắc COVID-19 không triệu chứng. Các tầng còn lại được xếp lên cao theo thứ tự tăng dần của tình trạng bệnh. Cao nhất là tầng bốn, nơi điều trị các ca bệnh nặng, số giường hiện tại là 1.200. Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, tầng bốn có thể tăng thêm đạt được 2.000 giường. 

Hiện tại, các BV tại TPHCM đang được yêu cầu áp dụng mô hình tách đôi, dành một nửa khuôn viên cho việc điều trị người mắc COVID-19. Một số BV đã phải chuyển hẳn sang điều trị COVID-19. Với số giường ít ỏi, những BV này đã nhanh chóng không còn chỗ. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, khi chuyển các BV quận, huyện thành nơi điều trị COVID-19 chính là đã tính đến khả năng máy móc và cung cấp ô-xy, máy thở cho bệnh nhân COVID-19 của những BV này.

Bác sĩ Nguyễn Khoa Lý, Giám đốc BV Lê Văn Việt, cho biết, nơi đây có 150 giường, nhưng có ngày phải nhận đến 40 bệnh nhân COVID-19 nên giờ cũng kín giường. BV đang tính phương án sử dụng hội trường để tăng số giường. Bác sĩ Hồ Văn Hân, Giám đốc BV Điều trị COVID-19 Gò Vấp, cũng cho biết, công suất tối đa của BV là 300 giường nhưng hiện số bệnh nhân đã lên đến gần 350 nên phải kê thêm giường. Sắp tới, BV phải tìm cách xoay xở vì vừa được giao nhiệm vụ phải đảm bảo lên đến 500 giường. 

Còn tại BV Thành phố Thủ Đức, theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV, nơi này thực hiện mô hình tách đôi, có được 300 giường điều trị và 30 giường hồi sức vào ngày 16/7. Đến ngày 17/7, toàn bộ 330 chỗ đã đủ người. 

Không nhất thiết tất cả bệnh nhân COVID-19 phải nằm viện 

Thành phố đã tính đến phương án có 50.000 giường cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, tính đến ngày 17/7, thành phố đang điều trị cho 26.035 người với số giường được chuẩn bị là 34.500. Tính trung bình từ ngày 9/7, mỗi ngày có khoảng 1.305 người mắc mới. Như vậy, chưa đến 20 ngày và có thể là nhanh hơn nữa, 50.000 giường này sẽ kín chỗ. 

Bác sĩ Lương Trường Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM, cho rằng, đã đến lúc phải áp dụng việc cho các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng (có thể gọi là F0) được theo dõi, điều trị tại nhà hoặc tại nơi cư trú như trạm y tế, trung tâm y tế. Đối với người mắc COVID-19 có triệu chứng (lúc này mới gọi là bệnh nhân) thì mới đưa vào BV.

BV điều trị COVID-19 nên chia thành hai khu vực riêng biệt: nơi dành cho bệnh nhân nhẹ và nơi dành cho bệnh nhân nặng. Với bệnh nhân nhẹ, việc chăm sóc bao gồm điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng, nâng đỡ tâm lý, xét nghiệm định kỳ, nếu âm tính có thể cho về nhà hoặc nếu xuất hiện triệu chứng nặng hơn thì chuyển sang khu vực dành cho bệnh nhân nặng. Khu vực bệnh nhân nặng được chia thành hai nơi riêng biệt: nơi điều trị bệnh nhân có bệnh nền và không có bệnh nền. 

Theo tính toán của bác sĩ Lương Trường Sơn, có đến 80% người mắc COVID-19 tại TPHCM không có triệu chứng, khoảng 20% người nhiễm có triệu chứng và trong số này có khoảng 3-5% nặng cần điều trị hồi sức tích cực với hệ thống ECMO. Như vậy, 80% số người hiện nay nếu được cho cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà sẽ giảm được rất nhiều gánh nặng y tế. 

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cũng cho biết, đúng là 80% người mắc không có triệu chứng hoặc chỉ bị nhẹ. Tuy nhiên, trong số 80% này sẽ có 5% chuyển sang tình trạng nặng. Trong 5% này có 30% chuyển sang tình trạng rất nặng và trong 30% này có tỷ lệ 5/1.000 tử vong. 

Hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về giảm thời gian điều trị các ca F0 tại bệnh viện, sau đó cho về nhà tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, TPHCM thông tin vào ngày 17/7, chỉ mới triển khai cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế với đối tượng là nhân viên y tế. Các trường hợp F1 đang được thí điểm cách ly tại nhà. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI