Bệnh nhân đột ngột tử vong sau tiêm thuốc giảm đau tại bệnh viện

13/01/2020 - 11:04

PNO - Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau thăm khám, anh H. đột ngột ngừng tim, các bác sĩ vội cấp cứu nhưng không hiệu quả. Đến 18g cùng ngày, bệnh nhân tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết bệnh viện này đang phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an quận Long Biên, Hà Nội) và cơ quan pháp y nhằm làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Cao Danh H. (sinh năm 1977).

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, bệnh nhân H. nhập viện ngày 8/1. Khi được thăm khám, anh H. có biểu hiện đau ở vùng dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày và được chẩn đoán viêm ruột thừa.

BV Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), nơi xảy ra sự việc.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), nơi xảy ra sự việc

Kết quả nội soi, siêu âm cho thấy bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng. Sau đó, bệnh nhân có dấu hiệu sốt, bạch cầu tăng cao, đau bụng nhiều. Đến 14g ngày 11/1, anh H. đau nhiều. Bác sĩ khám và chỉ định tiêm một mũi giảm đau. Sau đó, bệnh nhân đi ngoài. 

Khoảng 2 tiếng sau, anh H. đột ngột ngừng tim, các bác sĩ cấp cứu ngay nhưng không hiệu quả. Đến 18g cùng ngày, bệnh nhân tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường cho biết lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra vụ việc. Bệnh viện sẽ lập hội đồng chuyên môn để đánh giá, tìm nguyên nhân, hứa sẽ có câu trả lời rõ ràng cho người nhà bệnh nhân.

Hiện thi thể của anh H. được người thân đưa tới nhà tang lễ của bệnh viện để phục vụ công tác khám nghiệm. Đại diện bệnh viện đã làm việc với người nhà bệnh nhân để thông tin và giải quyết vụ việc.

“Chiều 12/1, cơ quan pháp y đã vào mổ tử thi. Về nguyên nhân bệnh nhân tử vong, bệnh viện đang chờ kết luận điều tra ”, bác sĩ Thường nói.

Theo bác sĩ Thường, bệnh viện đã làm rất kỹ về quy trình đón tiếp, điều trị; bởi chỉ trong 3 ngày vào viện bệnh nhân đã được siêu âm 7-8 lần, hội chẩn 2 lần, chưa kể xét nghiệm, nội soi.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho rằng, có 3 nhóm nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong: Bệnh nhân có khả năng rối loạn nhịp tim, bởi khi nhập viện điện tâm đồ nhịp tim chỉ có 51, trong khi người trong độ tuổi này thì nhịp tim phải trên 70, do vậy nhịp tim chậm dẫn đến ngừng tim; Bệnh nhân có thể do vỡ mạch hay tắc mạch, thuyên tắc động mạch chủ bởi tử vong nhanh; Bệnh nhân có thể sốc phản vệ. 

Tuy nhiên, bác sĩ Thường cho rằng triệu chứng lâm sàng không giống sốc phản vệ. Hơn nữa, quá trình cấp cứu gần 2 tiếng đồng hồ nhưng tim không đập trở lại và thuốc các bác sĩ đã tiêm trước khi bệnh nhân tử vong cũng rất ít sốc phản vệ.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI