Bệnh COVID-19 kéo dài để lại hơn 200 di chứng

16/07/2021 - 16:05

PNO - Theo nghiên cứu của UCL, Covid kéo dài (Long Covid) có hơn 200 triệu chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan khác nhau trong cơ thể người từng mắc COVID-19.

 

Nghiên cứu trên 3.700 người tham gia từ 56 quốc gia phát hiện các triệu chứng bao gồm cả “sương mù não” - Ảnh: Getty Images
Nghiên cứu trên 3.700 người tham gia từ 56 quốc gia phát hiện các triệu chứng bao gồm cả “sương mù não” - Ảnh: Getty Images

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa, Covid kéo dài là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả bệnh ở những người đã khỏi bệnh COVID-19, nhưng vẫn được báo cáo về những ảnh hưởng lâu dài của lây nhiễm, hoặc có các triệu chứng thông thường lâu hơn dự kiến.

Sau những phát hiện này, các chuyên gia của UCL kêu gọi một chương trình sàng lọc quốc gia Covid kéo dài - những triệu chứng bệnh hậu COVID-19 - và mở rộng các xét nghiệm chẩn đoán ngoài tim mạch và hô hấp đối với những người có thể đang phải âm thầm chịu đựng.

Nghiên cứu do Viện Đại học London (UCL) đứng đầu đã nhận diện được 203 triệu chứng của Covid kéo dài, các di chứng này ảnh hưởng đến các cơ quan, trong đó 66 di chứng kéo dài đến 7 tháng.

Phổ biến nhất là gần 4.000 người mắc các di chứng Covid kéo dài như mệt mỏi, rối loạn não sau khi gắng sức và rối loạn chức năng nhận thức, thường được gọi là "sương mù não".

Các triệu chứng chung khác bao gồm ảo giác thị giác, run, ngứa da, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn chức năng tình dục, tim đập nhanh, các vấn đề về kiểm soát bàng quang, bệnh zona, mất trí nhớ, mờ mắt, tiêu chảy, tim đập nhanh và ù tai.

 

Các bệnh nhân Covid kéo dài trung bình có 56 triệu chứng bệnh - Ảnh tập: The Sun
Các bệnh nhân Covid kéo dài trung bình có 56 triệu chứng bệnh - Ảnh tập: The Sun

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 3.762 người từ 56 quốc gia tham gia nhóm hỗ trợ COVID-19 trực tuyến Body Politic và báo cáo về các triệu chứng giống COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2020. Tổng cộng họ đã thống kê được 203 triệu chứng khác nhau, trong đó có 66 triệu chứng đặc trưng cho suốt thời gian 7 tháng. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, trong phần E - Y học lâm sàng.   

Mặc dù nghiên cứu mới không đo lường thời gian bệnh nhân bị bệnh, nhưng một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng cứ 7 người mắc COVID-19 thì có 1 người vẫn mắc các triệu chứng bệnh sau đó 12 tuần.

Nghiên cứu của UCL dành cho bất kỳ ai trên 18 tuổi bị nghi ngờ mắc Covid kéo dài - bao gồm cả những người không thể làm xét nghiệm COVID-19 trong thời gian đầu khi đại dịch mới bùng phát.

Các tác giả lưu ý một số hạn chế, bao gồm sự thiên vị đối với những người có thể tham gia các nhóm hỗ trợ trực tuyến, người nói tiếng Anh (91,9% số người được hỏi) và người da trắng (85,3% số người được hỏi). Kết quả cho thấy 91,8% những người được khảo sát vẫn còn các triệu chứng sau 7 tháng và 96% sau 3 tháng.

Đối với những người vẫn bị bệnh sau 3 tháng, vào tháng thứ 2, có thể có đến 17 triệu chứng. Những người có triệu chứng trong hơn 6 tháng trung bình trải qua 14 triệu chứng sau tháng thứ 7.

Trung bình, các bệnh nhân phải chịu 56 triệu chứng khác nhau đối với 9 hệ cơ quan.

Phần lớn (89,1%) bị tái phát bệnh tật, chủ yếu sau khi hoạt động thể chất hoặc tinh thần, hoặc sự căng thẳng. Khoảng 45,2% phải giảm giờ làm việc so với trước khi bị ốm và 22,3% hoàn toàn không có khả năng làm việc.

Nhận xét về nghiên cứu trên, Tiến sĩ Athena Akrami, nhà khoa học thần kinh tại Trung tâm Sainsbury Wellcome thuộc UCL cho biết: "Trong khi có rất nhiều cuộc thảo luận công khai về Covid kéo dài, thì rất ít nghiên cứu có hệ thống điều tra về những người này”. Mục tiêu của điều tra, theo các nhà khoa học, là thiết lập nền tảng bằng chứng việc điều tra y tế, cải thiện dịch vụ chăm sóc và vận động cho những người mắc bệnh Covid kéo dài.

Thanh Hiền (theo Guardian, The Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI