Bất chấp phản đối, ông Macron vượt quyền quốc hội, phê chuẩn luật tăng tuổi hưu ở Pháp

17/03/2023 - 10:58

PNO - Hôm 16/3 (giờ địa phương) Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron đã ra lệnh cho thủ tướng của ông sử dụng một quyền hiến pháp đặc biệt, cho phép quốc hội buộc phải thông qua một dự luật rất không được lòng dân là nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 mà không cần bỏ phiếu.

 

Hàng nghìn người biểu tình tập trung tại trung tâm thủ đô Paris để phản đối việc tăng tuổi hưởng lương hưu. Ảnh: Alain Jocard/AFP/Getty Images
Hàng ngàn người tập trung tại trung tâm thủ đô Paris để phản đối việc tăng tuổi hưởng lương hưu của Tổng thống Pháp  

Thay vì chờ đợi Hạ viện thông qua vào ngày 17/3, Thủ tướng Elisabeth Borne thông báo Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định kích hoạt Điều 49.3 trong hiến pháp để "vượt quyền" quốc hội, phê chuẩn luật nâng tuổi nghỉ hưu của lao động Pháp từ 62 lên 64.

Ông Macron đã nói với các bộ trưởng nội các rằng “rủi ro tài chính là quá lớn” nếu luật này bị các nghị sĩ bác bỏ. “Bạn không thể đùa giỡn với tương lai của đất nước" - ông Macron đã nói trong một cuộc họp nội các.

Những người ủng hộ ông Macron cũng lập luận rằng cải cách nâng tuổi nghỉ hưu là cần thiết để cứu hệ thống lương hưu của Pháp khỏi viễn cảnh phá sản.

Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Pháp đã vấp phải phản ứng dữ dội từ người dân. Từ chiều 16/3, hàng ngàn người đã đổ xuống các đường phố ở Paris và nhiều thành phố khác để phản đối. Làn sóng đã leo thang thành bạo lực khi những người phản đối đốt lửa ở các đường phố và ném đá vào cảnh sát.

Các cuộc thăm dò trước đây cho thấy 2/3 người dân Pháp phản đối những thay đổi về lương hưu, tuy nhiên theo các chuyên gia, sự thay đổi này sẽ đưa Pháp phù hợp với các nước láng giềng châu Âu, hầu hết trong số đó đã tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi trở lên.

Trọng Trí (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI