Bất bình vì ba mẹ muốn mang một đứa trẻ mồ côi về nuôi

10/08/2022 - 11:05

PNO - Đây cũng là dịp để cháu tỏ bày với ba mẹ về sự thiếu thốn tình cảm của chính cháu, khi ba mẹ ưu tiên thời gian cho việc kiếm tiền.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Năm nay cháu đã 17 tuổi, đã hiểu biết và có thể đánh giá được nhiều vấn đề. Ba mẹ cháu chỉ có mình cháu. Ba mẹ có doanh nghiệp riêng, kiếm tiền cũng tốt nên cuộc sống của cháu không thiếu thốn gì. Tuy nhiên, ba mẹ không có mấy thời gian dành cho cháu. Từ nhỏ đến lớn, cháu chỉ gần bà ngoại và chị giúp việc nhiều hơn.

Gần đây, vợ chồng bạn thân của ba cháu mất vì tai nạn giao thông, để lại một đứa con sáu tuổi. Gia đình chú ấy theo cháu nghe ba mẹ kể là rất neo đơn. Bố mẹ đều già và yếu, anh chị em ruột không có, họ hàng đều ở xa. Nghe nói trước khi mất, chú ấy có tỉnh lại và gửi gắm ba cháu trông nom giùm đứa con của cô chú ấy.

Cháu nghe ba mẹ bàn nhau mang cô bé đó về nhà nuôi, thực hiện lời hứa với người bạn. Ba mẹ nói vừa là giúp bạn, vừa là cho cháu có em để không phải cô độc ở nhà một mình... Mẹ cháu thì nói rằng nuôi để lấy phước cho cả nhà...

Cháu thấy chuyện ba mẹ cháu làm rất không hay. Hiện giờ thời gian ba mẹ dành cho cháu hay cho bản thân mình còn không có. Ba mẹ cháu muốn nhận con nuôi vì nghĩ rằng có tiền, thuê người làm là xong. Nhưng cháu nghĩ một đứa trẻ mồ côi cần tình thương nhiều hơn.

Khi cháu nói điều cháu nghĩ với ba mẹ thì ba mẹ cháu cho rằng cháu ích kỷ, sợ bị chia sớt tình cảm nên mới phản đối. Cháu quả thật không phải là không có điều đó, cháu thấy khó chịu khi trong nhà có một đứa trẻ lạ. Nhưng phần lớn là cháu nghĩ cho đứa trẻ đó.

Cháu góp ý ba mẹ cháu nên chu cấp tiền cho ông bà của đứa nhỏ nuôi nó, nhưng ba mẹ cháu bảo như thế rất phiền toái, rồi có khi tiền đưa cho họ nuôi đứa nhỏ thì lại không được sử dụng đúng mục đích, đứa nhỏ vẫn thiệt thòi.

Cháu thấy rất mệt mỏi và khó chịu, dù không hiểu được rằng vì sao cháu lại cảm thấy như vậy. Cháu phải làm gì để ngăn cản ý định của ba mẹ cháu hả cô?

Hạnh Nguyên

Cháu Hạnh Nguyên thân mến,

Trước tiên cô muốn chia sẻ với cháu điều này: Cháu hãy tự hào vì có một người cha và một người mẹ như vậy. Không phải ai cũng sẽ tình nghĩa, sẽ giữ lời hứa với bạn bè, sẽ sẵn sàng chịu mang vác trách nhiệm về một đứa trẻ đâu cháu. Nhất là với những người có tiền, thời gian với họ là tiền, mọi chuyện có thể cũng thường được giải quyết bằng tiền, như cách cháu chỉ: chu cấp tiền là nhanh nhất.

Theo cô nghĩ, tình thân của ba mẹ cháu với người bạn rất lớn, và người bạn chắc cũng phải suy nghĩ kỹ lắm mới gửi gắm con cho ba mẹ cháu. Cho nên, trước khi trách móc, phê phán ba mẹ, cháu hãy thử tìm hiểu xem mọi lý lẽ mà ba mẹ cháu chắc đã phải cân nhắc qua, khi cùng nhau quyết định một việc quan trọng đến như thế.

Thay vì ngăn cản, tự ái, khó chịu, cháu hãy nhìn nhận lại sự việc theo một ý tốt thử xem sao. Trước tiên, hãy nghĩ cho đứa bé. Sáu tuổi là tuổi đã có chút nhận thức, có những cảm nhận riêng, và hiểu được cách người khác đối xử với mình. Hãy thử tìm đọc vài thông tin về các vấn đề tâm lý, tình cảm của lứa tuổi này.

Tứ đó, những góp ý của cháu với ba mẹ sẽ khoa học, thực tế và công bằng hơn. Đây cũng là dịp để cháu tỏ bày với ba mẹ về sự thiếu thốn tình cảm của chính cháu, khi ba mẹ ưu tiên quá nhiều thời gian cho công việc, sự nghiệp, kiếm tiền.

Điều đứa bé đang thiếu nhiều nhất không phải là tình ông bà hay anh chị, mà chính là tình phụ mẫu. Ba mẹ cháu có thể thu xếp bớt thời gian của mình để dành cho con nuôi hay không? Điều đó cháu hay người giúp việc không làm thay họ được.

Cô cũng hoàn toàn thông cảm với tâm trạng khó chịu của cháu, nó có thể phát xuất từ đôi chút ích kỷ của một đứa trẻ, điều đó cũng là bình thường. Cháu hãy cố gắng mở lòng mình thật rộng, cho đứa trẻ đó bước vào, và cháu sẽ có thêm một người em để chăm chút, yêu thương và để được nó yêu thương.

Nó cũng có thể phát xuất từ những bất bình của cháu khi cháu thấy ba mẹ ít dành thời gian cho chính con mình, nay lại còn nhận về một đứa trẻ. Thế nhưng cháu hãy nhìn vào một điều tốt: nếu gia đình cháu có sự bàn bạc, thống nhất cùng nhau, hiểu rõ những gì mình cần phài làm cho cuộc sống chung thay đổi trước mắt, thì sẽ có thêm nữa một cuộc đời  được hạnh phúc với tình thân gia đình.

Mà biết đâu chừng, điều đó cũng sẽ làm thay đổi chính gia đình cháu? Tình yêu thương, trách nhiệm, nghĩa vụ với một đứa trẻ bất hạnh sẽ khiến gia đình cháu gắn bó với nhau hơn? 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lê Đức Hà 11-08-2022 10:12:01

    Cháu Hạnh Nguyên thân mến. Ba mẹ cháu là người tâm. Như cô Hạnh Dung nói,không phải ai cũng sẵn sàng làm điều như ba mẹ cháu đâu. Chú cũng có 1 đứa con như cháu vậy. Con chú cũng không muốn ba mẹ chia sẻ tình cảm với ai dù đó là em của mình vì chú có ý định sinh thêm em bé. Cả cháu và con chú đều là những đứa trẻ ích kỷ,không biết,không muốn san sẻ. Thật đáng buồn!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI