Bất an với kiểu đòi nợ “đứng trên luật pháp”

31/03/2023 - 06:32

PNO - Không ít người bị dồn ép đến mức tìm đến cái chết khi bị những kẻ đòi nợ gọi điện đe dọa, ghép ảnh khỏa thân để bôi nhọ danh dự. Các “nhân viên thu hồi nợ” không chỉ khủng bố tinh thần con nợ mà còn quấy rối bạn bè, người thân, đồng nghiệp của họ.

Đối tượng đòi nợ thuê tạt sơn vào nhà dân ở phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM để gây áp lực, buộc trả nợ (ảnh trích từ camera an ninh)
Đối tượng đòi nợ thuê tạt sơn vào nhà dân ở phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM để gây áp lực, buộc trả nợ (ảnh trích từ camera an ninh)

Tự tử vì bị khủng bố tinh thần 

Sáng 25/3, trên nhóm (group) Facebook “Nợ xấu Sài Gòn 2”, thành viên H.Đ. đã đăng ảnh căn cước công dân của cô H.P.H.T. - 25 tuổi, ở quận 11, TPHCM - cùng hình ảnh khỏa thân của cô và nhắn: “Ở đâu, hiện hồn về trả tiền cho bố mày…”. Người này còn dọa đăng “full video” cảnh khỏa thân của cô.

Những nhóm đòi nợ kiểu này đang xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, mỗi nhóm có từ vài ngàn đến vài chục ngàn thành viên, có hàng chục bài đăng mỗi ngày với nội dung đòi nợ. Ban đầu, họ đăng những lời lẽ chửi bới kèm thông tin con nợ; sau đó, nếu con nợ chưa chịu trả tiền, họ sẽ đăng ảnh giấy tờ tùy thân, số nhà và cuối cùng là ảnh khỏa thân của con nợ kèm những lời thóa mạ thậm tệ.

N.T.M.T. - 34 tuổi, ở TPHCM - kể, cô từng nghĩ đến cái chết khi bị cắt ghép hình ảnh khỏa thân đăng lên mạng và vu làm điếm. Họ còn gửi hình ảnh này cho bạn bè, người thân của cô. M.T. từng vay 20 triệu đồng theo hình thức trả góp để kinh doanh nhưng do dịch bệnh, việc bán hàng online không suôn sẻ nên mất khả năng trả. Bên cho vay đã bán khoản nợ của M.T. cho bên thứ ba.

“Ban đầu, họ gọi điện, nhắn tin hối thúc trả nợ và dọa sẽ tố cáo với cơ quan pháp luật. Sợ quá, em vay bạn bè 5 triệu đồng trả trước, mong được yên thân. Nhưng sau đó, họ gọi điện cho ba mẹ em ở quê, nói là em giật nợ” - M.T. kể. Khủng hoảng tinh thần, M.T. đã viết thư tuyệt mệnh, mua thuốc độc để tự tử nhưng may được người thân phát hiện và ngăn chặn kịp và được chi hội phụ nữ ở khu phố cùng người thân cho mượn tiền để trả dứt nợ. Sau sự việc, cô vẫn bị ám ảnh, thường mơ thấy cảnh bị rải hình khỏa thân khắp nơi.

Nhiều con nợ bị tung ảnh, bôi nhọ danh dự trên trang Facebook “Nợ Xấu Sài Gòn” (ảnh chụp từ Facebook)
Nhiều con nợ bị tung ảnh, bôi nhọ danh dự trên trang Facebook “Nợ Xấu Sài Gòn” (ảnh chụp từ Facebook)

Ông Trần V.B. - ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ - cho hay, nhiều tháng nay, gia đình anh bị nhóm đòi nợ thay phiên nhau gọi điện hăm dọa, chửi bới khoảng 60 cuộc mỗi ngày bằng các số khác nhau để đòi nợ. Năm ngoái, con trai ông hùn tiền làm ăn với bạn bè nhưng thua lỗ, nợ nần, bèn vay “nóng” khoảng 100 triệu đồng, sau đó bỏ trốn do không xoay được tiền đóng lãi.

Quấy rối cả trưởng phòng giáo dục 

Chị P.T.H. (TP Hà Nội) kể, 6 tháng trước, chị bỗng liên tục nhận cuộc gọi với cùng một nội dung: “Vợ phải có trách nhiệm trả nợ cho chồng”. Những người gọi điện thoại cho biết, năm 2017, anh V. - chồng cũ chị H. - có vay tiền nhưng chưa thanh toán hết. Hiện nay, số tiền gốc và lãi lên tới 100 triệu đồng. Nhóm đòi nợ không liên lạc được với anh V. nên liên lạc với chị, yêu cầu trả nợ.

Chị H. nói không biết gì về khoản nợ này. Vợ chồng chị đã ly hôn và khi ra tòa, 2 bên đã xác nhận không có khoản nợ chung nào. 2 ngày sau đó, người thân, đồng nghiệp của chị H. lần lượt nhận những cuộc điện thoại từ các số lạ, thông báo việc chị H. nợ tiền và đề nghị họ nhắc nhở chị H. trả nợ. Nhóm đòi nợ còn gọi điện thoại đến trưởng phòng, giám đốc công ty nơi chị làm việc. Họ còn gọi vào số điện thoại chăm sóc khách hàng của công ty nhiều lần, hỏi “đã đuổi việc con H. chưa”. 

Thời gian gần đây, các giáo viên ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn Facebook, yêu cầu nhắc cô N.T.V. về địa phương để trả nợ. Cô Lê Thị T. kể: “Trước đây, tôi dạy chung trường, có kết bạn Facebook với cô N.T.V. Nghe mọi người kể, khi xây nhà mới, do thiếu tiền, cô N.T.V. có đi vay tiền bên ngoài. Tôi chuyển chỗ dạy hơn 5 năm nay, lâu rồi không gặp lại cô V. Không hiểu sao họ lại có số điện thoại, liên tục gọi điện yêu cầu phải trả nợ giúp cô V., nếu không thì họ sẽ đến… thăm nhà. Khi tôi chặn số điện thoại, họ lại nhắn và gọi qua Facebook”. 

Ông Lê Trung Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - cho hay, vài tháng qua, ông và một số cán bộ của phòng này liên tục bị gọi điện thoại mỗi ngày để đòi nợ: “Nhóm này yêu cầu tôi phải có trách nhiệm với cô T. - hiệu phó của một trường mầm non trong huyện. Tôi nói việc nợ nần là giao dịch dân sự bên ngoài nhà trường, tôi chỉ quản lý chuyên môn nhưng cũng sẽ nhắc nhở cô T. Tuy nhiên, anh ta quay sang chửi bới, cho rằng tôi bao che. Tôi đã nhận được hàng ngàn cuộc gọi như vậy”.

Qua làm việc, cô T. cho biết, có vay tín chấp 40 triệu đồng từ 3 năm trước, thời hạn trả cả gốc lẫn lãi là 2 năm nhưng trả được hơn 1 năm thì không còn khả năng trả tiếp. Từ đó, cô bị đăng ảnh bêu lên mạng xã hội; người thân, bạn bè của cô liên tục bị quấy rối. Cô T. gọi điện hỏi bên cho vay thì được biết, khoản nợ của mình đã bị bán cho công ty đòi nợ; ngoài tiền nợ, còn có thêm tiền phạt.

Một số giáo viên ở tỉnh Nghệ An đã phải nghỉ việc trước áp lực bị đòi nợ kiểu khủng bố, có người còn định tự tử nhưng được can ngăn kịp thời. Trước tình cảnh này, Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An đã phải yêu cầu các đơn vị trực thuộc báo cáo danh sách cán bộ, giáo viên bị đòi nợ kiểu khủng bố để chuyển hồ sơ cho cơ quan công an. Sở cũng yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên không vay mượn tiền của các nhóm cho vay qua app, tờ rơi, mạng xã hội.

Công an TP Cần Thơ kiểm tra một tụ điểm hoạt động đòi nợ thuê ở quận Cái Răng - ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP
Công an TP Cần Thơ kiểm tra một tụ điểm hoạt động đòi nợ thuê ở quận Cái Răng - Ảnh: Công an cung cấp

Mua lại khoản nợ, đòi nợ thuê kiếm lời 

Một cán bộ Công an quận Tân Bình cho biết, giữa tháng 3/2023, khi kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH luật Thế Hệ Trẻ (phường 15, quận Tân Bình), công an ghi nhận: tại đây, có các bản hướng dẫn nghiệp vụ xử lý nợ, với các cách như: tìm nỗi sợ hãi của khách hàng; điều tra thông tin nghề nghiệp, người thân, bạn bè của khách hàng; dọa gửi văn bản đến nơi làm việc, nơi cư trú của khách hàng…

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ án “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra ở TP Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Theo điều tra ban đầu, Công ty TNHH Mua bán nợ DSP (đăng ký trụ sở ở chung cư Lữ Gia, phường 15, quận 11, TPHCM) mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (đăng ký trụ sở ở phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) và một số tổ chức tín dụng khác.

Sau khi mua nợ, nhân viên DSP dùng nhiều số điện thoại khác nhau để nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe dọa, ép người vay trả tiền. Chúng còn cắt ghép ảnh của khách vay, người thân, đồng nghiệp của khách vay vào các hình ảnh đồi trụy, ngụy tạo các thông tin xấu rồi đăng lên mạng xã hội để bôi nhọ, gây sức ép, buộc người vay phải trả tiền.

Công an TP Hà Nội đề nghị các cá nhân từng vay tiền hoặc không vay tiền nhưng bị gọi điện, nhắn tin nhắc nợ, chửi bới, đe dọa… liên quan đến Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam, Công ty TNHH Mua bán nợ DSP đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội để tố giác, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan vụ án.

Thượng tá Võ Tuấn Ngọc - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Cần Thơ - cho biết, vừa triệt phá nhiều ổ, nhóm đòi nợ thuê ở thành phố này. Tuy nhiên, các đối tượng vừa bị bắt thuộc cấp quản lý trung gian (S0), quản lý các đối tượng ở cấp thấp hơn là S1, S2, S3. Riêng đối tượng cao nhất điều hành các ổ, nhóm đòi nợ thuê này vẫn đang ở nơi khác, chỉ liên hệ qua Zalo, WeChat. Hiện phòng đang phối hợp với công an các tỉnh, thành và đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ án. 

Triệt phá nhiều ổ, nhóm đòi nợ trái pháp luật 

Giữa tháng 3/2023, Công an quận Tân Bình, TPHCM đã khởi tố 14 đối tượng thu hồi nợ về tội “cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến Công ty cổ phần Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng và chi nhánh Công ty TNHH luật Thế Hệ Trẻ. Các nhân viên công ty luật đòi nợ bằng cách liên tục gọi điện thoại, gửi thông tin, hình ảnh với nội dung đe dọa, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự con nợ lên mạng xã hội. Ngoài ra, chúng còn gửi những thông tin mang tính bôi nhọ đến người thân, nơi làm việc của con nợ để gây sức ép, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, buộc con nợ phải nộp tiền.

Trước đó, cuối tháng 2/2023, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã phối hợp với Công an TPHCM và Công an tỉnh Tiền Giang khám xét trụ sở Công ty luật TNHH Pháp Việt (quận Tân Bình), bắt quả tang 133 người đang đòi nợ thuê và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động khủng bố, cưỡng đoạt tài sản. Có hàng ngàn người ở nhiều tỉnh, thành bị nhân viên công ty này đòi nợ kiểu “xã hội đen”.

Tháng 12/2022, Công an TPHCM cũng triệt phá ổ nhóm có tên Công ty luật TNHH Power Law. Công ty này có 3 luật sư, còn lại là nhân viên, chuyên đi mua nợ xấu của các công ty tài chính, ngân hàng, app cho vay, sau đó đi thu hồi nợ bằng chiêu thức lên mạng khủng bố tinh thần, vu khống người vay. 

Tháng 3/2023, Công an TP Cần Thơ bắt giữ nhóm đòi nợ thuê gồm 10 cô gái trẻ ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Nhóm này đòi nợ cho Công ty Bamboo - có app cho vay tiền trên mạng, do người Trung Quốc điều hành. Sau đó, Công an TP Cần Thơ đã bắt thêm đối tượng Võ Thị Bích Tuyền - 32 tuổi, ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, đứng đầu nhóm đòi nợ thuê trên. 

Cần “siết” đăng ký thuê bao điện thoại di động

Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực năm 2021 đã quy định, không cho phép hình thành các doanh nghiệp, công ty đòi nợ thuê. Tới nay, các đơn vị từng có hoạt động này đã bị rút giấy phép kinh doanh. Dù vậy, trong thực tế, tình trạng đòi nợ thuê vẫn còn dưới hình thức này, hình thức kia. 

Có tình trạng mua bán nợ mà chủ nợ và bên mua nợ hợp tác, thỏa thuận với nhau để thu hồi nợ xấu. Luật pháp quy định có vay nợ thì phải trả. Tuy nhiên, luật pháp không cho phép đòi nợ bằng cách gây rối trật tự công cộng, hành hung theo kiểu “xã hội đen”. Do đó, nơi nào xảy ra các vụ đòi nợ thuê phạm pháp, cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý ngay, không để tình hình trở nên phức tạp, kéo dài, gây bất an cho người dân. Phía cho vay có thể sử dụng các công cụ mà luật pháp cho phép như kiện ra tòa để thu lại tiền vay hay định giá bằng những tài sản có giá trị tương đương…

Một trong những phương thức đòi nợ phổ biến hiện nay là quấy rối tinh thần, hăm dọa, khống chế con nợ qua tin nhắn, điện thoại. Không chỉ riêng người vay nợ mà người thân của họ cũng bị quấy rối. Đây là điều không thể chấp nhận được. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hạn chế được tình trạng này. Theo các nhà mạng viễn thông, hiện nay, còn khoảng 3 triệu thuê bao chưa đăng ký, chưa có mã định danh cá nhân và tới đây, nếu không hoàn thành thủ tục, nhà mạng sẽ khóa sim. Tôi nhất trí với cách làm này. Cần ngưng cung cấp dịch vụ đối với sim “rác” để hạn chế việc đòi nợ bằng điện thoại, tin nhắn. 
Chúng ta không thể ngăn cấm hoạt động của các công ty mua bán nợ nhưng cần có sự giám sát để họ làm đúng pháp luật.

Ông Phạm Văn Hòa
Đại biểu Quốc hội (tỉnh Đồng Tháp)

Chấn chỉnh hoạt động của các công ty mua bán nợ

Theo luật, công ty mua bán nợ được quyền đi đòi nợ bằng các biện pháp thông thường như khởi kiện, nhờ cơ quan công quyền hỗ trợ, thỏa thuận nhưng không được tự mình đi thu nợ theo kiểu đòi nợ thuê. Còn các đơn vị hoạt động như kiểu đòi nợ thuê trước đây là đang hoạt động sai, lệch lạc dù gắn mác “công ty mua bán nợ”. 

Theo tôi, không thể cứ thấy cái gì có vấn đề, Nhà nước lại cử lực lượng theo dõi, giám sát mà nên để xã hội giám sát. Vừa qua, chính xã hội đã giám sát, giúp Nhà nước kịp thời phát hiện ra nhiều vụ việc biến tướng của mua bán nợ, xử lý nhiều đối tượng vi phạm. 

Để giải quyết tình trạng này, biện pháp chính là cần chấn chỉnh hoạt động của các công ty mua bán nợ. Chúng ta phải pháp lý hóa các vấn đề để tránh tình trạng các công ty này sử dụng các biện pháp vượt ngoài quy định của pháp luật, xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của con nợ; phải tăng cường biện pháp trấn áp với các băng nhóm giả danh công ty mua bán nợ để thực hiện các hành vi “xã hội đen”; cần giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân để kịp thời phát hiện, giám sát việc thực hiện pháp luật của các công ty mua bán nợ, từ đó thông báo cho cơ quan nhà nước chấn chỉnh, xử lý; cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở địa bàn, không thể để những nhóm người kéo nhau ầm ầm tới trụ sở công ty, gia đình để áp chế, thậm chí mang cả dao găm, mã tấu để tự thu tài sản.

Sự tồn tại của công ty mua bán nợ là cần thiết, là nhu cầu của xã hội. Vấn đề là cần uốn nắn và điều chỉnh để không được sai phạm.

Ông Lưu Bình Nhưỡng

Đại biểu Quốc hội khóa XIV (tỉnh Bến Tre)
Minh Quang (ghi)

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI