Da cam/dioxin - những nỗi đau chưa dứt:

Bài 2: Chết lặng khi nhìn con, cháu dị dạng do chất độc da cam

17/03/2021 - 06:11

PNO - Ông Minh bảo, nhìn con bệnh tật, ông bà đau một thì khi các cháu ông sinh ra không lành lặn được như cháu người ta, ông bà càng đau mười.

 Bài 1: Người lần lượt chôn 12 con, người bị con đánh như cơm bữa

Các con dâu của ông Minh có chồng là thế hệ thứ hai nhiễm chất độc da cam, sinh con bị di chứng đã đành, nhưng con gái, con dâu của ông Hùng không bị di chứng của chất độc da cam mà cháu ông Hùng vẫn bị. 

Chỉ biết gạt nước mắt

Gần nửa thế kỷ trước, anh thanh niên người Tày Hoàng Quang Minh rời quê Bình Gia, Lạng Sơn lên đường nhập ngũ, trở thành lính đặc công. Sau 5 năm ở chiến trường Quảng Nam, ông Minh phải ra Bắc điều trị vì trúng đạn M79 của địch. Trời xứ Bắc giao mùa, mảnh đạn còn nằm trong hố nách lại làm ông đau. Ông Minh nhớ, hồi về viện 108 điều trị, giáo sư Tôn Thất Tùng bảo, trường hợp của ông Minh, nếu mổ thì liệt, nên không thể mổ. Thế là bao năm nay, ông phải chịu đựng mảnh đạn, để nó hành hạ mỗi lúc trái gió trở trời.

Ông Hùng có năm người con, tất cả đều khỏe mạnh, bình thường nhưng đại đa số cháu nội, ngoại của ông đều khiếm khuyết trí tuệ, hình hài
Ông Hùng có năm người con, tất cả đều khỏe mạnh, bình thường nhưng đại đa số cháu nội, ngoại của ông đều khiếm khuyết trí tuệ, hình hài

Ông Minh có ba người con trai, cả ba đều là những đứa trẻ còi cọc, yếu ớt, chậm chạp và trí nhớ suy giảm cho đến tận bây giờ. Cả ba đều có những khối u. Người con cả của ông Minh bị u ở mặt, đã cắt bỏ. Người con thứ hai bị u ở tay, người con út thì u ở lưng, đều đã phẫu thuật đến 3-4 lần mà không dứt. Ông Minh nhăn mặt: “Thằng út khắp người còn đầy những nốt như hạt ngô, nốt nào cũng có đuôi như nòng nọc, trông ghê lắm. Thằng thứ hai thì đến giờ chân vẫn như chân cò, có làm được việc gì nặng đâu”.

Con trai và cháu gái ông Minh đều bị di chứng của chất độc da cam, con dâu ông (trái) trở thành lao động chính trong gia đình
Con trai và cháu gái ông Minh đều bị di chứng của chất độc da cam, con dâu ông (trái) trở thành lao động chính trong gia đình

Ngày trước, khi các con còn bé, ông bà đã cóp nhặt từng đồng lương ít ỏi để chạy chữa cho con, nhưng các con vẫn không phát triển được bình thường. Ông Minh bảo, nhìn con bệnh tật, ốm yếu, ông bà đau một thì khi các cháu ông sinh ra không khỏe mạnh, lành lặn được như cháu người ta, ông bà càng đau mười. Hai đứa con lớn của người con cả, đứa con út của người con thứ ba nổi đầy những vết chàm đen và lông khắp cơ thể; những đứa cháu khác thì khiếm thính bẩm sinh hoặc thiểu năng trí tuệ. Trong sáu đứa cháu nội của ông Minh, chỉ có L.C. là trí tuệ sáng nhất, nhưng phải bỏ ngang việc học vì sức khỏe ngày càng giảm sút. Chị H. - mẹ C. - chỉ biết gạt nước mắt nhìn con da bọc xương ngồi rúm ró trong góc nhà. Hỏi gì, chị cũng tránh. 

Ông Minh ngậm ngùi: “Cả ba đứa con dâu đều là lao động chính trong nhà, vừa lo kinh tế, vừa lo cho những đứa con ốm yếu, không bình thường. Nhìn chúng nó khỏe mạnh, lành lặn mà phải làm vợ, làm mẹ của con, cháu mình, tôi không biết phải nói sao”. Thấm đến tận cùng nỗi đau da cam, sẵn những bài thuốc nam gia truyền của người Tày, ông quyết định mang nghề thuốc ra giúp những gia đình có nạn nhân chất độc da cam nghèo khó khác. Người cựu binh là Chủ tịch Hội Đông y P.Tam Thanh, TP.Lạng Sơn này đã đi khám, gửi thuốc đến gia đình đồng đội ở cả trong và ngoài tỉnh. 

Con khỏe mạnh, các cháu lại không bình thường

Trời tối nhọ mặt người, bà Nguyễn Thị Cát - ở xã Trung Sơn, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - vẫn lụi hụi cày cuốc ngoài đồng. Về nhà, vừa dựng đôi thùng tưới vào góc sân, bà lại ra chuồng lo cho mấy con bò.

Chồng bà - ông Đỗ Mạnh Hùng - vừa trở về nhà sau gần nửa tháng nằm viện do tai biến. May là ông bị nhẹ, chỉ lãng tai. Ông già 72 tuổi ấy ôn chuyện lính: “Tôi thương binh, lại bệnh binh, mất 61% sức khỏe. Cũng trung đội trưởng đấy. Chúng tôi đi chiến đấu ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng. Chúng nó phun chất độc hóa học dày như sương mù ấy. Hôm sau, chỗ nào bị dính chất độc hóa học là cây không còn một cái lá nào, chết hết”. Xuất ngũ, về lại địa phương, ông Hùng làm Bí thư Đoàn xã hai khóa, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam từ lúc thành lập hội đến giờ.

Bà Cát sinh năm đứa con, không đứa nào bị khiếm khuyết gì, trong khi các đồng đội cũ của ông Hùng có con dị dạng hoặc khiếm khuyết trí tuệ. Ông Hùng vừa mừng vừa lo. Ông nói rất thật: “Khi đồng đội tôi đi khám, kết quả nhiễm chất độc da cam. Tôi tin mình cũng “dính”, nhưng tôi không dám đi kiểm tra sức khỏe, nhỡ người ta kết luận tôi nhiễm thì ba đứa con gái của tôi làm sao lấy được chồng”.

Chị Chung, anh Sơn, chị Việt, anh Ngọc, chị Vân - các con ông Hùng và bà Cát - đều khỏe mạnh, đi làm, mua được nhà cửa như bao người. Nhưng, con gái lớn của chị Chung bị động kinh, luôn phải có người giám sát, đi kèm. Con chị Việt thì một đứa bị khờ, một đứa bị lồi mắt, bại chân; đứa thứ ba là quái thai. Con anh Ngọc, đứa thì mắc bệnh tim, đứa không nói được, đi đứng cũng không bình thường. Chỉ có hai đứa con anh Sơn là khỏe mạnh so với đàn cháu nội, ngoại của ông bà. “Như thế hệ tôi sinh con bị di chứng của chất độc da cam đã đành, nhưng các con tôi sinh nở ở thế kỷ XXI rồi mà các cháu vẫn không lành lặn. Lúc cái Việt, cái Vân sinh con với hình thù kỳ quái, tôi nhìn thấy cháu còn chết lặng, huống hồ người mẹ” - bà Cát gạt nước mắt. 

Ông Hùng bảo, nạn nhân da cam thế hệ thứ nhất ở xã ông nay đã nhiều người mất. Không ít trong số đó, trước lúc qua đời vẫn canh cánh nỗi lo với những đứa con nhiễm chất độc da cam. Nhìn đàn cháu nội, ngoại - thế hệ thứ ba - bị ảnh hưởng của chất độc hóa học, ông Hùng, ông Minh chỉ biết xót xa, không biết nỗi đau da cam sẽ còn đeo đẳng con cháu mình, gia đình mình đến bao giờ…

Uông Ngọc

(Còn nữa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI