Phía sau đô thành những ngày “thu thay áo mới”

Bài 1: Một khoảng lặng văn chương sau ngày cách mạng

26/08/2020 - 07:30

PNO - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là sự kiện chấn động tâm tư nhiều nhà văn, nhà thơ bấy giờ, trước nhất là niềm hân hoan chào đón thời khắc sinh thành một đất nước tự do, dân chủ. Nhưng, khác với sự thay đổi rõ rệt của đời sống xã hội, vẫn còn đó những âm vang văn chương trước 1945, đặc biệt, có cả những dự định và thực hành đổi mới sáng tạo vừa ló dạng đã phải nhường chỗ cho yêu cầu cấp thiết hơn.

Phía sau đô thành những ngày “thu thay áo mới”

Phía sau lời hiệu triệu lên đường của những “đoàn vệ quốc quân một lần ra đi/ nào có mong chi đâu ngày trở về”, vẫn còn đó những tiểu tự sự, những tiếng lòng bé nhỏ bị che lấp bởi tiếng nói của thời cuộc. Qua ba lát cắt văn chương, âm nhạc, mỹ thuật, Báo Phụ nữ TP.HCM muốn phục dựng phần nào diện mạo, tính chất của các lớp trầm tích tư tưởng, tình cảm ẩn sâu trong giới văn nghệ buổi đầu độc lập; để nhìn lại một thời ta đã sống “thép đã tôi thế đấy”, nhưng cũng đầy lãng mạn và tự vấn về hai chữ con-người.

Những “vùng trắng”

Văn nghệ sĩ hòa nhập môi trường văn nghệ ngay sau cách mạng không chỉ đông về số lượng, mà còn vui trong cảm xúc. Thành thực và náo nhiệt, kỳ vọng và tận tâm, họ không chần chừ thổ lộ những trạng thái tinh thần lớn lao đang thấm đẫm mỗi ngày. Nguyễn Huy Tưởng lên đường đến chiến khu, bỏ lại những ngày tháng sống ở đô thị như “sống một cuộc đời khốn nạn, không biết đến sự đổi thay” (1946). Hoài Thanh nhận thấy “đời sống riêng của cá nhân không có ý nghĩa gì trong đời sống bao la của đoàn thể” (1945). Nguyễn Tuân tìm được “đường vui” (1949), Nam Cao nói rõ hơn “ấy là con đường ra mặt trận, con đường cứu nước” (1946).

Tác phẩm Chùa đàn của nhà văn Nguyễn Tuân và Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan
Tác phẩm Chùa đàn của nhà văn Nguyễn Tuân và Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan

Xuân Diệu có ngay tác phẩm trường ca Ngọn quốc kỳ (1945) và trường ca thứ hai Hội nghị non sông (1946) ghi lại sự kiện Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới. Nếu Tố Hữu ngây ngất “vui bất tuyệt”, thì vị thi sĩ mới nhất trong các nhà thơ Mới cũng kịp nhận thấy “có mấy bữa mà Việt Nam thắm cả/ Khắp Việt Nam cờ mọc với lòng dân”.

Quả thật, so với nhiều thi sĩ thơ Mới đang loay hoay “nhận đường”, thì thái độ “cuồng hứng” của Xuân Diệu trước bối cảnh mới, nguồn thi ca mới là một điểm nhấn đặc biệt, có ý nghĩa biểu tượng cho tâm thế “đoạn tuyệt” với chính họ trước đó. Vì thế, cuộc tái sinh mầu nhiệm trong họ, dầu tự thân hay bởi nhiều tác động từ các tổ chức xã hội, đã bắt đầu trở thành mạch chủ đạo của văn nghệ kháng chiến, nhất là từ thời điểm 1948, khi hầu hết văn nghệ sĩ đều hội tụ về Việt Bắc.

Nhưng trên thực tế, quãng thời gian 1946-1948 phức tạp hơn những gì các giáo trình văn học sử vẫn đang tái hiện. Tư liệu ít ỏi, thất tán và nhiều điểm mờ thông tin, khiến chúng ta hôm nay chưa có điều kiện tường minh thực chất của những lựa chọn, những tình thế giằng co và thay đổi trong hoạt động văn chương ở khoảng thời gian ăm ắp biến động ấy. Nói chung, quán tính văn chương, xuất bản và báo chí trước 1945 vẫn được nối tiếp, phong phú và không kém phần kịch tính.

Nghĩa là, trong nội thành Hà Nội, nơi những văn sĩ ở lại tiếp tục viết, khó mà tóm lược trong một hình ảnh duy nhất là làm “tuyên truyền viên nhãi nhép” (1948) như Nam Cao tự nhận. Nội thành vẫn còn đó Nhượng Tống, Khái Hưng, Đào Trinh Nhất, Ngọc Giao, Nguyễn Giang, Tam Lang, Nguyễn Thạch Kiên... những tên tuổi gần đây mới bắt đầu được biết đến đa chiều hơn. Tuy thế, như nhận định của nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng, tất cả vẫn chịu cảnh “vùng trắng” trong văn học sử.

Nhà văn Nguyễn Tuân từng giằng xé với Chùa đàn
Nhà văn Nguyễn Tuân từng "giằng xé" với "Chùa đàn"

Nhìn một vài trường hợp xuất bản ngay sau cách mạng, mới phần nào cảm nhận rõ tính đa dạng của văn chương. Nguyễn Tuân, người vừa mới xác quyết “lột xác” (1945), đã bổ sung hai phần “không thể vô vị hơn” như nhận định của Khái Hưng, để hoàn thành kiệt tác Chùa Đàn (1946). Nhận thấy Tâm sự của nước độc, phiên bản đầu của Chùa Đàn quá thần bí quái dị, “phản khoa học, phản tiến bộ”, Nguyễn Tuân cá tính và sở trường Yêu ngôn chủ động lắp thêm “một đoạn đầu và đoạn cuối” để Chùa Đàn có màu sắc, âm hưởng cách mạng, tránh ý hướng chủ đạo là tôn thờ nghệ thuật thuần túy. Nhưng chính sự bất toàn trong cách hoàn thiện Chùa Đàn càng cho thấy chủ trương văn nghệ kháng chiến chưa dễ đại chúng hóa ngay lập tức một Nguyễn Tuân lãng mạn, tự kiêu và tài hoa.

Cũng năm 1946, Số đỏ được in lại, và sau này gần như bị “biến mất” một thời gian khá dài trong cái nhìn của văn học cách mạng. Năm 1949, tiểu thuyết Quán gió của Ngọc Giao xuất bản và phải hơn nửa thế kỷ sau (2017) mới được trở lại với bạn đọc. Có thể xem Quán gió như một lát cắt nhỏ thấm thía về những biến thiên dâu bể của thời cuộc. Với Ngọc Giao, điều quan trọng bấy giờ là “quên đi để mà yêu thương nhau, ở ngoài kia còn bao nhiêu oán thù chia rẽ”. Mấy năm sau, Ngọc Giao lặng lẽ rút lui khỏi văn đàn.

Những hiện diện và những trở lại

Ở phía những hiện diện, Nguyễn Đình Thi từng hăm hở làm thơ “không vần” như một nỗ lực khác với thơ Mới. Nhưng rồi các tranh luận và phê bình gay gắt lối thơ này ở Việt Bắc đã khiến chàng thi sĩ trẻ vội chuyển sang thơ có vần. Trước khi để hình tượng nhân dân “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” dẫn dắt cảm xúc, thi phẩm Đất nước nổi tiếng vẫn còn lưu dấu một vài câu thơ đậm chất nhạc họa, và thi phẩm Không nói (1948) kém danh hơn vẫn còn nguyên những run rẩy, mơ mộng thuở làm thơ không vần: “Dừng chân trong mưa bay/Ướt đầm mái tóc/ Em em nhìn đi đâu/ Môi em đôi mắt/ Còn ôm đây”. 

Ngay cả Chính Hữu, trước khi có Đồng chí (1948) là khuôn mẫu của thơ ca kháng chiến nôm na và cụ thể, vẫn viết những câu thơ không chỉ diễm lệ trong hình ảnh, mà còn khá chân xác trong nghĩ suy của lớp trai trẻ lên đường hiệp nghĩa: “Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm”.

Thi phẩm Ngày về của nhà thơ Chính Hữu không được phổ biến rộng rãi vì giọng điệu, dáng vẻ cứ như vừa bước ra từ trang sách anh học trò tiểu tư sản.
Thi phẩm "Ngày về" của nhà thơ Chính Hữu không được phổ biến rộng rãi vì giọng điệu, dáng vẻ cứ như vừa bước ra từ trang sách anh học trò tiểu tư sản.

Cùng Ngày về, mạch đập lãng mạn và bi tráng còn xuất hiện trong những thi phẩm Tây Tiến (1948) và Mắt người Sơn Tây (1949) của Quang Dũng, Đèo Cả (1946) và Màu tím hoa sim (1949) của Hữu Loan. Màu tím hoa sim dường như vừa mở đầu đã phải khép lại một kiểu bè trầm trong thơ kháng chiến, đã không tìm được không gian tiếp nhận nơi quảng đại quần chúng - lực lượng chính của công cuộc kháng chiến kiến quốc. 

Cho đến khi ngọn sóng thơ kháng chiến với đại diện Tố Hữu đạt đến đỉnh cao ở tập Việt Bắc (1954), các tìm tòi hoặc thử nghiệm thơ ca khác đều dần nguội lạnh, hoặc phải lùi vào bóng tối. Đô thành đã ở sau lưng, chiến khu mới là đích đến. Một thi phẩm lớn và mới mẻ, một đối trọng đủ sức lộng lẫy với Việt Bắc là hùng-ca-lụa Đi! Đây Việt Bắc! (1957) của Trần Dần cũng chỉ được đăng một chương vào thời điểm đó.

Nhưng đường đi của văn chương đôi khi nằm ở những khúc ngoặt bất ngờ. Hầu hết các tác phẩm từng bị coi là “có vấn đề” trong giai đoạn 1946-1954 ấy, đã và đang dần trở lại. Người đọc hôm nay có thể sẽ không còn quá bận tâm vào những sắp đặt, cất nhắc của văn học sử, mà thường chủ động tìm cho mình các giá trị văn chương đúng nghĩa. Một sự đọc rộng và chắp nối nhiều sự kiện văn chương, xã hội lẫn lịch sử, chắc chắn, giúp chúng ta đỡ lúng túng khi muốn phục dựng diện mạo, tính chất của các lớp trầm tích tư tưởng, tình cảm ẩn sâu trong giới văn nghệ sĩ buổi đầu độc lập. Dĩ nhiên, đó là công việc đòi hỏi kiên tâm và công bằng. Và cũng là công việc của nỗi niềm đơn lẻ, âm thầm. 

Mai Anh Tuấn

Bài 2: Tình tự lãng mạn của một cuộc cách mạng

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Thu Hương 26-08-2020 16:17:48

    Bài viết thú vị và khác biệt nhân CMT8 và 2/9. Cảm ơn tác giả

  • nguyendung 26-08-2020 08:57:07

    ao ước được đọc tập hợp tất cả những bài thơ được trích dẩn, nhắc đến...trong bài viết..này ( và cả những bài sau ) , đễ có thể từ đó xuyên 1 cái nhìn thật khách quan vô tư không định kiến, không..gì cả....về 1 giai đoạn thăng trầm đã qua cũa lịch sử...- mong thay !

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI