Bà Xiomara Castro chính thức đảm nhiệm cương vị nữ tổng thống đầu tiên của Honduras

27/01/2022 - 15:23

PNO - Từng thu hút sự chú ý của chính trường Honduras vào năm 2009 khi đấu tranh đòi phục chức cho chồng bị đảo chính, nay bà Xiomara Castro - cựu đệ nhất phu nhân của quốc gia Trung Mỹ này - đang sẵn sàng cho vị trí nữ tổng thống đầu tiên của đất nước, hứa hẹn một chương trình nghị sự cấp tiến nhằm đấu tranh chống tham nhũng và bê bối.

Là một nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ, bà Castro đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11/2021 và chính thức nhậm chức vào ngày 27/1.

Đảng Tự do và tái thiết (Libre) của bà Castro đã thắng trong cuộc bỏ phiếu khi dẫn hơn 14 điểm so với đối thủ gần nhất của bà, Nasry Asfura, người là thị trưởng thủ đô và là ứng cử viên cho Đảng Quốc gia của tổng thống sắp mãn nhiệm Juan Orlando Hernández.

Giành được 51% tỷ lệ phiếu bầu và 1,7 triệu phiếu bầu, bà Castro đã có số phiếu bầu lớn nhất trong lịch sử Honduras, thể hiện mong muốn thay đổi của công chúng đối với vị trí tổng thống đất nước.

Bà Castro
Bà Castro

Bà Castro, 62 tuổi, đã tham gia chiến dịch tranh cử với lời hứa chống tham nhũng, xóa đói giảm nghèo và tự do hóa luật phá thai.

Nhưng theo bình luận của CNN, bà Castro có thể sẽ gặp nhiều thách thức trong việc thực hiện chương trình nghị sự này, vì vẫn có một số thành viên đảng Libre không ủng hộ bà.

Trước đó, bà Castro đã từng thất bại vào năm 2013 và 2017 khi tranh cử vào vị trí Tổng thống Honduras - một trong những quốc gia bảo thủ nhất của Mỹ Latinh - với tỷ lệ quan chức nữ được bầu vào vị trí này rất thấp.

Sinh ra ở thủ đô Tegucigalpa, bà Castro đã dành trọn những năm tháng của tuổi trẻ cho cuộc sống gia đình. Bà kết hôn với doanh nhân kiêm chính trị gia Manuel Zelaya khi 19 tuổi, và sau đó nuôi dạy 4 đứa con, đồng thời giúp chồng trong việc quản lý kinh doanh, theo trang web của đảng Libre.

Nhà xã hội học Julio Raudales thuộc Đại học Tự trị quốc gia Honduras (UNAH) cho biết, khi ông Zelaya nhậm chức vào tháng 1/2006, bà Castro vẫn chưa có tham vọng chính trị nào khác ngoài việc đồng hành và hỗ trợ chồng, đóng vai trò tích cực trong các chương trình xã hội, bao gồm các sáng kiến về giáo dục trẻ em ​​và công tác vận động phòng chống HIV/AIDS.

Một bước ngoặt bất ngờ vào năm 2009 đã làm thay đổi cuộc đời của hai vợ chồng bà Castro. Xuất phát từ một cuộc đảo chính, ông Zelaya bị các sĩ quan quân đội bắt cóc trong lúc đang ở nhà và được đưa đến Costa Rica. Khi trở lại Honduras vào tháng 5/2011, ông đã thành lập đảng Libre.

Sau khi ông Zelaya bị bắt, bà Castro đã nắm quyền lãnh đạo phong trào kháng chiến, từng dẫn đầu một cuộc biểu tình ngang qua thủ đô của Honduras để yêu cầu phục chức cho chồng trong năm 2009. Theo ông Raudales, những việc làm này đã định hình nên sự nghiệp chính trị của bà.

“Trước đó, Castro chỉ được coi là vợ của một cựu tổng thống”, luật sư kiêm nhà phân tích chính trị Raul Pineda nói, và nhận định rằng chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử năm 2021 đã đánh dấu một bước ngoặt trên chính trường Honduras.

Năm 2021, Tổng thống Hernández bị các công tố viên liên bang Mỹ cáo buộc đã giúp một kẻ buôn ma túy, được cho là đã vận chuyển hàng tấn cocaine đến nước này, nhằm đổi lấy những khoản tiền hối lộ khổng lồ. Văn phòng của ông Hernández cho rằng điều này là “hoàn toàn sai”, và hiện ông vẫn chưa bị buộc tội.

“Người dân Honduras đã quá mệt mỏi với tình trạng tham nhũng, trộm cắp. Vì vậy, họ bỏ phiếu bầu cho bà Castro để thể hiện sự phản đối đối với chính phủ”, Marvin Reyes - chủ một nhà hàng chia sẻ với CNN.

Ngân hàng thế giới cho biết Honduras hiện là một trong những quốc gia nghèo nhất ở Mỹ Latinh và Caribe. Theo một báo cáo năm 2021 của UNAH, tỷ lệ người nghèo đói ở nước này đã tăng từ 59,3% vào năm 2019 lên khoảng 70% vào năm 2020. UNAH cho rằng sự yếu kém của chính phủ tiền nhiệm và thiên tai là những nguyên nhân khiến cho chương trình xóa đói giảm nghèo ở Honduras không thành công.

Theo CNN, sự nghèo đói cũng là một trong những động lực chính khiến nhiều người dân Honduras di cư đến Mỹ hàng năm. Theo một quan chức nhập cư Guatemala, đầu tháng này, có tới 8.000 người di cư đến Hoa Kỳ đã vào Guatemala từ Honduras chỉ trong vòng 2 ngày.

Nhất Nguyên (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI