Ba người trẻ và “Sứ mệnh giải cứu Bangladesh”

07/09/2020 - 06:00

PNO - Ba người bạn thân ở độ tuổi ngoài 30 đã quyên góp được 230.000USD để cứu trợ những người khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Khi chính phủ Bangladesh bắt đầu thực thi biện pháp phong tỏa toàn quốc vào cuối tháng Ba, ba người bạn thân gồm ImranKadir, TajdinHasan và ImtiazHalim đã băn khoăn: làm sao những người lái xe kéo, công nhân nhà máy và những người lao động nghèo khác “sống sót” qua đại dịch COVID-19?

Trái tim con người thật rộng lớn! 

Không chần chừ, chỉ với 20.000 taka (tương đương 236 USD) trong tay, họ đã ngay lập tức lên kế hoạch kết nối sao cho các nguồn lực từ các Mạnh Thường Quân có thể đến tay những người đang túng thiếu do công ăn việc làm đình trệ. Phản hồi đầu tiên cho chiến dịch kêu gọi quyên góp của ba người bạn mới ngoài tuổi 30 là từ danh thủ Shakib Al Hasan. Ngôi sao cricket người Bangladesh đã góp 2 triệu taka (24.000 USD) để những người trẻ có tấm lòng phân phát các gói thực phẩm đầu tiên tại các khu dân cư nghèo khó ở thủ đô Dhaka.

Một tình nguyện viên của Mission Save Bangladesh phân phát thực phẩm cho bệnh nhân nghèo tại một bệnh viện ung thư ở Dhaka, Bangladesh
Một tình nguyện viên của Mission Save Bangladesh phân phát thực phẩm cho bệnh nhân nghèo tại một bệnh viện ung thư ở Dhaka, Bangladesh

Và họ đã thành công vang dội khi liên tiếp có thêm khoảng 120 tổ chức và doanh nghiệp tham gia ủng hộ chiến dịch viện trợ được ba người trẻ đặt tên là Sứ mệnh giải cứu Bangladesh (Mission Save Bangladesh). Chiến dịch đã không chỉ dừng lại ở những vấn đề y tế, xã hội liên quan COVID-19 như nguồn cung khẩu trang hay chất khử khuẩn, mà đã mở rộng sang cả việc trợ giúp các gia đình bệnh nhân ung thư.

“Mọi người có trái tim thật rộng lớn! Các ân nhân đã đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi từ chính trái tim bao la đó của họ”, ImranKadir - người khởi xướng chiến dịch cùng TajdinHasan và ImtiazHalim - nói với hãng tin AP khi anh và các tình nguyện viên đến thăm và phân phát thực phẩm tại một bệnh viện ung thư ở Dhaka. 

“Giải cứu” người nghèo khó

May mặc - ngành xuất khẩu hàng đầu của Bangladesh - đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, kéo theo 4 triệu công nhân của ngành, vốn luôn phải chấp nhận đồng lương rẻ mạt, nay còn lao đao hơn. Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp Bangladesh, các đơn hàng trị giá hơn 3 tỷ USD đã bị hủy bỏ hoặc tạm ngừng sản xuất.

Cơ quan phát triển Bangladesh BRAC cho hay, có khoảng 51% người lái xe kéo, 58% công nhân nhà máy, 66% nhân viên nhà hàng, khách sạn và 62% lao động phổ thông trong các lĩnh vực phi nông nghiệp đã bị giảm thu nhập xuống mức “0 đồng” kể từ khi chính phủ tiến hành lệnh phong tỏa. Dù hiện tại, các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại nhưng việc khôi phục cần rất nhiều thời gian.

Trong bối cảnh đó, việc hàng trăm công ty “rộng tay” chuyển tiền từ nguồn quỹ trách nhiệm xã hội của họ cho chiến dịch Mission Save Bangladesh là điều hết sức có ý nghĩa. “Cho đến giờ, chúng tôi đã huy động được khoảng 230.000 đô la. Điều này thật tuyệt vời giúp lan truyền cảm xúc”, Kadir nói.

Chiến dịch của anh đã cung cấp thực phẩm cho khoảng 13.000 gia đình và 60.000 người khác. Họ còn cung cấp xe cứu thương cho một nhóm thiện nguyện giúp các gia đình trong việc hỏa táng hoặc chôn cất những người chết vì COVID-19.

Tại một bệnh viện ung thư ở Dhaka, trong suốt nhiều tuần lễ, các tình nguyện viên của Mission Save Bangladesh đã mang các túi thực phẩm đến cho các bệnh nhân, hầu hết là người từ các tỉnh lên thủ đô chữa bệnh. Abdullah Biswas, cha của một bệnh nhân ung thư tại đây nhận được những gói thức ăn, nói: “Chúng tôi quê ở Shariatpur. Ngoài COVID-19, năm nay huyện nhà còn bị ngập lụt nặng. Vì vậy hầu hết người dân chúng tôi đang gặp khó khăn về tài chính nghiêm trọng. Khoản viện trợ này giúp ích cho gia đình chúng tôi rất nhiều”.

Người dân sống ở các khu ổ chuột thủ đô Dhaka cũng vui mừng hệt như vậy khi nhận được tài trợ từ các tình nguyện viên Mission Save Bangladesh. “Chúng tôi thấy được an ủi. Chúng tôi cầu nguyện sự an lành đến trên những người đã giúp đỡ chúng tôi và hy vọng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa. Chúng tôi sẽ tiếp tục cần nguyện ơn phước lành cho họ chừng nào chúng tôi còn sống”, Nurjahan Begum, cư dân khu ổ chuột Kalabagan (Dhaka), nói trong xúc động. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI