ASEAN có thể cứng rắn hơn trong COC sau căng thẳng Indonesia - Trung Quốc

03/01/2020 - 08:24

PNO - Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Indonesia khiến ASEAN có thể giữ lập trường cứng rắn hơn trong thảo luận COC

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã bác bỏ cáo buộc của Indonesia về việc các tàu hải cảnh Trung Quốc “xâm nhập bất hợp pháp lãnh thổ Indonesia tại quần đảo Natuna”, bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Các nhà phân tích cho rằng thái độ của Jakarta thể hiện sự mất kiên nhẫn khi tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập vào vùng lãnh hải của mình, và có nhiều khả năng Indonesia và Việt Nam sẽ đưa ra lập trường cứng rắn hơn khi Asean thảo luận về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Tàu chiến Imam Bonjol 383 Hải quân Indonesia truy đuổi tàu cá Han Tan Cou vào vùng biển Natuna của Indonesia vào ngày 17/6/2019, ngay sau đó tàu 3303 của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc áp sát.
Tàu chiến Imam Bonjol 383 Hải quân Indonesia truy đuổi tàu cá Han Tan Cou vào vùng biển Natuna của Indonesia vào ngày 17/6/2019, ngay sau đó tàu 3303 của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc áp sát. Ảnh: Jakarta Post.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “dù Indonesia có chấp nhận hay không, điều đó không thể thay đổi được thực tế khách quan rằng Trung Quốc có quyền và lợi ích ở vùng biển liên quan”, mặc dù quần đảo Natuna – hiện do Indonesia quản lý - nằm cách quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp ở Biển Đông 1.100 km về phía nam. Phía Trung Quốc còn viện dẫn luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS 1982), để biện minh cho hành động sai trái của mình.

Trước đó, Jarkata cáo buộc một tàu hải cảnh của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Indonesia tại quần đảo Natuna và đã triệu đại sứ Trung Quốc đến Bộ Ngoại giao để phản đối chính thức.

Jakarta cho biết yêu sách của Trung Quốc đối với các lãnh thổ Biển Đông đã bị bác bỏ năm 2016 sau khi Philippines thắng kiện tại Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague Hà Lan. Đến nay, Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết của tòa.

Jakarta nhiều lần đụng độ với Bắc Kinh về quyền đánh bắt cá quanh khu vực quần đảo Natuna khi Indonesia bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh cá trái phép và Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở vùng biển này.

Một quan chức chính phủ Indonesia chỉ ra khu vực quần đảo Natuna trên bản đồ - Ảnh: Reuters
Một quan chức chính phủ Indonesia chỉ ra khu vực quần đảo Natuna trên bản đồ - Ảnh: Reuters

Evan Laksmana, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và nghiên cứu quốc tế tại Jakarta, nói rằng thái độ quyết đoán của Indonesia trong vấn đề này đã có từ lâu.

Trong các sự cố hàng hải trước đây và tương tự, Jakarta thường phản đối theo đường ngoại giao, nhưng sự vi phạm đến nay vẫn tiếp tục xảy ra. Ông Laksmana nói, cho đến nay, Indonesia vẫn phản ứng kiềm chế và kiên nhẫn đối với sự xâm lấn của Trung Quốc vào vùng biển của mình. Nhưng hết lần này đến lần khác, các sự cố hàng hải vẫn xảy ra và các quan chức Trung Quốc tiếp tục khẳng định quyền đánh bắt lịch sử đã bị luật pháp quốc tế coi là hành vi bất hợp pháp.

Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Tập đoàn Rand có trụ sở tại Mỹ, cho biết hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục ở Natuna và Indonesia không có lựa chọn nào khác là tăng cường tuần tra và thực thi pháp luật trong khu vực này.

Báo Hồng Kông Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) phân tích rằng thái độ của Trung Quốc trong vụ Natuna có thể đã “vô tình thúc đẩy” Indonesia đến gần Việt Nam hơn trong việc kêu gọi các nước ASEAN giữ lập trường cứng rắn khi thảo luận COC với Trung Quốc.

Hoàng Diệu

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Chính Liêm 03-01-2020 14:51:56

    Phản ứng cứng rắn cua Indonesia là đóng đắn, cộng đồng quốc tế cần cổ vũ và ủng hộ quốc gia này trong việc lên án sự thèm khát lãnh thổ cực kỳ vô lý của Bắc kinh. Cần mở cuộc vận động thành lập mặt trận thế giới bảo vệ Biển Đông, gồm các nước xung quanh Biển Đông làm trung tâm có vai trò quan trọng của các nước lớn như Mỹ, Nhật bản, Ân độ, vv. Tạo lực lượng to lớn bảo vệ hòa bình Biển Đông, trước sự hung hăng, coi thường pháp luật quốc tế của Bắc Kinh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI