Ấn Độ: Xứ sở nhiều nô lệ thời hiện đại hơn bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất

29/01/2021 - 15:56

PNO - Mala mới 18 tuổi khi bạn trai của cô, Rohit, thuyết phục cô rời khỏi ngôi làng cổ hủ và buồn tẻ của họ ở đông bắc Ấn Độ để đến một thành phố nơi họ có thể tự do sống cùng nhau, không sợ ai nhòm ngó.

Ấn Độ có nhiều nô lệ thời hiện đại hơn bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất - Ảnh: GlobalPost
Ấn Độ có nhiều nô lệ thời hiện đại hơn bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất - Ảnh: GlobalPost

Khoảng ba năm trước, khi khăn gói cùng Rohit trốn khỏi làng, Mala đã biết đó không phải là một kế hoạch được cân nhắc kỹ lưỡng. Mala không hỏi Rohit họ sẽ sống ở đâu và mưu sinh như thế nào, cô chỉ cần biết mình muốn rời bỏ thế giới nhỏ bé ở làng quê với người đàn ông cô yêu.

Sau khi chiếc xe tải nhỏ của một người bạn chở họ chạy khoảng 5 tiếng, mọi người dừng lại nghỉ ngơi. Nhưng Mala nhanh chóng nhận ra mình đã bị lừa. Cô kể: “Tôi thấy một phụ nữ đưa một số tiền lớn cho Rohit, rồi anh ấy nói với tôi rằng anh ấy cần đi ra ngoài trong vòng nửa giờ, nhưng tôi không gặp lại anh ấy nữa”.

Mala đã trở thành nạn nhân một vụ lừa đảo phổ biến ở Ấn Độ, một quốc gia có nhiều người “bị mắc kẹt” trong chế độ nô lệ thời hiện đại hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh. Ở đây, những tú bà và ma cô sẽ trả từ 300 đến 800 USD để mua gái mại dâm mới, theo những thành viên của phong trào chống nô lệ.

Theo Chỉ số nô lệ toàn cầu (GSI), 14,2 triệu trong số 35,8 triệu người bị bắt làm nô lệ trên khắp thế giới là ở Ấn Độ, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Ấn Độ là điểm đến chính của nạn buôn bán phụ nữ bị bóc lột tình dục, đặc biệt là từ các nước Nam Á khác.

GSI lưu ý: “Có nhiều báo cáo về phụ nữ và trẻ em Ấn Độ và các nước láng giềng được tuyển dụng với những lời hứa hẹn về những công việc không tồn tại, sau đó bị bán vào các động mại dâm để bị bóc lột tình dục hoặc bị ép buộc tham gia các cuộc hôn nhân giả tạo”. Theo GSI, trong cả năm 2013 chỉ có 13 người phạm tội buôn người làm nô lệ tình dục bị kết án.

Trong những ngày đầu tiên bị giam cầm, Mala đã nhịn ăn, nhịn uống, cô khóc vùi trong căn phòng chung với 5 phụ nữ trẻ khác. “Tôi biết mình đang ở trong một nhà thổ và tôi biết sớm muộn gì tôi cũng sẽ bị yêu cầu phục vụ đàn ông”, cô nói. Cuối cùng, chủ nhà chứa - một phụ nữ lớn tuổi được gọi là “má mì” – triệu Mala đến gặp bà ta.

“Bà ấy đưa cho tôi một số quần áo và một số đồ trang sức và bảo tôi hãy trang điểm. Bà ấy nói rằng một người đàn ông sẽ đến gặp tôi vào buổi tối hôm đó, và nếu tôi muốn tiếp tục được ăn uống, tôi sẽ phải làm việc”, cô nhớ lại. “Còn nếu tôi từ chối, tôi sẽ bị đánh đập và bị bỏ đói, đôi khi, dù tôi từ chối, những người đàn ông vẫn được đưa đến phòng của tôi và họ cưỡng bức tôi”.

Một năm trước, cảnh sát đã đột kích nhà chứa của Mala ở quận Purnia thuộc bang Bihar. Cô nói, trước đây, một số sĩ quan đã đến nơi này với tư cách là khách hàng quen thuộc. Cảnh sát cho biết họ đã giải cứu 45 cô gái, trong đó có 8 trẻ vị thành niên. Tất cả các nạn nhân hoặc bị lừa đưa đến nhà thổ, hoặc bị bắt cóc và buôn bán, sau đó buộc phải bán dâm. Giống như Mala, nhiều người cũng “phải lòng” những chàng trai sau này họ mới biết là “nhà tuyển dụng”.

Sau khi giải cứu, cảnh sát đưa các cô gái đến một nơi trú ẩn của Tatvasi Samaj Nyas (TSN) - một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nạn nhân nô lệ. Vithika Yadav, một nhà tư vấn làm việc với TSN và điều hành Love Matters India, một trang web giáo dục giới tính, cho biết việc phục hồi tâm lý cho các cô gái rất lâu và đôi khi rất đau đớn.

Các nạn nhân được dạy nghề tại trung tâm Tatvasi Samaj Nyas - Ảnh: TSN
Các nạn nhân được giải cứu học nghề tại trung tâm Tatvasi Samaj Nyas - Ảnh: TSN

“Trong vài tuần đầu tiên, chúng tôi để mặc họ đau buồn, chúng tôi không bắt họ phải nói ra hoặc hỏi họ chi tiết về địa ngục cũ của họ”, Yadav nói. Cô cho rằng, điều quan trọng trước tiên là để các cô gái được ngủ, nghỉ ngơi, vì dù sao họ cũng không tin tưởng các nhân viên của TSN - “các cô gái  đã cho chúng tôi biết tên giả và tuổi bịa của họ, chúng tôi rất khó khiến họ nói chuyện”.

Vài tuần sau, khi những người phụ nữ thích nghi với cuộc sống mới, TSN bắt đầu làm việc. Luật pháp Ấn Độ quy định nạn nhân buôn bán tình dục phải được phục hồi và hòa nhập xã hội trong vòng sáu tháng. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng khả thi, Yadav nói.

Cô cho biết: “Một số trẻ vị thành niên được sinh ra trong nhà thổ, những trẻ khác bị buôn bán, nhưng họ đều được giải cứu khỏi nạn bóc lột tình dục. Một trong những điều đầu tiên chúng tôi phải làm là liên hệ với gia đình các cô gái và cho họ lựa chọn trở về nhà. Trong nhiều trường hợp, các gia đình liên quan trực tiếp đến việc buôn bán người, khi đó chúng tôi phải tìm giải pháp khác”.

Đối với Mala và những người khác, tìm được việc làm hoặc về nhà đều may mắn. Một số cô gái đã đến một nhà trú khác do chính phủ điều hành. Một số trẻ vị thành niên được giải cứu khỏi Purnia vẫn sống trong mái ấm của TSN. Các em được tư vấn để vượt qua chấn thương tâm lý, được giáo dục cơ bản và đào tạo nghề để giúp tìm việc làm khi đến tuổi. Chủ yếu các em học về trang điểm và may vá.

Những ngày này, Mala làm giúp việc nhà ở thành phố Patna trong bang Bihar quê nhà. Cô không muốn nhớ lại cũng như kể lại về những năm tháng bị giam cầm trong nhà thổ ở Purnia, cô vẫn còn sợ.

Mala chia sẻ: “Những người chủ hiện tại của tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với tôi và tôi cũng không muốn họ biết, tôi muốn quá khứ ở lại trong quá khứ”.

Thanh Hải (theo GlobalPost)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI