Âm mưu 'Con đường tơ lụa' của Trung Quốc bị tắc

05/05/2016 - 07:19

PNO - Thất bại của Trung Quốc trong thỏa thuận về một dự án đường sắt ở Thái Lan cho thấy phát kiến của Đại lục khó thành hiện thực.

“Con đường tơ lụa” là chương trình tìm cách nối kết hơn 20 nước dựa trên một kế hoạch quy mô nhắm tới việc nới rộng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc bằng cách thiết lập hai tuyến ngoại thương lớn.

Theo kế hoạch, một tuyến trên bộ trải dài từ Trung Quốc xuyên qua Trung Á để tới châu Âu, đi qua nhiều quốc gia đang mong mỏi có thêm nhiều lựa chọn thương mại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một tuyến khác trên biển để nối các hải cảng của Trung Quốc với những trung tâm thương mại ven biển ở châu Phi và Trung Đông.

Am muu 'Con duong to lua' cua Trung Quoc bi tac
Bản đồ “Con đường tơ lụa” đầy tham vọng mưu đồ của Trung Quốc

Đối với nhiều nước dọc theo con đường này, những tham vọng của Trung Quốc có thể mang lại một sức đẩy kinh tế mà những nước này đang trông đợi.

Tuy nhiên, từ khi bắt đầu triển khai, dự án này gặp không ít trở ngại khi các nước tỉnh táo.

“Thái Lan không giống như Lào”

Sau các cuộc đàm phán kéo dài 2 năm với Trung Quốc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha vừa quyết định tự đầu tư xây tuyến đường sắt nối liền thủ đô Bangkok với TP Nong Khai ở miền Đông Bắc.

Lý do là Bangkok cho rằng lãi suất khoản vay của Bắc Kinh quá cao. Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cho rằng phía sau lời đề nghị hỗ trợ về vốn và xây dựng của Trung Quốc là những điều kiện ràng buộc mà Bangkok không dễ dàng chấp nhận.

Chẳng hạn, phía Trung Quốc thúc ép Thái Lan cho phép họ phát triển các dự án bất động sản thương mại tại các nhà ga và dọc tuyến đường sắt nói trên.

“Chúng tôi nói với phía Trung Quốc rằng sẽ không cấp quyền sử dụng đất cho những dự án như vậy. Thái Lan không giống như Lào” - Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith nhấn mạnh với trang Bloomberg hôm 4-5.

Am muu 'Con duong to lua' cua Trung Quoc bi tac
Trung Quốc có 760 dự án đầu tư tại Lào với tổng số vốn đăng ký là 6,7 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư nước ngoài xếp thứ nhất tại Lào.

Ông Richard Jerram, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Singapore, nhận định những khó khăn mà Trung Quốc gặp phải khi tiến hành các dự án thuộc “Con đường tơ lụa” ở những nước như Thái Lan là bằng chứng về “sự thiếu minh bạch nói chung về ý tưởng này”.

“Đúng là châu Á cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhưng không hề thiếu vốn cho những dự án có khả năng sinh lợi” - ông Jerram nhận định.

Với chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, “Con đường tơ lụa” là trọng tâm trong nỗ lực tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt với các nước Trung Á và Đông Nam Á.

Các khu vực trên cần hàng ngàn tỉ USD vốn đầu tư để xây dựng đường sá, sân bay cùng nhiều cơ sở hạ tầng trong lúc Bắc Kinh có tiềm lực tài chính và công nghiệp để hỗ trợ.

Dù vậy, những trục trặc tại Thái Lan cho thấy mọi chuyện không phải lúc nào cũng thuận lợi như kỳ vọng của Trung Quốc.

Mưu đồ bị vạch trần

Nhiều chuyên gia quốc tế cũng từng lên tiếng phản đối về 'Con đường tơ lụa' trên biển mà giới chuyên môn cho rằngTrung Quốc đang tìm cách che giấu ý định bằng tuyên bố muốn xây dựng Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21 nhằm cải thiện giao thương và trao đổi văn hóa.

Trước đó tờ The Wall Street Journal của Mỹ dẫn lời giới quan sát chỉ rõ ý đồ chính trị của Trung Quốc trong các kế hoạch khảo cổ dưới nước.

Lâu nay, Bắc Kinh chỉ dựa vào những “bằng chứng lịch sử” vô cùng mơ hồ để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Do đó, hoạt động “lục lọi” dưới đáy biển vừa nhằm để tìm thêm “bằng chứng”, vừa để tiếp tục đẩy mạnh hiện diện tại các khu vực tranh chấp.

Am muu 'Con duong to lua' cua Trung Quoc bi tac
Trung Quốc công khai tuyên bố chủ quyền trên nhiều vùng ở Biển Đông

Theo Robert Kaplan, nhà nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Mỹ, từng dự báo cuộc chiến tranh thế giới thế kỷ 21 sẽ diễn ra trên biển.

Dự án con đường tơ lụa (MSR) trên biển sẽ đảm bảo các điều kiện hậu cần và an ninh cho việc vận chuyển hàng, đảm bảo nguồn cung dầu thô cho Trung Quốc.

Hệ thống cảng biển dọc MSR sẽ cho phép lực lượng hải quân Trung Quốc vượt ra khỏi những hạn chế địa lý của chuỗi đảo phía Tây Thái Bình Dương và áp lực quân sự từ chính sách tái cân bằng của Mỹ.

"Nó tạo “danh chính, ngôn thuận” và điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ra các vùng biển ngoài Trung Quốc, trước hết là khu vực Biển Đông, eo biển Malacca, từ Biển Đông vươn sang Ấn Độ Dương, giúp cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên biển và tăng cường hiện diện quân sự trên biển. Cái đích là Ấn Độ Dương – vì Trung Quốc muốn thành cường quốc toàn cầu, trước hết phải đặt chân vững chắc tại Ấn Độ Dương", Robert Kaplan phân tích.

Minh Châu ( Tổng hợp )

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI