Ấm áp tết xa quê

27/01/2022 - 16:41

PNO - Không được về quê ăn tết nhưng nhiều công nhân, người lao động (NLĐ) tại TPHCM vẫn cảm thấy ấm lòng nơi phương xa.

Xóm trọ đón tết

Tranh thủ ngày cuối tuần, bà Bùi Thị Bên (khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức) đã bày ra nào nếp, thịt heo, đậu xanh, lá dong… để gói bánh chưng, bánh tét tặng công nhân khu trọ của mình. Dậy từ rất sớm để chuẩn bị nguyên liệu, bà Bên vui vẻ: “Mọi năm, tôi chỉ tặng quà là nhu yếu phẩm cho các phòng trọ, nhưng năm nay do dịch bệnh, nhiều công nhân không về quê nên tôi tổ chức gói bánh, làm tất niên mời tất cả anh chị em xóm trọ cùng chung vui”.

Bà Bùi Thị Bên gói bánh chưng, bánh tét tặng công nhân
Bà Bùi Thị Bên gói bánh chưng, bánh tét tặng công nhân

Khu trọ của bà Bên có 33 phòng với hơn 50 công nhân, đa phần là người từ các địa phương khác đến thành phố mưu sinh. Buổi tất niên tuy đơn giản với những món ăn quen thuộc ngày tết như bánh chưng, thịt cá, dưa món… nhưng lại vô cùng ấm áp. Chị Linh (quê Quảng Ngãi) tâm sự: “Dịch bệnh khiến gia đình tôi vô cùng khó khăn vì mất việc, đang tính đường về quê thì được cô Bên giúp đỡ bằng cách giảm tiền phòng, tặng thức ăn, động viên gia đình cùng cố gắng… Nhờ vậy mà chúng tôi có thêm quyết tâm để vượt qua dịch”.

Khu nhà trọ tại hẻm 47 đường Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), chủ nhà trọ là ông Lê Tuấn Giảng (78 tuổi, thường được gọi là ông Tư) đang phân từng phần quà gồm gạo, mì, dầu ăn… gửi tặng từng phòng. Ông Tư tâm sự: “Đa số người dân thuê trọ đều từ khắp nơi đến thành phố mưu sinh. Nghèo khổ họ mới tha phương nên khi dịch bệnh, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm túng thiếu. Sắp tết rồi, tôi chuẩn bị ít quà gửi bà con mong góp thêm niềm vui nho nhỏ trong những ngày xuân”.

Ông Tư Giảng trò chuyện cùng công nhân xóm trọ
Ông Tư Giảng (trái) trò chuyện cùng công nhân xóm trọ

Ông Tư có 15 phòng trọ. Hồi tháng 7, khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, ông giảm 50% tiền phòng. Đến tháng 8 và 9 thì miễn phí toàn bộ tiền nhà. Thấy nhiều người vẫn chưa thể đi làm lại sau 4 tháng giãn cách thì ông chuyển sang tạng tiền cho bà con, mỗi gia đình 200.000 đồng tiền mặt, kèm thêm quà. 

Còn ông Đinh Văn Cường, chủ nhà trọ ở xã Tân An Hội (huyện Củ Chi) lại đang tất bật sơn sửa, nâng cấp lại các phòng trọ, sắm thêm chậu cúc, cành mai… trang trí để công nhân ở lại vui tết. “Năm nay, số công nhân ở lại khá đông. Tôi trang trí lại các phòng cho thêm sắc xuân để công nhân thêm hứng khởi dịp Tết” – ông Cường nói.

Tết xa, tình gần

Gần đây, nhiều người lao động tự do ở Sài Gòn mưu sinh bằng đủ nghề bán số, chạy xe ôm, giúp việc thuê… bất ngờ khi được mời đi ăn tất niên. Cô Châu (55 tuổi, giúp việc thuê) bộc bạch, khi được phát phiếu tham dự, cô vui quá vì lo bữa ăn từng ngày đã khó nên chẳng khi nào nghĩ đến ăn tiệc. Giờ được ngồi cùng các cô bác thân quen, được ăn bữa cơm ấm cúng ngày tết mà nghẹn ngào. “Quê tôi ở tận Bình Định, nhiều năm rồi không về quê. Nay được ăn bữa cơm có đủ thịt, cá… thưởng thức miếng dưa hấu đỏ ngọt lịm mới thấy tết thực sự là đây” – cô Châu nói.

Được biết, đây là chương trình “Bữa ăn ngày Tết - Ấm lòng người khó khăn” do Food Bank Việt Nam đồng hành tổ chức cùng dự án “Bếp yêu thương”. Dịp Tết Nguyên đán 2022, “Bếp yêu thương” chuẩn bị 1.000 suất ăn và 1.000 phần quà hỗ trợ cho người khó khăn, lao động xa quê, sinh viên... Mỗi người dân sẽ được phát phiếu dùng cơm và nhận một phần quà ngày tết. 

Công nhân làm đường hoa, làm mứt… để cùng đón Tết
Công nhân làm đường hoa, làm mứt… để cùng đón Tết

Cuối tuần qua, tại Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn – APT (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân), các công nhân được cùng tham gia gói bánh chưng, bánh tét; trang trí mâm ngũ quả; gắn những bông mai vàng rực lên cây để tạo đường hoa nội bộ ngay trong doanh nghiệp. Nhiều công nhân nghẹn ngào khi quây quần bên bếp lửa bập bùng để canh nồi bánh chưng, cảm giác như hương vị quê nhà đang ở thật gần. Chị Lê Thị Hương (38 tuổi, quê Hà Tĩnh) tâm sự: “Đây là năm thứ 2 tôi không về quê đón tết. Năm nay, đón tết xa quê nhưng tôi không buồn vì được công ty chăm lo chu đáo, được vui tết như trong chính ngôi nhà của mình”.

Vừa về đến nhà, anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân Công ty TNHH Wooyang Vina (quận 12) ngay lập tức đưa vợ con đến tham gia chương trình “Tết sum vầy” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM tổ chức. Anh tâm sự, dịch bệnh đã làm vợ anh mất việc. “Năm nay, gia đình tôi ở lại thành phố đón tết để tiết kiệm chi phí. Khi công ty thông báo chúng tôi tham gia “Tết sum vầy”, tôi vui lắm vì ngoài được chung vui tôi còn được nhận quà, lì xì…” – anh Hùng xúc động nói.

Với gần 1.000 người nhưng có tới 50% lao động năm nay không về quê, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh) cho biết, sẽ tăng kinh phí hỗ trợ thêm cho NLĐ ở lại cùng tiền thưởng tết. Mức hỗ trợ này ngang với mức giá vé tàu xe về quê đón tết. Đặc biệt, công ty sẽ tổ chức tiệc tất niên tại khu lưu trú cho công nhân lao động ở lại ăn tết vào đêm 29/1 với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, bốc thăm trúng thưởng. Riêng ngày đầu năm mới, Công đoàn cùng doanh nghiệp sẽ đến tận khu lưu trú thăm hỏi, chúc tết và tặng quà, động viên công nhân.

Tết này, nhiều người nghèo ở TPHCM còn được thăm khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí. Vừa qua, hơn 400 hộ dân khó khăn là người lớn tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo của các xã Phong Phú, Đa Phước thuộc huyện Bình Chánh cảm thấy ấm lòng khi được địa phương và các nhà hảo tâm quan tâm khám bệnh và phát thuốc miễn phí. 

Đón tết xa nhưng người lao động thấy ấm lòng bởi được nhiều đơn vị, tổ chức quan tâm, hỗ trợ. Mới đây, LĐLĐ TPHCM phối hợp cùng Saigon Co.op tổ chức chương trình “Phiên chợ Công nhân - Online” tặng 4.000 phần quà mỗi phần trị giá 400.000 đồng cho đoàn viên, NLĐ khó khăn của các quận huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố. 

Khảo sát từ các cấp Công đoàn trên địa bàn thành phố, đến thời điểm này có khoảng 420.000 công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp không về quê đón Tết. Trong đó, có hơn 98.000/270.000  làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM. Để công nhân ở lại đón tết đủ đầy, LĐLĐ TPHCM cùng các cấp Công đoàn và doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động như: chương trình “Tết Sum vầy”; “Phiên chợ công nhân online”; họp mặt 10.000 gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, không về quê đón Tết…

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho biết, kinh phí chăm lo tết năm nay hơn 900 tỷ đồng. Ngoài các hoạt động đền ơn đáp nghĩa với việc thăm chúc tết người có công, lão thành cách mạng… năm nay, TPHCM cũng tiếp tục lo tết cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

 

Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI