Tết của những người về từ vùng dịch

26/01/2022 - 15:03

PNO - Sau một năm bí bách vì dịch COVID-19, nhiều người ở TPHCM và các tỉnh phía Nam trở về quê sớm để đoàn tụ với gia đình và tận hưởng tết quê. Trong khi đó, một số người về quê tránh dịch từ cách đây nửa năm hiện đang gặp khó khăn về kinh tế, khó có được cái tết thoải mái, đủ đầy như mọi năm...

Về sớm để tự cách ly

Tại tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 20 tháng Chạp, số người làm ăn xa đã về quê ăn tết khá đông. Khoảng một tháng trước, rất nhiều người dự định sẽ không về quê do ngại phải cách ly. Hiện nay, do UBND tỉnh chỉ đạo không cách ly, không xét nghiệm người từ các tỉnh, thành về Quảng Ngãi nên người dân yên tâm về quê.

Mọi năm, khoảng ngày 26 tháng Chạp, anh Nguyễn Lân - quê ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, bán hủ tíu gõ ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương - mới về quê ăn tết. Năm nay, anh về quê sớm hơn gần mười ngày để có thời gian tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Anh tâm sự: “Sau bảy ngày, nếu sức khỏe ổn định, tôi mới đi thăm bà con, hàng xóm. Nếu về trễ như mọi năm, chưa đủ thời hạn tự theo dõi sức khỏe bảy ngày thì mình cũng không dám đến nhà ai và cũng không ai dám đến nhà mình. Hơn nữa, tôi cũng sợ dịch bệnh phức tạp trở lại, làm thay đổi các quy định phòng, chống dịch”.

Sợ lây nhiễm bệnh trong quá trình di chuyển nên lượng người từ TP.HCM đi tàu về miền Trung ăn tết năm nay giảm hẳn ẢNH: THUẬN HÓA
Sợ lây nhiễm bệnh trong quá trình di chuyển nên lượng người từ TPHCM đi tàu về miền Trung ăn tết năm nay giảm hẳn - Ảnh: Thuận Hóa

Hiện tất cả các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi đều bỏ quy định xét nghiệm đối với người về từ vùng dịch nhưng người về vẫn phải khai báo y tế. Tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, hiện giờ, trung bình mỗi ngày, có vài chục người đến đây khai báo y tế. Do người dân về quê sớm hơn nên bệnh xá đã bố trí cán bộ trực liên tục để đo thân nhiệt, tiếp nhận việc khai báo y tế của người dân.
Tại sân ga Huế, chiều những ngày cuối năm, không có cảnh nhộn nhịp đón người thân trở về như trước. Thay vào đó, những người về quê xếp hàng, lặng lẽ ra cổng ga, tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19 của chính quyền địa phương. Rời cổng nhà ga, bà con lặng lẽ vẫy tay chào những bạn đường đi chung toa tàu rồi đi thẳng ra xe taxi hoặc xe ôm “công nghệ” để về nhà chứ không túm tụm trên sân ga hay tụ tập uống cà phê ngay quán cây đa như mọi năm.
Ở ga Huế, có rất nhiều tấm bảng hướng dẫn phòng bệnh COVID-19, như yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và rửa tay sát khuẩn. Sau khi rửa tay bằng nước sát khuẩn, khách đi tàu sẽ được nhân viên hướng dẫn khai báo y tế. Nếu hành khách có biểu hiện nghi nhiễm bệnh, đội phản ứng nhanh ở ga sẽ xét nghiệm và có các biện pháp xử lý tiếp theo. Bà Ngô Thị Tuyết - Trạm trưởng Trạm Vận tải đường sắt Huế - cho biết do dịch nên số người về quê năm nay giảm hẳn so với mọi năm; nhiều trường hợp trả vé vào những ngày gần tết.
Ăn tết tiết kiệm, hạn chế giao lưu
Bà Nguyễn Thị Hoa - 56 tuổi, ở xã Tịnh Thiện, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi - buồn bã đứng bên mấy sào ruộng. Cách đây vài tháng, bà còn bán hàng rong ở TPHCM. Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, bà phải về quê tránh dịch khi trong túi đã cạn tiền. Tết này, bà và gia đình không biết xoay đâu ra tiền để sắm sửa, cúng kiếng ông bà, tổ tiên, phải bán đi mấy bao lúa trong nhà. 

Người tiêm đủ hai liều vắc-xin từ các tỉnh về Quảng Ngãi ăn tết không phải cách ly, xét nghiệm nhưng phải khai báo với cơ quan y tế địa phương
Người tiêm đủ hai liều vắc-xin từ các tỉnh về Quảng Ngãi ăn tết không phải cách ly, xét nghiệm nhưng phải khai báo với cơ quan y tế địa phương

Tương tự, anh Võ Duy Thuấn - 33 tuổi, ở xã Hành Phước, H.Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi - từng làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Sau khi về quê tránh dịch, anh chỉ ở nhà, phụ giúp công việc đồng áng cho cha mẹ. Dù công ty cũ gọi điện kêu đi làm lại nhưng anh không dám vào Bình Dương vì sợ nhiễm COVID-19. Thu nhập không có, anh Thuấn không mua sắm gì, dự định tết này chủ yếu ở nhà. Ăn tết xong, anh sẽ cân nhắc kỹ rồi mới quyết định có quay lại tỉnh Bình Dương hay không.
Những ngày này, anh Nguyễn Tuấn miệt mài đẩy xe rùa bán cát trắng và bộ đồ cúng làm bằng đất nung khắp chợ Cống, P.Xuân Phú, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Anh Tuấn kể, vợ chồng anh làm công nhân ở khu chế xuất Tân Bình, TPHCM được hơn mười năm. Ba tháng trước, anh Tuấn chạy xe máy đưa vợ cùng ba con về quê tránh dịch. Sau khi cách ly y tế, anh Tuấn làm phụ hồ, chạy xe Grab, tối bán bánh mì nhưng không đủ ăn cho cả nhà. 

“Mỗi ngày, mình bán được khoảng hai xe cát, kiếm được khoảng 200.000 đồng. Nhờ bán cát trắng nên tết này, mình cũng đưa cho vợ được 2 triệu đồng. Ra tết, mình phải vào lại Sài Gòn làm ăn. Dù sao, làm trong TPHCM cũng đủ ngày ba bữa, còn dư tiền chút đỉnh gửi về cho anh chị em nữa. Riêng tết này, phải tiết kiệm dữ lắm, chỉ mua sắm những thứ thật cần thiết, cũng không đi đây đi đó như mọi năm” - anh Tuấn chia sẻ.

Ngày giáp tết, anh Nguyễn Tuấn vẫn miệt mài bán cát ở chợ Cống - ẢNH: THUẬN HÓA
Ngày giáp tết, anh Nguyễn Tuấn vẫn miệt mài bán cát ở chợ Cống - Ảnh: Thuận Hóa

Khi trở về quê, ông Ngô Đối - 49 tuổi, quê ở xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế - vui mừng vì gia đình ông không bị cách ly y tế hay bị bà con kỳ thị. Ông tâm sự, khi TPHCM chưa có dịch COVID-19, năm nào về quê ăn tết, ông cũng có quà cho anh em, họ hàng. Riêng năm nay, anh chị em trong gia đình lại tặng quà tết cho gia đình ông, người thì vài đòn bánh tét, mớ rau, người thì vài cân cá, miếng thịt. Ông nêu dự tính: “Ăn tết xong, vợ chồng tui sẽ vào lại TPHCM, bởi lẽ Sài Gòn bây giờ là vùng xanh (an toàn về dịch COVID-19), trong khi số ca COVID-19 cộng đồng ở Huế ngày một tăng cao, nhiều gấp mấy lần TPHCM. Năm tới vô Sài Gòn mần ăn, tui cố gắng tích góp ít tiền, hy vọng cuối năm về quê tri ân bà con lối xóm đã giúp đỡ mình lúc ngặt nghèo”.

Trong đợt dịch thứ tư, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có trên 57.000 người trở về quê. Trong số đó, có trên 20.000 người khó khăn về kinh tế trong dịp tết Nhâm Dần này. Để hỗ trợ cho bà con, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam đã hỗ trợ cho 1.000 người lao động trở về từ các tỉnh, thành phía Nam với kinh phí 1 triệu đồng/người, đồng thời tư vấn sinh kế cho họ. 

Từ Q.Bình Tân, TP.HCM về quê (xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đón tết, gia đình ông Ngô Đối hài lòng vì chính quyền địa phương tạo điều kiện vui tết - ẢNH: THUẬN HÓA
Từ Q.Bình Tân, TPHCM về quê (xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đón tết, gia đình ông Ngô Đối hài lòng vì chính quyền địa phương tạo điều kiện vui tết - Ảnh: Thuận Hóa

Xử lý cán bộ địa phương “làm khó” người về quê

Ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - khẳng định sẽ xử lý nghiêm cán bộ địa phương nếu cản trở, sách nhiễu người từ các tỉnh, thành về quê đón tết: “Nếu thấy địa phương nào triển khai chống dịch không đúng, bà con cứ mạnh dạn phản ánh qua ứng dụng Hue-S để chúng tôi xác minh, xử lý”. Ông Hoàng Hải Minh cũng yêu cầu các đơn vị triển khai phương án vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về phòng, chống COVID-19, không để phát sinh các ổ dịch tại các đầu mối giao thông, đơn vị vận tải; thường xuyên kiểm tra các điều kiện an toàn vận tải, không để hành khách chậm về quê do phương tiện vận chuyển không đảm bảo; tăng cường ngăn chặn vận chuyển hàng cấm, hàng hóa có nguy cơ là nguồn phát sinh, lây lan dịch; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm trật tự, an ninh trong hoạt động vận tải tại khu vực bến tàu, bến xe, cảng hàng không...

Nỗi ám ảnh mang tên “cách ly”

Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Thế nhưng, một số người vẫn băn khoăn về quy định phòng, chống dịch ở quê nhà nên vẫn chưa quyết được có về hay không.

Lên Hà Giang xây dựng vùng kinh tế mới và cư trú hơn 40 năm nay, năm nào, gia đình bà Nguyễn Thị Hương - quê ở tỉnh Thái Bình - cũng đưa hết con cái, cháu chắt về Thái Bình ăn tết. Bà kể: “Mẹ tôi sinh được hai chị em gái. Năm nay, bà tròn 92 tuổi, đang ở với vợ chồng em gái tôi. Đi làm và lập nghiệp ở vùng đất khác nhưng năm nào, vợ chồng tôi cũng đưa con, cháu về quê, để được đón tết cùng mẹ”.

Gần một năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, vợ chồng bà Hương không có điều kiện về thăm quê. Bà hy vọng tết này sẽ được trở về ăn tết cùng mẹ, em gái và gia đình bên chồng. “Thế nhưng, cách đây ba ngày, đứa cháu con của em gái tôi có gọi điện, nhắc khéo rằng năm nay chúng tôi không nên về quê ăn tết vì như vậy, cả nhà sẽ bị cách ly. Vậy là vợ chồng tôi đành hủy kế hoạch về quê đón tết và cũng không biết đến khi nào mới được về” - bà Hương buồn bã.

Làm việc và sinh sống ở Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội, tết này, anh Nguyễn Xuân Việt cũng rất muốn về quê nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc cùng bố mẹ nhưng anh e ngại quy định “tự theo dõi sức khỏe tại nhà bảy ngày” đối với những người từ tỉnh khác về Vĩnh Phúc: “Tự theo dõi bảy ngày là đúng bằng số ngày được nghỉ tết. Nhưng tôi băn khoăn là, khi tôi tự theo dõi sức khỏe tại nhà thì bố mẹ, anh em, các cháu tôi có được ra ngoài hay không”.

Lập nghiệp ở TP.Hà Nội, gần hai năm nay, anh Nguyễn Văn Mạnh - quê ở tỉnh Hà Tĩnh - chưa về nhà. Năm ngoái, do có dịch, lại chưa được tiêm vắc-xin nên anh đành đón tết ở Hà Nội. Năm nay, vợ chồng anh được tiêm đủ ba mũi vắc-xin nên anh dự định sẽ về quê: “Dù Hà Tĩnh đã bỏ quy định bắt buộc cách ly bảy ngày đối với người trở về từ Hà Nội nhưng họ hàng, làng xóm tôi vẫn ngại tiếp xúc với những người trở về từ vùng dịch như Hà Nội nên tôi vô cùng khó xử. Muốn về thăm bố mẹ nhưng lại lo bố mẹ bị liên lụy, bị kỳ thị”.

Đại Minh

 Sơn Vinh -Thuận Hóa -Thanh Vạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI