"A Separation": Cuộc chia tay vĩ đại của đện ảnh Iran

16/05/2022 - 07:24

PNO - Mười năm trước, tác phẩm của đạo diễn Asghar Farhadi đã làm rạng danh điện ảnh Iran trong làng phim quốc tế bằng câu chuyện căng thẳng và đậm chất hiện thực xã hội.

Năm 2012 là kỷ niệm 10 năm A Separation được vinh danh ở Oscar. Hiếm tác phẩm nào trong thập niên qua nhận được sự tán dương nồng nhiệt từ cả cộng đồng phim ảnh như vậy. Bộ phim do Asghar Farhadi đạo diễn, biên kịch kiêm sản xuất đã thắng giải Gấu Vàng ở Liên hoan phim Berlin (Đức) trước khi chinh phục giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài. A Separation thậm chí là một cú hit phòng vé với doanh thu 24,4 triệu USD dù kinh phí chỉ 800.000 USD.

A Separation gói gọn bối cảnh chính trị, xã hội, tôn giáo phức tạp của Iran
A Separation gói gọn bối cảnh chính trị, xã hội, tôn giáo phức tạp của Iran

Niềm tự hào của điện ảnh Iran

A Separation minh chứng cho nỗ lực làm phim của người Iran trong hoàn cảnh khó khăn từ kiểm duyệt. Tác phẩm có cốt truyện đơn giản, hầu như gồm cảnh nội, không có các yếu tố giật gân hay phơi bày cơ thể con người. Thế nhưng, nó đã phơi bày hàng loạt khía cạnh phức tạp trong cuộc sống của người Iran, cũng như các vấn đề phổ quát về gia đình, tình người hay luật pháp.

Trong phim, Nader (Peyman Moaadi) và Simin (Leila Hatami) là đôi vợ chồng có tư tưởng tiến bộ, đã sống cùng nhau 14 năm và có cô con gái Termeh (Sarina Farhadi) đang độ tuổi học sinh. Simin chán ngán cuộc sống hiện tại và muốn cả gia đình rời Iran nhưng Nader muốn ở lại để chăm sóc người cha già mắc bệnh Alzheimer. Simin đệ đơn ly hôn nhưng tòa án chưa chấp thuận nên vợ chồng họ tạm ly thân.

Ngay từ khi ra mắt, A Separation đã nhận sự ủng hộ nồng nhiệt từ giới phê bình và làm phim. Tác phẩm nhận 99% đánh giá tích cực trên chuyên trang phê bình Rotten Tomatoes, cùng điểm 95 trên trang Metacritic. Đạo diễn Steven Spielberg đánh giá đây là bộ phim hay nhất năm, còn Woody Allen trực tiếp gọi điện cho Farhadi để chúc mừng. Trong cuộc bình chọn năm 2016 của BBC, A Separation thuộc nhóm mười phim hay nhất thế kỷ XXI

Nader thuê Razieh (Sareh Bayat), một phụ nữ mộ đạo, để chăm sóc cha mình. Bản thân Razieh cũng có một con nhỏ và ngày nào cũng phải đưa bé đi cùng vì không có người chăm sóc. Một ngày nọ, khi về nhà, Nader thấy cha anh nằm bất tỉnh còn mẹ con Razieh biến mất. Khi hai mẹ con nhà kia quay lại, Nader buộc tội họ ăn cắp và bỏ mặc ông cụ. Một cuộc động chạm nhỏ diễn ra giữa anh và Razieh.

Sau đó, Nader phát hiện Razieh đã sẩy thai. Chồng của Razieh là Hodjat (Shahab Hosseini) quyết kiện Nader ra tòa. Nader kiên quyết cho rằng mình không phạm tội và tác động của anh không đủ để người phụ nữ kia mất con. Vụ kiện tụng làm xáo trộn cuộc sống của cả hai gia đình, đào sâu thêm khoảng cách giữa vợ chồng Nader.

A Separation mô tả một xã hội Iran còn nhiều vấn đề. Tuy nhiên, phim không sa đà vào mô-típ kể khổ hoặc bi lụy để lấy nước mắt người xem. Đạo diễn Asghar Farhadi cũng tránh phong cách kể lể dài dòng, thiên về trình bày bằng lời. Thay vào đó, ông tạo ra một câu chuyện để các vấn đề tự trồi lên và tiếp cận khán giả.

Năm 2012 là kỷ niệm mười năm A Separation được vinh danh ở Oscar
Năm 2012 là kỷ niệm mười năm A Separation được vinh danh ở Oscar

Trên tiền đề của một vụ việc tưởng chừng đơn giản, nhà làm phim liên tiếp dùng kỹ thuật đan cài các tình thế khó xử. Nader đã sai khi đẩy Razieh nhưng dường như cú đẩy đó không phải là nguyên nhân gây sẩy thai. Bản thân người phụ nữ ấy cũng có lỗi vì biến mất khi đang chăm sóc người bệnh. Thế nhưng, nhìn vào ánh mắt của Razieh, có thể thấy cô là một phụ nữ tốt và hướng thiện. Vậy điều gì đã đẩy cô đến việc bỏ mặc một cụ già với đầu óc không còn tỉnh táo?

Rất nhiều tình thế phản ánh lựa chọn và thế giới quan của con người được cài cắm trong phim. Để nhanh chóng thoát khỏi vụ việc, Nader nói dối rằng mình không biết Razieh có thai. Đó là một sự lựa chọn nhằm đạt mục đích cần thiết nhưng lại vi phạm sự trung thực. Điều gì sẽ xảy ra nếu con gái anh biết được cha mình đang nói dối?

Chồng của Razieh thương vợ nhưng nóng nảy, cục tính. Khi sự việc bất lợi, anh ta đã khủng bố tinh thần con gái của Nader. Nếu Nader chịu chi một khoản tiền bồi thường, vụ việc sẽ được dàn xếp nhưng cũng đồng nghĩa với việc anh ta thừa nhận trách nhiệm. Giữa an nguy của con gái và lòng tự trọng bản thân, sự lựa chọn của Nader là gì?

Cái nhìn phiến diện mang đến sự chia ly

Mỗi cá nhân trong phim đều định hình sẵn một phiên bản của sự thật theo ý họ. Ở góc độ nào đó, tác phẩm cho thấy sự nguy hiểm khi con người chắp nối tình tiết và suy đoán theo chủ quan của mình. Bằng sự nhạy cảm của một phụ nữ lẫn một người vợ, Simin nhanh chóng đoán ra Nader nói dối khi anh phủ nhận biết người giúp việc mang thai. Nhưng, từ điều này, cô vội vàng kết luận chồng mình thật sự là thủ phạm vụ sẩy thai. Xung đột cá nhân của Simin với Nader đã ảnh hưởng đến phán đoán của cô và khiến mọi chuyện phức tạp hơn về sau.

Trong khi đó, người chồng của Razieh chỉ tin duy nhất phiên bản của câu chuyện rằng Nader là kẻ có tội, đến mức mù quáng; khiến anh ta đôi co với cả người hành pháp và dần đẩy gia đình mình đến bi kịch hơn nữa. Cái nghèo và thất nghiệp cũng là một phần khiến người đàn ông này khó suy xét kỹ càng hơn.

Tên phim A Separation không còn chỉ mang nghĩa Cuộc ly thân mà phải hiểu rộng ra là sự chia cắt, chia ly giữa con người với nhau
Tên phim A Separation không còn chỉ mang nghĩa Cuộc ly thân mà phải hiểu rộng ra là sự chia cắt, chia ly giữa con người với nhau

Theo tiến triển của mạch phim, khán giả dần nhận ra sự hủy hoại và chia ly trong gia đình. Đến lúc này, tên phim A Separation không còn chỉ mang nghĩa Cuộc ly thân mà phải hiểu rộng ra là sự chia cắt, chia ly giữa con người với nhau. Hố sâu giữa Nader với Simin ngày càng rộng còn gia đình Razieh cũng rạn nứt. Sự chia cắt còn nằm ở thế hệ phụ huynh và những đứa con đang dần bị bỏ rơi khi cha mẹ chúng đấu đá nhau.

Những tấm kính trong phim được đạo diễn sử dụng ở nhiều cảnh quay, như ẩn dụ cho sự xa cách giữa người với người. Họ vẫn có thể nhìn thấy người kia qua kính (biết được sự tồn tại của nhau) nhưng không thể chạm vào nhau (không thể hiểu nhau). Kết phim là một trường đoạn xé lòng mà Farhadi đã cố tình dùng thủ pháp giấu đi kết quả. Trên hành lang dài với dòng người qua lại, khán giả mãi không thể biết được sự lựa chọn của nhân vật nhưng ai cũng có thể cảm nhận nỗi đau dằn vặt từng người trong số họ.

A Separation gói gọn bối cảnh chính trị, xã hội, tôn giáo phức tạp của Iran. Điều kiện sống không đầy đủ, sự hà khắc của xã hội chính là “kẻ phản diện” trong phim chứ không phải những nhân vật con người. Hai gia đình trong phim đại diện cho hai tầng lớp của Iran. Gia đình Nader thuộc nhóm trung lưu thành thị khá giả, bắt đầu có tư tưởng hướng ngoại còn gia đình Razieh nghèo khó, sùng đạo và gắn chặt với các truyền thống quá khứ.

Cả hai bên đều có gánh nặng riêng và những rào cản trong cuộc sống. Đạo diễn đã chọn cách nhìn trung dung, không hề phê phán những truyền thống của Hồi giáo mà Razieh tôn sùng. Ông cũng không đưa ra cái nhìn đúng sai trong quan điểm của Simin (xuất ngoại) hay Nader (ở lại). Có lẽ, thông điệp chính của tác phẩm là đừng vội phán xét người khác bởi ai cũng có lý lẽ và góc nhìn của mình. 

Trailer A Separation:

 

Thành công lớn của bộ phim nằm ở chỗ nó không chỉ trình bày các vấn đề của Iran mà mang tính phổ quát cao về đạo đức, bản chất con người cũng như sự thiếu toàn vẹn trong phán đoán. Góc nhìn về luật pháp cũng là một ý tưởng khá thú vị trong A Separation. Trong suốt 123 phút phim, luật pháp đã vận hành theo đúng cách nó cần và nên được vận hành. Viên thẩm phán xuất hiện ở nhiều cảnh phim, làm đủ các quy trình và không thiên lệch bên nào. Tuy nhiên, luật pháp dường như chưa đủ để thấu hiểu những cảm xúc và tình huống phức tạp của con người. Ở cảnh kết, nó rơi vào tứ mà Farhadi đã cố tình để ngỏ nhằm khiến người xem phải suy ngẫm hồi lâu sau đó. 

Ân Nguyễn

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI