7 triệu trẻ không đến trường, lớp học có đến 140 học sinh, Sudan đối mặt với "thảm họa thế hệ"

06/10/2022 - 11:30

PNO - Lũ lụt và nạn đói đã khiến cho 1/3 trẻ em Sudan không được đến trường, trong khi phần còn lại được đi học thì có quá ít giáo viên.

 

Trẻ em trong một khu chợ ở thủ đô Khartoum của Sudan. Cái đói đã khiến nhiều trẻ em phải nghỉ học, trong khi nhiều em vẫn còn trong lớp không biết đọc. Ảnh: Mohamed Nureldin Abdallah / Reuters
Trẻ em trong một khu chợ ở thủ đô Khartoum của Sudan. Cái đói đã khiến nhiều trẻ em phải nghỉ học, trong khi nhiều em đi học nhưng không biết đọc - Ảnh: Mohamed Nureldin Abdallah/Reuters

Các tổ chức từ thiện cảnh báo rằng gần như mọi trẻ em trong độ tuổi đi học ở Sudan đều không được học hành hoặc đang đối mặt với tình trạng việc học bị gián đoạn nghiêm trọng. Theo các báo cáo từ Liên Hợp Quốc, các trường học ở một số bang đã mở cửa trở lại trong tuần này sau khi lũ lụt hoành hành nghiêm trọng nhưng hàng triệu trẻ em vẫn chưa thể đến trường, khiến đất nước phải đối mặt với một "thảm họa thế hệ".

Nghèo đói, thiếu giáo viên có trình độ hoặc giáo viên đình công và hậu quả của đại dịch COVID-19 là một trong nhiều yếu tố góp phần vào cuộc khủng hoảng này.

Bộ Giáo dục Sudan cho biết, lũ lụt và các cuộc tấn công của dân quân đã phá hủy hơn 600 trường học trong suốt tháng 8 và tháng 9. Trường học giờ chỉ là ngôi nhà trơ khung thiếu đồ đạc, nước sinh hoạt hoặc nhà vệ sinh.

Theo một tuyên bố chung của UNICEF ​​và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, gần 7 triệu trẻ em Sudan trong độ tuổi từ 6 đến 18 - hoặc 1/3 trẻ em trong độ tuổi đi học - không được đến trường.

Tuyên bố cho biết việc giáo dục của 12 triệu trẻ em sẽ bị gián đoạn nặng nề do thiếu giáo viên, cơ sở hạ tầng và môi trường học tập thuận lợi để các em phát huy hết tiềm năng của mình.

"Hầu hết những em đang học trong lớp đều bị tụt hậu trong học tập". Theo UNICEF, 70% học sinh 10 tuổi không thể đọc một câu đơn giản".

Một phần ba trẻ em trong độ tuổi đi học hiện không đi học. Ảnh: Ashraf Shazly / AFP / Getty
Một phần ba trẻ em trong độ tuổi đi học hiện không đi học - Ảnh: Ashraf Shazly/AFP/Getty

Owen Watkins, giám đốc truyền thông của UNICEF ​​Sudan cho biết: “Đó là một thảm họa mang tính thế hệ. Trẻ em luôn là tương lai của đất nước. Đầu tư vào họ là điều nên làm - và họ sẽ đóng góp rất lớn vào GDP trong tương lai của đất nước".

“Trẻ em đến trường không chỉ học toán, đọc và viết. Họ cũng học các kỹ năng xã hội... trong một môi trường được bảo vệ", ông nói thêm.

Ahmed el-Safi, một giáo viên và là cựu hiệu trưởng một trường học ở Um-Oshar, ngoại ô phía nam Khartoum, cho biết trên con phố ông ở có 20 ngôi nhà, mỗi hộ có từ 3 đến 4 trẻ em không đi học. “Đơn giản là chúng không thể đến trường trong khi chúng đói", ông nói.

“Mặc dù đã từng là giáo viên và hiệu trưởng một trường học nhưng tôi phát hiện ra rằng con trai mình từng nghỉ học để đi bán vé tại một rạp chiếu phim ở Omdurman. Khi tôi hỏi, nó nói với tôi rằng không thể đi học trong khi thiếu một số thứ cần thiết trong cuộc sống. Bạn biết rằng họ trả lương cho chúng tôi rất ít, và là giáo viên, chúng tôi không thể cho con mình ăn học đúng cách", ông nói.

Mahmoud Ishag, 55 tuổi, một giáo viên cho biết: "Ngay cả những em đến trường cũng không học được gì vì lớp học quá đông, có khi lên tới 140 em. Làm thế nào để một giáo viên có thể thực hiện công việc của mình trong môi trường đó?".

“Tất cả các phòng học đều bị sập trong lũ, ngay cả nhà của chúng tôi cũng bị sập; bây giờ chúng tôi đang ở trong lều. Cả làng đều chuyển nghề. Học sinh trở thành người bán hàng ở chợ và các giáo viên cũng vậy. Bây giờ tôi bán hành ngoài chợ thay vì dạy học", ông nói.

Thảo Nguyễn (theo AP, Guardian)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI