50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân: Nhắc chuyện cũ để thương mình, thương người

08/01/2018 - 13:28

PNO - Muối mặn nên dành cho lòng người, thôi đừng chà xát thương đau và nói như người dân làng Phú Xuân, rằng, thôi, cứ đến ngày giỗ thì cả làng giỗ chung, thắp nhang để nhớ chuyện cũ để thương mình, thương người, chứ có chi mô…

Nửa thế kỷ gay gắt đã gột rửa thuốc súng lẫn nước mắt, để trên cánh đồng thời gian mọc lên một bông hoa mang tên nỗi nhớ. Men theo dòng địa chỉ dẫn về hòa bình, nỗi nhớ không có chút mặc cả, quy đòi phải trái, công trạng, mà chỉ là niềm rưng rưng quá khứ của lòng dân sâu thẳm, cầu mong đời hãy sống vị tha và trân quý hơn với bình yên hôm nay, biết dừng lại ở chỗ cần dừng, bởi cái giá của hy sinh quá lớn. Chuyện kể về Mậu Thân 1968 của họ, từ vị cựu đại sứ ở Chi Lê đến nữ biệt động thành; trên bàn ngoại giao hay đường phố Sài Gòn chập chờn sáng tối đến đêm Huế sương phủ…

“Dạ, tôi đây”. Giọng Huế 47 năm ở đất Sài Gòn vẫn nguyên một màu như mưa rớt cổ thành, khiến chủ nhân dáng người nhỏ thó như càng thêm co rút lại. Tôi ngó căn nhà chiều dài chừng 4m, còn chiều ngang chỉ hơn hai sải chân, ngổn ngang đồ đạc, buột miệng: “Nhà cửa thế này, cô ngủ ở đâu?”. “Đây”. Chỗ tôi đang đứng nép vào bức tường ngăn với gian bếp. “Trải tấm nệm lên đó, mùa mô cũng rứa. Trước tôi có đất nhưng bán rồi. Đây là nhà tình thương, nhưng không được cấp sổ đỏ…”. 

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: Nhac chuyen cu de thuong minh, thuong nguoi
Bà Trương Thị Huệ, cựu chiến binh tham gia trận Mậu Thân 1968

Bà tên là Trương Thị Huệ, cựu chiến binh ở đường Tư Lập, P.4, Q. Tân Bình. “Tôi là Hẻo, nhưng lúc đi du kích, hoạt động bí mật, đổi là Huệ. Hồi Mậu Thân 68, anh em đứa nào thoát được, muốn khỏi lộ, phải đổi tên, không thì nguy lắm. Mà nè, chú hỏi làm chi, tôi không muốn nhớ đâu, buồn lắm”.

Tôi đếm ba lần bà nói như thể vừa day dứt, vừa buông bỏ, dùng dằng muốn tiếp, muốn  dừng, cố quên đi, chối từ để vùng im lặng mãi mãi được phủ bụi thời gian; vừa như muốn khe khẽ giở lại, nhìn ngó những sôi động đã lắng xuống.

Huế Mậu Thân 1968. Súng nổ khắp nơi. Lúc đó bà 23 tuổi. Thôn Đông Lộc, xã Phú  Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế là vùng cộng sản “rặt”, thanh niên nam nữ, không thoát ly ra vùng giải phóng thì cũng vào du kích. “Đi hết. Ba tôi, Pháp đốt nhà, đốt cháy luôn ông già, tôi ở với bác ruột, lên 11 tuổi thì mẹ tôi mất. Thanh niên làng tôi đi chiến dịch hết, mình ở nhà nóng ruột lắm”. 

Tôi đọc sử, thấy các nhà phân tích, các sử gia hay luận quan điểm, không sai, nhưng ít có ai đặt ra tình huống, mổ xẻ tâm trạng có thật của con người bình thường, khi hằng ngày họ thấy máu chảy đầu rơi, muốn sống yên cũng đâu có được, nên họ phải cầm súng với ý nghĩ đơn giản là thèm khát tự do.

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: Nhac chuyen cu de thuong minh, thuong nguoi
Nữ biệt động Sài Gòn - Gia Ðịnh Nguyễn Thị Mai (giữa) xúc động khi cùng đoàn Hội LHPN TP.HCM đến thăm Trụ sở Bộ Chỉ huy tiền phương phân khu 6, (nơi phát lệnh cho các trận đánh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968) căn nhà bí mật này có tên Phở Bình, số 7 Yên Ðỗ ngày xưa, nay là đường Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM

Và với cô gái nông thôn ban ngày đi làm đồng, ban đêm cầm súng đánh giặc như bà Huệ, chỉ ước góp với cách mạng một chút sức mình, ước một ngày được ngồi gội đầu ở góc sàn nước nơi mé sân bình yên mà không lo pháo chụp trên đầu. “Ừ, các anh các chú nói đi du kích để ngày độc lập đến sớm, chứ tình hình là lúc nớ Mỹ thua hung rồi”.

Vậy đó, và ra trận. Như bao cô gái Huế khác khi kinh thành lửa cháy, bà mang theo chiếc võng cáng thương. “Gánh ban đêm, đi miết, thương binh, tử sĩ là bộ đội, anh em du kích đánh nhau ở thành nội và vùng lân cận. Lúc đó mặt trận chia ra, chuyển thương theo địa bàn chứ không chạy lung tung. Từ thành phố chuyển về huyện, phần của xã nào thì xã đó chịu trách nhiệm, chứ lúc nớ chạy tán loạn khắp nơi.

Ui trời, nhiều lắm chú ơi, nhiều không kể hết, mà làm răng tôi nhớ được đã đi bao nhiêu đêm, khiêng bao nhiêu người. Bộ đội, du kích, dân thường chết nhiều quá  chừng, tôi còn nhớ như in biết bao xác chết trôi trên sông Hương…”. 

Bà bật khóc: “Nhiều đêm ngủ, nhớ thương bộ đội ghê gớm. Tôi đi chiến dịch với họ, ở tuyến sau để cáng thương. Hầu hết anh em ngoài Bắc vào, trẻ măng. Có người mới chiều còn nói là vô Huế, ước chẳng đánh nhau để đi ngắm kinh thành, thì tối họ đã chết. Tôi thương lắm, họ gan lỳ, dũng cảm. Tụi tôi suốt ngày đêm cứ chạy trong giao thông hào, không đánh nhau thì cáng thương, nấu cơm cháo cho thương binh.

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: Nhac chuyen cu de thuong minh, thuong nguoi
Một nữ bộ đội Bắc Việt trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 tại miền Nam Việt Nam. Ảnh chụp 1/1/1968

Bao nhiêu người lúc cáng lên còn nói được vài câu, đi một đoạn thấy im lặng, thì ra họ chết lúc nào không biết. Nhớ lại, cực khổ kinh khủng, ở ngay quê mình mà có tuần đến ba - bốn ngày ăn cám rang, uống bụm nước ngoài ruộng, nhưng nghĩ không buồn đau bằng bộ đội, họ chết quá nhiều, chẳng biết quê họ ở mô…”.

Nhịp kể đứt đoạn trong nấc nghẹn mấy lần. Bà chối từ liên tục, rằng “thôi, tôi không cần, không kể công làm chi nữa, tôi còn sống đây là hạt gạo trên sàn rồi, chứ anh em lúc đó chết hết, anh ruột tôi cũng chết”.

Xong chiến dịch, giặc truy quét dữ quá, bà  phải vô chùa giả làm sư cô rồi lánh nạn ở Đà Lạt, sau năm 1975 tham gia bộ đội chủ lực, đi lính sáu năm rồi nghỉ. Giấc mơ độc lập đã đến và để có ngày đó, đất nước đã đi qua một chương đẫm máu. Cái giá của hòa bình không đong đếm nổi.

“Tôi sống được là may mắn, nên khi chính quyền nói tôi về quê làm giấy tờ để hưởng chế độ, tôi lắc đầu, giấy tờ mất hết rồi, mà thôi tôi không cần nữa, ngay cả người mà bác tôi chấm chọn có thể làm chồng tôi, cũng hy sinh năm nớ… Giờ tôi có gia đình, con cháu, có cơm ăn là quý rồi, không đòi hỏi, không kể công, nhà cửa chật chội cũng kệ”. Quãng lặng đến rất nhanh trong cái xua tay liên tục của bà. 

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: Nhac chuyen cu de thuong minh, thuong nguoi
Quân giải phóng trên đường tiến vào Huế trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Mậu Thân 1968 ở Huế là trang sử khó quên trên chặng đường tìm đến độc lập, tự do của dân tộc. Và như bà Huệ đó, đi vào khói lửa, tuổi thanh xuân gánh máu trên người, băng trong lửa đạn, chết chóc, mất mát, giờ đi qua khỏi chinh chiến điêu tàn đã 50 năm, ngó lại mọi thứ, thấy thân mình còn đó là quý, không cần gì hết, bởi muôn đời, dân chỉ thèm tự do và độc lập chứ có bao giờ kể công đâu.

Cái họ cần là một giấc ngủ bình yên, một ngày cần mẫn áo cơm mà không bị tước đoạt, đọa đày. Khái niệm tự do với họ, chỉ là vậy, nhưng đó là lời phán quyết chung thẩm muôn đời cho bất kỳ nhà cầm quyền nào. 

Tôi đã về quê bà, đi dưới hàng tre xanh ngắt mà hai bên lối đi, sau lưng những ngôi nhà may mắn vừa rồi lũ không ngập to như mấy năm trước, là những trảng cát dài hút mắt.

Ông Trương Văn Lô, bí thư chi bộ thôn Đông Lộc nhớ lại, hồi đó làng này là làng kháng chiến, Đông Lộc bây giờ đổi thành Lộc Sơn, 180 hộ dân mà có đến 30 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Rú cát, đầm lầy, là nơi lý tưởng cho hoạt động bí mật, nên vùng này là nơi đóng đô của lãnh đạo tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực.

Ông Trương Văn Đăng, anh con bác ruột của bà Huệ, cả vợ của ông Đăng là bà Phan Thị Hà, vợ chồng họ hiện ở khu Kiểm Huệ trên thành phố Huế, là bộ đội chủ lực cũng đánh nhau dữ dằn lúc đó, chuyện về Huế thuở đau thương ấy, qua lời họ, rốt cuộc, là họ chẳng trách giận ai, chỉ ngậm ngùi: “Chiến tranh nó vậy anh à. Có đánh nhau, có giết chóc, nhưng nghĩ cho cùng, có ai muốn vậy đâu, tình thế nó vậy, nghĩ lại thương lắm, thương bộ đội, du kích, bà con kẻ lạ người quen, thương cả anh em phía bên kia, họ đã chết, cha mẹ gia đình họ mất người thân. Lỗi tại chiến tranh, ai cũng muốn sống chứ dại gì mà đun đầu vào chỗ chết”. 

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: Nhac chuyen cu de thuong minh, thuong nguoi

Tôi vẫn tin rằng, tâm tình sâu thẳm và vĩnh hằng nhất đi ra từ gan ruột của những người trực tiếp cầm súng để giành chiến thắng, chính là nỗi buồn, một nỗi buồn mà nhà văn Bảo Ninh đã viết thay cho một lời tự sự gan ruột của một thời, một lớp người thành một tác phẩm để đời, nên nó sẽ vang động mãi với thời gian, như một lời nhắc hãy đừng nghĩ, đừng rắp tâm nuôi mầm mống chém giết, hận thù. “Thì đó - bà Hà lên tiếng - tôi có anh ruột cũng là du kích chết năm đó. Lứa thanh niên “xổi xổi” như con Hẻo thời đó, đứa mô đi du kích mà sống được là phước, tôi đây may cũng thoát, tôi ở thôn Ba Lăng kế bên, cùng xã mà, mỗi đêm gánh, khiêng thương đi 6-8km, ròng rã như rứa. Nghĩ lại, buồn lắm, có ai muốn chiến tranh mô!”. 

Ông Đăng đã 85 tuổi, bị teo não, trí nhớ chập chờn, nghe vợ nói vậy, ngước nhìn bà gật đầu. “Tôi kể anh nghe chi tiết ni, hồi nớ tôi làm trưởng ban quân lực của tiểu đoàn, ông Vạn tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho tôi không cho ai được đụng đến hàng binh. Họ có lỗi vì cầm súng theo giặc, nhưng chiến tranh mà, họ đâu có muốn rứa. Đây là điều may mắn trong chiến tranh, lâu lâu nhớ lại, tôi cảm phục ông Vạn vô cùng”. 

Tôi đi giữa cát trắng xám lạnh của mùa đông xứ Huế, nhớ lời ông Đăng, lòng ấm lên một chút. Giữa bao nhiêu lời lẽ của người trong cuộc lẫn ngoài về cuộc chiến đã qua, hành động nhân văn của ông tiểu đoàn trưởng nào đó lọt thỏm, mất hút, chỉ có những người lính bên kia lúc đó, nếu ai biết được, hẳn sẽ thầm cảm ơn, bởi họ còn kịp thấy mặt trời bình yên sau đó trổ hoa trên máu và nước mắt. Lời ông Đăng còn với theo khi tôi đứng lên cáo từ: “Mấy lần tôi kêu về lại quê sống, nhưng con Hẻo nói với tôi, là thôi eng, em không về mô, máu mình đã đổ, có chi mô, thôi coi như quên đi”.

Tôi  nhớ lúc chào bà Huệ ra về, bà còn kể: “Hồi nớ, thuốc, băng bông mô có, bộ đội bị thương, tụi tôi phải lấy muối đắp vết thương”. 50 năm Mậu Thân, hoa đã mọc trên đá, trên xác người, trên thép gai như lời  khẩn cầu, khát khao kêu đòi tự do và hòa bình trong tranh Bửu Chỉ một thời. Muối mặn nên dành cho lòng người, thôi đừng chà xát thương đau và nói như người dân làng Phú Xuân, rằng, thôi, cứ đến ngày giỗ thì cả làng giỗ chung, thắp nhang để nhớ chuyện cũ để thương mình, thương người, chứ có chi mô… 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI