2019 - Năm nữ giới tự chủ, nỗ lực vì chính mình

08/01/2019 - 06:00

PNO - 2019 tiếp nối năm 2018 - vốn được gọi là “Năm của phụ nữ” với tinh thần phụ nữ dấn thân, sẵn sàng đối diện với thách thức từ giá trị mình lựa chọn.

2019 - Nam nu gioi tu chu, no luc vi chinh minh

Phụ nữ Ấn Độ cùng nhau tạo nên “bức tường lịch sử”

Ngày đầu năm, Rakhee Madhavan (39 tuổi), một giáo viên sống ở Kochi, thuộc bang Kerala (Ấn Độ), quyết định phải làm điều gì đó thật ý nghĩa. Cô đã có mặt trong đoàn người dài hàng trăm cây số, tạo nên “bức tường nữ giới” - minh chứng cho ý chí nữ giới trong năm 2019 - dám đương đầu và quyết không khuất phục.

Sự kiện thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế, hứa hẹn nhiều cuộc đấu tranh chống lại những định kiến về giới, không chỉ tại Ấn Độ. Đền Sabarimala (bang Kerala) của đạo Hindu là tâm điểm tranh cãi kéo dài giữa các tín đồ và nhà chức trách Ấn Độ kể từ tháng 9/2018, khi Tòa án Tối cao bang Kerala bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ từ 10-50 tuổi vào ngôi đền này. Theo tờ India Express, lệnh cấm tồn tại từ năm 1991 đã gieo vào suy nghĩ của nhiều thế hệ rằng, phụ nữ tượng trưng cho sự dơ bẩn, không xứng đáng tiếp nhận những điều ý nghĩa, linh thiêng.

Những ngày đầu năm 2019, khi thông tin một vài phụ nữ đầu tiên bước vào đền Sabarimala xuất hiện trên truyền thông là lúc những đám đông nam giới phẫn nộ tràn xuống đường phố Đông Nam Ấn Độ, phản đối việc bãi bỏ lệnh cấm. Những cuộc bạo loạn đã xảy ra với thương vong tính đến cuối tuần qua là 1 người chết, gần 300 người bị thương. Nhưng phụ nữ Ấn không bỏ cuộc. Họ hiểu nếu không tận dụng cơ hội này, chẳng ai có thể giúp họ giành lấy quyền cho chính mình. “Bức tường nữ giới” dài hơn 600km, ước tính có khoảng 3,5-5 triệu phụ nữ đứng bên nhau, thể hiện sự đồng lòng, quyết bảo vệ những quyền mà họ đã bị tước đoạt từ bấy lâu, vì vô vàn niềm tin vô lý dựng nên từ quan điểm kỳ thị giới tính.

2019 - Nam nu gioi tu chu, no luc vi chinh minh

Bà Nancy Pelosi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong khung cảnh ấn tượng, đầy ý nghĩa

Ở một nơi khác, trong ngày 3/1, 102 gương mặt nữ giới xuất hiện tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ khóa 116. Hình ảnh của những nữ nghị sĩ với tinh thần hào hứng, tràn đầy năng lượng tích cực, đánh dấu một cột mốc quan trọng với người dân Mỹ, đặc biệt là với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ilhan Omar là nghị sĩ đầu tiên mặc trang phục hijab có mặt ở Quốc hội Mỹ. Nữ nghị sĩ đảng Dân chủ - Nancy Pelosi được những đứa trẻ con của các nghị sĩ đảng Dân chủ khác vây quanh khi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Hình ảnh đầy ý nghĩa, gửi đi thông điệp rằng, nữ nghị sĩ là những người mẹ hoặc những người từng phải đối diện với kỳ thị giới, nay dũng cảm đứng ra lãnh sứ mệnh thay đổi cho chính họ và cho thế hệ tương lai.

Tờ Guardian nhắc đến Ayanna Pressley - Hạ nghị sĩ gốc Phi đầu tiên từ Massachusetts; Rashida Tlaib và Ilhan Omar là nghị sĩ Hồi giáo đầu tiên; Alexandria Ocasio-Cortez là phụ nữ trẻ nhất được bầu vào Quốc hội Mỹ với xuất thân là nhân viên pha chế quầy bar; Sharice Davids và Deb Haaland là những nữ nghị sĩ đầu tiên thuộc dân tộc bản địa của châu Mỹ hay Abby Finkenauer là nữ nghị sĩ đầu tiên của bang Iowa; cùng rất nhiều gương mặt nữ giới khác… Họ đã tạo nên hình ảnh Quốc hội Mỹ sống động chưa từng có.

2019 - Nam nu gioi tu chu, no luc vi chinh minh
 
2019 - Nam nu gioi tu chu, no luc vi chinh minh
 

Cũng trong không khí ngập tràn tín hiệu tích cực cho những gương mặt nữ chính trị gia, ngày đầu năm còn là cột mốc của bà Elizabeth Warren - một người theo lập trường tự do, đối đầu với giới tài chính Wall Street và thường tranh cãi với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bà Warren đã thành lập một ủy ban thăm dò, cho phép bà bắt đầu quyên tiền để cạnh tranh trong cuộc đua dự kiến sẽ rất khốc liệt trong riêng đảng Dân Chủ, trước khi đưa ra quyết định chính thức có ra tranh cử tổng thống vào tháng 11/2020 hay không. Elizabeth Warren không khoan nhượng trong lời lẽ và cả chính sách. Bà thẳng thừng gọi tên ung nhọt mà bà muốn triệt tiêu chính là vấn nạn tham nhũng. Bà gọi đó là: “Cuộc chiến của tôi, cuộc chiến của chúng ta”.

Ngược về quá khứ, cuộc vận động lịch sử kéo dài hơn 70 năm (1848-1920) cho quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ đã đi đến cái kết có hậu. Thế giới sẽ không bao giờ quên lời khẳng định đanh thép của bà Susan B. Anthony (một trong những gương mặt “linh hồn” của cuộc vận động này): “Không người đàn ông nào đủ tư cách cai trị bất kỳ người phụ nữ nào mà không được cô ta cho phép”. Khi phụ nữ muốn thay đổi, họ phải đứng lên thay vì mong chờ ai đó trao cho mình lợi thế.

2019 tiếp nối năm 2018 - vốn được gọi là “Năm của phụ nữ” với tinh thần phụ nữ dấn thân, sẵn sàng đối diện với thách thức từ giá trị mình lựa chọn. Guardian là một trong những tờ báo ủng hộ mạnh mẽ nữ quyền với mục tiêu gây quỹ 1 triệu USD trong năm 2019, nhằm thực hiện những dự án bảo về quyền lợi và nâng cao tiếng nói nữ giới.

Người thật, việc thật, những câu chuyện truyền cảm hứng, động lực chính là cách phụ nữ khắp nơi xốc dậy tinh thần, góp sức hướng đến một xã hội bình quyền. Quyền bình đẳng mà phụ nữ đấu tranh thực ra không chỉ cho chính họ mà cho cả nam giới, dù ít ai để ý. Chính sự kỳ thị giới đã buộc bao người đàn ông phải sống không cảm xúc, phải gồng lên chứng tỏ mạnh mẽ chỉ vì là đàn ông. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI