15 ngày “đóng cửa” để thành phố bình yên lâu dài

09/07/2021 - 07:30

PNO - Tháng 4/2020, TPHCM từng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng đợt giãn cách năm nay dự báo sẽ căng thẳng hơn rất nhiều...

Tháng 4/2020, TPHCM từng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng đợt giãn cách năm nay (bắt đầu từ ngày 9/7) dự báo sẽ căng thẳng hơn rất nhiều do số ca nhiễm COVID-19 quá cao so với năm ngoái. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không tận dụng được thời gian giãn cách để có các biện pháp chống dịch hiệu quả thì tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục phức tạp. 

Chịu thiệt nửa tháng vì mình và mọi người

Là chủ một quán bán đồ giải khát trên đường Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, chị N.T.T. quyết định đóng cửa quán, ngưng bán. Từ ngày 31/5, khi TPHCM giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, chị vẫn lụi hụi mỗi đêm làm bánh, bán đồ uống online, bán cà phê mang đi để bù đắp chi phí thuê mặt bằng hơn 15 triệu đồng/tháng. Những chiếc xe hụ còi chở người mắc COVID-19 chạy ngang quán khiến chị ám ảnh thâu đêm. Chị nói: “Nghỉ bán 15 ngày cũng thiệt hại nhiều, nhưng đành chịu vậy. Chúng tôi chấp nhận ở nhà, cửa đóng then cài để chống dịch hiệu quả”. 

Nhiều nhân viên y tế ở TP.HCM phải xa gia đình, xa con thơ cả tháng trời để tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Hơn ai hết, họ trông mong dịch sớm kết thúc để đoàn tụ với gia đình ẢNH: LAN ANH
Nhiều nhân viên y tế ở TPHCM phải xa gia đình, xa con thơ cả tháng trời để tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Hơn ai hết, họ trông mong dịch sớm kết thúc để đoàn tụ với gia đình - Ảnh: Lan Anh

Anh L.H.H. - nhân viên y tế tại một bệnh viện lớn của TPHCM - cho biết, anh ủng hộ việc áp dụng Chỉ thị 16 và thật sự mong việc giãn cách được thực hiện nghiêm: “Dân thành phố mình đông, có nhu cầu và thói quen đi lại nhiều nên dịch khó lắng xuống lắm. Chỉ có cách mỗi người ráng một chút, chịu khó ở trong nhà mình, vì nếu chỉ phong tỏa theo từng phường hay khu phố như vừa qua là chưa đủ để chặn dịch”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho rằng, trong 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch, hạn chế tối đa việc ra ngoài. Đặc biệt, người trẻ tuổi cần hiểu rằng, đây là lúc phải bảo vệ người có nhiều nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19 như người già, người mắc các bệnh ung thư, tim mạch, suy thận, tăng huyết áp, tiểu đường… 

Phải giảm tải cho hệ thống y tế

Từ Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương, bác sĩ L. cho biết, anh và các đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ trong đợt đầu tiên; sau 21 ngày, sẽ được nghỉ ngơi, cách ly ít nhất 21 ngày trước khi tiếp tục làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, hiện nay, y, bác sĩ đã dốc gần như toàn bộ sức lực cho các chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng nên sắp tới, vấn đề nhân lực là rất đáng lo. 

Những khu vực có nhiều ca nhiễm COVID-19, các hoạt động buôn bán phải tạm dừng để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch - Ảnh: Tam Nguyên
Những khu vực có nhiều ca nhiễm COVID-19, các hoạt động buôn bán phải tạm dừng để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch - Ảnh: Tam Nguyên

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu City of Hope, Hoa Kỳ) nhận định, việc xét nghiệm trên diện rộng nhằm “bắt” cho bằng được virus SARS-CoV-2 là ý tưởng hay nhưng rất khó thực hiện. Trên thế giới, có rất ít quốc gia thực hiện việc này. Việc lấy mẫu trên diện càng rộng thì càng khiến lực lượng nhân viên y tế phải gánh chịu thêm nhiều áp lực. Vì vậy, để tránh quá tải hệ thống y tế, việc xét nghiệm chỉ nên áp dụng cho những người có biểu hiện bệnh, những người tiếp xúc trực tiếp với F0 (nói chuyện ở khoảng cách gần, không đeo khẩu trang), nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân. 

Trong thời gian qua, hệ thống y tế tại TPHCM liên tục mở rộng số giường điều trị. Chỉ sau một tuần, Sở Y tế đã phải nâng công suất giường điều trị COVID-19 từ 5.000 lên 10.000, sau đó một tuần lại lên 15.000 và hiện đang có kế hoạch mở rộng lên 20.000 giường. TPHCM cũng sẽ mở rộng các khu cách ly tập trung để đạt công suất 50.000 giường, cách ly tập trung F1 trong 14 ngày và theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo. Số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tại TPHCM tính đến ngày 8/7 là hơn 8.400 người. 

Hệ thống điều trị COVID-19 tại TPHCM được phân ra ba cấp theo mô hình tháp ba tầng của Bộ Y tế: cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị COVID-19 ở bốn cửa ngõ thành phố) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện tuyến trung tâm thành phố).

Để kịp bổ sung nhân lực cho điều trị, TPHCM đã đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ 1.000 bác sĩ (trong đó có 100 bác sĩ chuyên về hồi sức), 4.000 điều dưỡng và kỹ thuật viên (300 điều dưỡng chuyên về hồi sức), 500 chuyên gia, sinh viên chuyên ngành y tế công cộng và y học dự phòng để truy vết người nhiễm và nghi nhiễm vi-rút. Lực lượng này sẽ giúp vận hành 1.000 giường hồi sức tại TPHCM.

Lực lượng y, bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng cần được nghỉ ngơi để tiếp tục chiến đấu với đại dịch - Ảnh: H.H.
Lực lượng y, bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng cần được nghỉ ngơi để tiếp tục chiến đấu với đại dịch - Ảnh: H.H.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam - cảnh báo, khi đánh giá về tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng, tỷ lệ nặng và tử vong, cần theo dõi F0 đến khi khỏi bệnh mới chính xác. Tỷ lệ tử vong sẽ thay đổi tùy theo năng lực của hệ thống y tế. Một số quốc gia để dịch bùng phát lúc hệ thống y tế chưa được củng cố, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 14%. Do vậy, để giảm tỷ lệ tử vong, cần phải giảm tải cho hệ thống y tế và nâng cao năng lực của hệ thống điều trị. 

Đợt giãn cách này khác gì năm ngoái?

Từ 0g ngày 9/7, TPHCM áp dụng hình thức kiểm soát cao nhất về dịch bệnh là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, sau 36 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10 của UBND TPHCM. Vào tháng 4/2020, TPHCM đã trải qua 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng lần này, số người mắc COVID-19 đã vượt qua con số 8.000 người. Trong đợt giãn cách xã hội mới này, các trường hợp F1 sẽ cách ly tại nhà. 

Trong đợt cách ly này, UBND phường, xã, thị trấn sẽ tổ chức các đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24 giờ, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp ra khỏi nhà không có lý do chính đáng; tiếp tục tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì chợ đầu mối, chợ truyền thống cũng tạm thời đóng cửa và thực hiện các biện pháp khắc phục; tạm dừng hoạt động bán vé số, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về. 

Không ra khỏi nhà, giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp

Chỉ thị 16 quy định, địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, cá nhân phải đeo khẩu trang; yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động. Ngoài ra, người dân cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và ở nơi công cộng.

Chỉ thị 16 cũng yêu cầu dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết mới đến làm việc tại công sở.

Tính đến hết ngày 7/7, TPHCM có 8.470 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 8.219 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 251 trường hợp nhập cảnh, 594 được điều trị khỏi bệnh, 19 ca tử vong. Trong ngày 5/7, có thêm 23 bệnh nhân xuất viện. Hiện có 7.118 bệnh nhân đang được điều trị, 53.191 người đang cách ly, trong đó có 15.007 người cách ly tập trung, 38.184 người cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI