10 năm thảm họa kép tại Nhật Bản - Cuộc sống tiếp tục tiến về phía trước

29/03/2021 - 21:06

PNO - Vào lúc 14 giờ 46 phút ngày 11/3/2011, thảm họa kép động đất - sóng thần quét qua vùng bờ biển miền đông bắc Nhật Bản khiến hơn 15.000 người thiệt mạng.

Mười năm sau, cư dân ở các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại Fukushima, Iwate và Miyagi vẫn chưa quên đi nỗi đau mất người thân. Dù vậy, họ đã học cách để bước tiếp.

Các nhân viên cảnh sát dành phút mặc niệm hôm 11/3/2021 trước khi bắt đầu tiếp tục tìm kiếm hài cốt những nạn nhân còn mất tích sau mười năm, ở Rikuzentakata, tỉnh Iwate  - Ảnh: Kyodo
Các nhân viên cảnh sát dành phút mặc niệm hôm 11/3/2021 trước khi bắt đầu tiếp tục tìm kiếm hài cốt những nạn nhân còn mất tích sau mười năm, ở Rikuzentakata, tỉnh Iwate - Ảnh: Kyodo

Những đứa trẻ nay đã lớn

Một bức ảnh lớn được trưng bày tại bảo tàng tưởng niệm thảm họa động đất - sóng thần năm 2011 ở Kesennuma, tỉnh Miyagi, đông bắc Nhật Bản, cho thấy cậu bé mười tuổi đang bước đi giữa đống đổ nát, với hàm răng nghiến chặt, mỗi tay cầm một chai nước. Đó chính là hình ảnh của Kaito Matsumoto mang nước từ giếng tại một trung tâm sơ tán sau thảm họa kép ngày 11/3/2011.

Năm nay 20 tuổi, Matsumoto cho biết anh nhận được hơn 300 lá thư ủng hộ từ những người trên khắp Nhật Bản đã xem bức ảnh, trong đó có một bức thư từ cố diễn viên gạo cội Ken Takakura. Trong số những người đề nghị hỗ trợ có cụ Natsu Kamada (81 tuổi), người đã xem bài báo về Matsumoto trên một tờ báo địa phương. Lần đầu, cụ Kamada gửi cho Matsumoto và gia đình một thùng khoai tây và các loại rau khác mà bà thu hoạch được, vào sáu tháng sau khi trận động đất mạnh 9,0 độ richter xảy ra. Mười năm trôi qua, Matsumoto - chàng trai đang theo học tại một trường dạy nghề ở Sendai, thủ phủ tỉnh Miyagi - vẫn tiếp tục ăn gạo do gia đình cụ Kamada trồng.

Fumitoshi Kamino và gia đình đứng tại vị trí từng là ngôi nhà cũ của họ ở Ishinomaki, tỉnh Miyagi, vào ngày 25/6/2011. Mười năm sau, những cô con gái của gia đình đã trưởng thành, dù trong thâm tâm, tất cả đều bị ám ảnh về ký ức thảm họa -  Ảnh: Kyodo
Fumitoshi Kamino và gia đình đứng tại vị trí từng là ngôi nhà cũ của họ ở Ishinomaki, tỉnh Miyagi, vào ngày 25/6/2011. Mười năm sau, những cô con gái của gia đình đã trưởng thành, dù trong thâm tâm, tất cả đều bị ám ảnh về ký ức thảm họa - Ảnh: Kyodo

Matsumoto đang theo học để trở thành nhà vật lý trị liệu. Anh quyết định đi theo con đường này khi biết nhiều người khuyết tật không thể chạy thoát lúc sóng thần ập đến. "Tôi muốn đáp lại sự ưu ái của mọi người bằng cách nỗ lực hết mình", Matsumoto nói, đề cập đến sự động viên anh nhận được suốt thập niên qua.

Trong khi đó, Minori Sato - nhà trị liệu vật lý 25 tuổi ở Soma, tỉnh Fukushima - hầu như ngày nào cũng hỏi bản thân rằng anh trai cô sẽ làm gì nếu ở hoàn cảnh của cô hiện tại.

Chàng trai Takanori Sato, lúc đó 20 tuổi, ban đầu đã trốn thoát lên vùng đất cao hơn sau khi trận động đất xảy ra. Thế nhưng anh quay lại để giúp đỡ một số người già và bị sóng thần cuốn trôi. Nhút nhát và có xu hướng dựa dẫm vào anh chị mình, Minori Sato giờ đây đang giúp đỡ những người gặp khó khăn, như anh trai cô đã làm.

Cô bé Minori Sato cầm bức ảnh của người anh trai quá cố Takanori trong lễ tưởng niệm ngày 28/4/2011
Cô bé Minori Sato cầm bức ảnh của người anh trai quá cố Takanori trong lễ tưởng niệm ngày 28/4/2011

Năm 2015, Fumitoshi Kamino, vợ và ba con gái của anh bắt đầu đến thăm các khu vực bị thiên tai ở Nhật Bản, giúp phục vụ đồ ăn tại các trung tâm sơ tán. Gia đình Kamino đã mất nhà trong thảm họa năm 2011. Một năm sau, họ mở một quán ăn ở Ishinomaki, tỉnh Miyagi, trong một tòa nhà trang trí bằng hai viên ngói được tìm thấy tại nơi từng là ngôi nhà của họ. 

Cô bé Minori Sato cầm bức ảnh của người anh trai quá cố Takanori trong lễ tưởng niệm ngày 28/4/2011 và hình ảnh hiện tại, khi cô bé nhút nhát đã trở thành một nhà vật lý trị liệu Ảnh: Kyodo
 Và hình ảnh hiện tại, khi cô bé nhút nhát đã trở thành một nhà vật lý trị liệu - Ảnh: Kyodo

Trạm điện thoại của gió

Giữa một khu vườn trên đồi, dưới những tán anh đào, một bốt điện thoại màu trắng lấp lánh trong ánh nắng xuân. Bên trong, Kazuyoshi Sasaki cẩn thận quay số điện thoại di động của người vợ quá cố Miwako.

Mười năm trước, nhiều ngày sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng, ông Sasaki liên tục đến thăm các trung tâm sơ tán và nhà xác tạm bợ vào ban ngày; đến đêm, ông quay về với đống đổ nát của ngôi nhà hai người từng sinh sống.
Nước mắt lăn dài trên má, người đàn ông 67 tuổi nói: “Tất cả chỉ xảy ra trong tích tắc mà đến giờ tôi cũng không thể nào quên được. Tôi đã gửi cho vợ một tin nhắn rằng mình an toàn nhưng cô ấy chẳng bao giờ hồi âm…".

Vợ của Sasaki là một trong số hơn 15.000 người ở đông bắc Nhật Bản thiệt mạng vì thảm họa kép. Nhiều người sống sót cho biết đường dây điện thoại không kết nối ở thị trấn Otsuchi giúp họ giữ liên lạc với những người thân yêu đã khuất và mang lại cho họ chút an ủi khi đương đầu với nỗi đau.

Cũng tại trạm điện thoai, Sachiko Okawa gọi cho Toichiro - người chồng quá cố mà bà đã chung sống suốt 44 năm. Người phụ nữ 76 tuổi hỏi Toichiro rằng ông đã làm gì trong những năm qua, kể từ khi bị sóng thần cuốn trôi.

Cuối cùng, bà Okawa nói, giọng vỡ vụn: “Tôi rất cô đơn” và yêu cầu Toichiro trông chừng gia đình của họ: "Tạm biệt, tôi sẽ sớm quay lại".

Okawa nói rằng, đôi khi bà cảm thấy như có thể nghe thấy tiếng Toichiro ở đầu dây bên kia, điều đó khiến bà cảm thấy tốt hơn một chút. Từ khi biết đến khu vườn trên đồi, bà thường đưa hai cháu trai đến đây để nói chuyện với ông nội.
Daina, cháu trai 12 tuổi của Okawa, vui vẻ trò chuyện khi cả ba người chen chúc vào bốt điện thoại: “Ông ơi, đã 10 năm trôi qua rồi và cháu sắp vào trung học cơ sở. Có loại vi-rút mới đang giết rất nhiều người và đó là lý do chúng cháu và bà phải đeo khẩu trang. Nhưng tất cả đều đang sống tốt".

Trạm điện thoại được xây dựng bởi Itaru Sasaki (76 tuổi), người sở hữu khu vườn ở Otsuchi, tỉnh Iwate, vài tháng trước khi thảm họa xảy ra, sau khi người em họ của ông qua đời vì bệnh ung thư. Ông Itaru nói: “Có rất nhiều người không thể nói lời tạm biệt. Có những gia đình ước rằng họ có thể nói những lời cuối cùng, nếu họ biết rằng họ sẽ không thể gặp lại người thân yêu".

Lời nhắn gửi đầy tình cảm của bà và các cháu dành cho người ông quá cố
Lời nhắn gửi đầy tình cảm của bà và các cháu dành cho người ông quá cố

Hiện trạm điện thoại này đã thu hút hàng ngàn lượt khách từ khắp Nhật Bản. Nó không chỉ được sử dụng bởi những người sống sót sau trận sóng thần, mà còn cả những người mất người thân vì bệnh tật, tự tử. Được mệnh danh là "trạm điện thoại của gió", gần đây hình ảnh này đã truyền cảm hứng cho một bộ phim.

Ông Itaru cho biết vài tháng trước, một số tổ chức đã liên hệ và muốn thiết lập những trạm điện thoại tương tự ở Anh và Ba Lan, để mọi người gọi cho người thân đã mất trong đại dịch COVID-19. Ông Itaru chia sẻ: "Cũng giống như một thảm họa, đại dịch đến bất ngờ và khi cái chết đột ngột xảy ra, nỗi đau một gia đình phải trải qua cũng lớn hơn nhiều".

Quay trở lại với Kazuyoshi Sasaki, giống như hàng ngàn người khác tại các cộng đồng ven biển bị tàn phá, ông không chỉ mất vợ mà còn nhiều người thân và bạn bè trong thảm họa. Sasaki giải thích với vợ qua điện thoại rằng gần đây ông đã chuyển ra khỏi nhà ở tạm thời và cậu con trai út hiện đang xây một ngôi nhà mới để ông về sống cùng các cháu nội.

“Anh sẽ tự lo cho mình”, Sasaki hứa với vợ và nói thêm: "Anh rất vui vì chúng ta đã gặp nhau. Cảm ơn em, tất cả mọi người đều đang làm những gì có thể, anh sẽ sớm quay lại trò chuyện cùng em". 

Ngọc Hạ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI