Xuất hiện khả năng sinh con không cần trứng

18/09/2016 - 11:00

PNO - Mới đây, tạp chí Nature Communications của Anh đã công bố một bài báo gây chấn động giới khoa học, theo đó trong tương lai trẻ em có thể được sinh ra không cần trứng.

Mới đây, tạp chí Nature Communications của Anh đã công bố một bài báo gây chấn động giới khoa học, theo đó trong tương lai trẻ em có thể được sinh ra không cần trứng.

Các nhà khoa học Đại học Bath (Anh) đã tiến hành một thí nghiệm đặc biệt và thành công trong việc tạo ra một chuột con khỏe mạnh bằng cách đánh lừa để tinh trùng “tin vào” việc chúng thụ tinh cho trứng bình thường. Các nhà khoa học nói rằng thí nghiệm ban đầu cho thấy một ngày nào đó có thể “tạo ra” một em bé mà không cần sử dụng đến trứng.

Xuat hien kha nang sinh con khong can trung

Ý nghĩa thực tiễn của thí nghiệm là giúp giải thích một số chi tiết của quá trình thụ tinh. Ban đầu, các nhà khoa học sử dụng một trứng không được thụ tinh, họ dùng hóa chất để “ngụy trang” nó thành một phôi giả. Các phôi giả có nhiều điểm chung với tế bào bình thường, chẳng hạn như tế bào da, trong cách thức phân chia và kiểm soát ADN của chúng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu tiêm tinh trùng chuột vào các phôi giả của chuột thì có thể sinh chuột con khỏe mạnh. Thí nghiệm mở ra khả năng trong tương lai có thể thu được kết quả tương tự ở người, tức là thụ tinh sử dụng tế bào không phải trứng. Đối với các thí nghiệm trên chuột, tỷ lệ thành công là 25%.

Tiến sĩ Tony Perry, một đồng tác giả của nghiên cứu nói, thí nghiệm đã làm đảo lộn gần 200 năm tư duy thông thường, theo đó thụ tinh là sự kết hợp của một tinh trùng với một trứng. Việc loại bỏ sự cần thiết có một quả trứng trong quá trình thụ thai có thể gây tác động lớn đến xã hội.

Nói cách khác, hai người đàn ông có thể có một đứa con, một người góp một tế bào bình thường, người kia góp tinh trùng. Hoặc một người đàn ông có thể có con của chính mình bằng việc sử dụng tế bào và tinh trùng của bản thân, và đứa trẻ đó đối với cha sẽ như là một song sinh không giống nhau, chứ không phải nhân bản vô tính.

Nguyễn Thị Phương

(Theo BBC Health)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI