Xôn xao câu chuyện bí ẩn về hai cổng thành mới “xuất lộ” ở cố đô Huế

29/06/2020 - 18:46

PNO - Ngày 29/6 Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế vừa có thông tin chính thức về việc “xuất lộ” hai cổng thành tại Huế với nhiều bí ẩn ít người biết.

Điều khác biệt của hai cổng thành mới "xuất lộ" 

Nếu như các cổng thành chính của kinh thành Huế đều nối với các trục giao thông đường bộ đi vào kinh thành thì 2 chiếc cổng này có kích thước nhỏ, nằm bên phải và bên trái của Đông thành Thủy Quan trong kinh thành Huế, chỉ cách nhau vài trăm mét và kết nối với hệ thống đường thủy của sông Ngự Hà và Hộ Thành hào, cách sông Hộ Thành (Đông Ba) để ra bên ngoài. 

Chiếc cổng thành phía bên phải theo nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh ông đã thấy từ rất lâu
Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho biết, ông đã thấy chiếc cổng thành phía bên phải từ rất lâu

Theo đó, một cổng đã "xuất lộ" và cổng khác vẫn còn khuất lấp, được bịt kín bằng bờ lô xi măng, mặt trong phía nhà dân vẫn còn xây áp vào tường chưa giải tỏa. Cổng được xây theo hình thức cổng vòm, cao khoảng 0,7 m, rộng khoảng 0,6 m với bảy lớp gạch có giật cấp, phía dưới là những tảng đá xanh còn khá nguyên vẹn.

Chiều cổng bên phải nằm cạnh cầu Lương Y
Cổng bên phải di tích Đông thành Thủy Quan nằm gần nơi đặt biển báo cầu Lương Y

Đã có từ thời vua Gia Long - Minh Mạng?

Liên quan đến hai cổng thành trên, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM vào trưa 29/6, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho rằng, hai chiếc cổng nằm ở bên trái và phải Đông thành Thủy Quan (còn gọi là cống Lương Y) gắn bó với tuổi thơ của ông.

Ông Vĩnh kể, thuở nhỏ, vào những ngày hè, ông thường xuyên cùng các bạn lối xóm chui bên phải cái cổng này để mò cua, bắt ốc và tắm lội trên sông Ngự Hà. Nghĩa là hai chiếc cổng này đã có từ thời vua Gia Long - Minh Mạng chứ không phải mới “phát lộ” sau khi thực hiện di dân ra khỏi khu vực thượng thành.

Chiếc cổng có lối kiến trúc khé đẹp mắt
Chiếc cổng có lối kiến trúc khá đẹp mắt

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho biết, trước năm 1968 khu vực này chưa có nhà ở. Khi lớn lên, bắt đầu nghiên cứu hệ thống phòng thủ kinh thành Huế, bản thân ông đã nhiều lần “chui vào, chui ra” ở hai chiếc cổng này.

Trước đây, chiếc cổng nằm phía bên phải Đông thành Thủy Quan (nhìn từ trong ra) có một cánh cửa gỗ lim lớn đóng kín, nay đã mất đi. Một thời gian dài dân cư tập trung về làm nhà ở tại đó, cụ thể sau năm 1968, bác Oai (hiện đã qua đời - PV) đến làm nhà, sau đó đã che khuất một phần lối đi dẫn vào cổng thành này.

cách đây hai năm Trung tâm BTDTCĐ Huế đã khảo sát thượng thành và chụp hình lại cổng này để lên kế hoạch trùng tu tôn tạo. Ảnh: An Hòa
Cách đây hai năm, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã khảo sát thượng thành và chụp hình lại cổng này để lên kế hoạch trùng tu tôn tạo - Ảnh: An Hòa

Kế đến, vào năm 1996, khi tiếp tục nghiên cứu về hệ thống phòng thủ kinh thành Huế, ông Vĩnh đã tận mắt thấy gia đình bác Oai xây dựng một căn nhà nhỏ ở gần chiếc cổng này.

Đặc biệt, phía trước nhà bác Oai có một lối mòn dẫn vào cổng, dưới cổng có viên đá thanh bị bào mòn rất nhiều, chứng tỏ có nhiều người đã đi đến đây.

“Tôi khẳng định rằng chiếc cổng phía bên phải này có từ lâu đời. Sẽ rất tốt nếu sau này việc hoàn thành di dân thượng thành, chúng ta kết hợp nghiên cứu lịch sử, bảo tồn Đông thành Thủy Quan và trùng tu tôn tạo hai chiếc cổng thành, sẽ tạo ra một điểm du lịch mới, hấp dẫn du khách” - ông Vĩnh nói.

Chiếc cổng bên phải thời điểm được Trung tâm BTDTCĐ Huế  lập biển cảnh báo, vào đầu năm 2020
Chiếc cổng bên phải vào thời điểm được Trung tâm BTDTCĐ Huế lập biển cảnh báo, vào đầu năm 2020 - Ảnh: An Hòa

Ngoài ra, theo nhận định của ông Hồ Vĩnh, Đông thành Thủy Quan (còn có tên gọi là cống Lương Y) là một hệ thống thông thủy rất quan trọng của sông Ngự Hà.

Vào thời nhà Nguyễn (1802 - 1945) mỗi lần thuyền bè trong Nam ngoài Bắc muốn vào sông Ngự Hà đều đi vào cống này.

Ngày xưa, khu vực cống Lương Y có cửa gỗ lớn để điều tiết mặt nước trong nội thành mùa lũ lụt. Riêng hai cổng thành bên trái và phải cống Lương Y còn có chức năng khai báo hải quan và quan sát để bảo vệ mặt tiền Ngự Hà. Trên phía Đông thànhThủy Quan có đặt 13 khẩu súng thần công.

Phía cổng thứu hai bị bít kín
Phía cổng thứ hai đã bị người dân bịt kín  

Còn về chiếc cổng thành thứ hai nằm bên trái Đông thành Thủy Quan, phía trước là căn nhà của gia đình bà Lê Thị Đào (SN 1951, ở số 126 đường Xuân 68, TP. Huế).

Bà Đào cho biết, gia đình bà đã sinh sống gần 100 năm, qua nhiều thế hệ ở khu vực này. Từ 40 năm trước, khi về làm dâu ở gia đình, bà đã thấy cửa thành, nhưng cách đây khoảng 5 năm, do cửa thành sát với nhà bếp nên gia đình bà đã dùng bờ lô, xi măng bịt kín cửa thành để chống kẻ trộm đột nhập vào nhà.

Phía trên mới nhà bà bà Đào vẫn thấy phần cổng thứ 2
Nhìn từ phía trên mái nhà bà Đào vẫn thấy phần cổng thứ hai đã bịt kín

Tiếp tục khảo sát và phục hồi 

Cách đây hai năm, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã khảo sát thượng thành để kiểm tra hệ thống lô cốt, các công trình trên thượng thành và đã cho chụp ảnh lại hai cửa trái, phải ở Đông Thành thủy Quan.

Phía sau cánh cổng số 2 dẫn xuống khu vực kêt nối tuyến đường thủy sông Ngự Hà
Phía sau cánh cổng thứ hai dẫn xuống khu vực kết nối tuyến đường thủy sông Ngự Hà

Đầu năm 2020, Phòng Nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế tiếp tục khảo sát lại hệ thống thượng thành để hệ thống hóa các tên pháo đài và kho đạn, các cống thoát nước trên thượng thành sau khi người dân đã di chuyển đến khu quy hoạch.

Song song với việc khảo sát, Trung tâm đã làm biển cắm các vị trí cần thận trọng khi thu dọn, hạ giải.

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho rằng ông đã thấy cảnh cổng bên phải Đông thành Thủy Quan từ lúc còn tuổi ấu thơ cho đến khi  nghiên cứu Hệ thống phòng thủ kinh thành Huế đã nhiều lần qua cánh cổng bên phải này
Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho rằng, ông đã thấy cánh cổng bên phải Đông thành Thủy Quan từ lúc còn nhỏ

TS. Lê Thị An Hòa - Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Trung tâm BTDTCĐ Huế - cho biết, đây là 2 cửa đặt đại bác bên trái và bên phải của Đông thành Thuỷ Quan. “Trong Đại Nam nhất thống chí viết rất rõ: "Đầu đời vua Gia Long bắc cầu gỗ gọi là cầu Thanh Long, năm Minh Mạng thứ 11 xây cầu gạch, dưới cầu đặt cánh cửa để tiện mở đóng, trên cầu xây lan can, cửa xưởng đại bác và đổi tên như hiện nay...".

Khả năng sau 1885 thất thủ kinh đô, năm 1886 Pháp vào chiếm đồn Mang Cá nên ko còn sử dụng nữa. Trước đây, thời Minh Mạng, được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí, hàng ngày có 20 người bảo vệ ở vị trí này. Đến năm 1933, trong Kinh thành Huế của Cadiere có chỉ trên bản đồ kinh thành Huế vị trí 121 và ghi chú cửa trái và phải của Đông thành Thuỷ Quan mà tại thời điểm đó đã bị bít lại” - TS. Lê Thị An Hòa cho biết.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế khẳng định, hai cửa trái, phải Đông thành Thủy Quan được Trung tâm thực hiện khảo sát, thu thập hình ảnh, tư liệu từ nhiều năm về trước.

“Hiện nay, dự án di dời hộ dân trên thượng thành đã hoàn thiện dần và trả lại kiến trúc của kinh thành. Trung tâm đang nghiên cứu, tập hợp tư liệu và xây dựng hồ sơ để phục hồi thượng thành và hệ thống phòng thủ 24 pháo đài, các kho đạn, hệ thống thoát nước rất độc đáo trên thượng thành. Song song với việc phục hồi sẽ tiến hành khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch bền vững trên nền tảng hệ thống Ngự Hà và di sản kinh thành Huế” - ông Nhật nói.

Ông Võ Lê Nhật - Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế - nói về hai chiếc cổng ở di tích Đông thành Thủy Quan

 Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI