Xét nghiệm COVID-19: Tiếp tục hay từ bỏ?

11/05/2022 - 12:44

PNO - Khi nhiều nước trên thế giới đã gỡ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 trong cộng đồng cũng như với khách quốc tế, nhiều câu hỏi đặt ra rằng, việc xét nghiệm có còn cần thiết nữa hay không?

Xét nghiệm đại trà tốn kém

Sau hơn hai năm đại dịch, nhiều chuyên gia y tế đang đặt câu hỏi việc xét nghiệm hàng loạt, lặp đi lặp lại để tìm kiếm các ca bệnh hay cụm nhiễm trùng liệu có còn cần thiết khi nó quá phiền phức và tốn kém? Đan Mạch hiện đang được xem là quốc gia “vô địch” trong việc xét nghiệm COVID-19. Hiện tại, các chuyên gia của quốc gia này đang yêu cầu một nghiên cứu chặt chẽ về việc liệu chính sách đó có hiệu quả hay không. Jens Lundgren - giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Copenhagen, và thành viên nhóm cố vấn COVID-19 của Chính phủ - thừa nhận: “Chúng tôi đã xét nghiệm COVID-19 nhiều hơn các nước khác”.

Theo dữ liệu từ Our World in Data, trong hai năm qua, 5,8 triệu người Đan Mạch đã thực hiện hơn 127 triệu lần kiểm tra COVID-19 và tất cả đều được Chính phủ cung cấp miễn phí. Tổng cộng, Đan Mạch đã chi hơn 2,36 tỷ USD để xét nghiệm. Nước láng giềng Na Uy, với quy mô dân số tương tự, chỉ thực hiện 11 triệu xét nghiệm; Thụy Điển với dân số hơn 10 triệu người thực hiện khoảng 18 triệu xét nghiệm. Trung Quốc hiện vẫn kiên trì với kế hoạch “zero COVID” đồng thời thực hiện xét nghiệm hàng loạt ở các thành phố lớn - ước tính đã chi hết 215 tỷ USD để xét nghiệm đại trà.

Chính phủ Đan Mạch cho biết việc thử nghiệm rộng rãi đã làm giảm tỷ lệ lây truyền và giúp nước này tái hòa nhập xã hội, thúc đẩy nền kinh tế và sức khỏe tâm thần của người dân. “Không có nghi ngờ gì về chi phí kinh tế và con người. Ví dụ nếu chúng tôi không xét nghiệm sớm, khoanh vùng và cách ly, chữa trị thì rất có thể chúng tôi sẽ phải phong tỏa trên diện rộng như nhiều nước khác và điều đó gây tác hại kinh tế rất nặng nề”, ông Jens Lundgren nói.

 

 WHO cho biết không khuyến nghị xét nghiệm sàng lọc hàng loạt đối với những người không có triệu chứng
WHO cho biết không khuyến nghị xét nghiệm sàng lọc hàng loạt đối với những người không có triệu chứng

Chuyện gì xảy ra nếu từ bỏ xét nghiệm?

Hai năm trước khi mà vắc-xin chưa nhiều, thuốc chữa trị chưa có, dù không xét nghiệm đại trà nhưng Nhật Bản vẫn chống chọi với đại dịch tương đối tốt. Theo nhiều chuyên gia, hiện toàn cầu có độ phủ vắc-xin, kháng thể cao trong khi đó biến thể Omicron lại tương đối nhẹ, vì thế các chính phủ nên xem xét các chiến lược nhằm giảm chi phí và công sức. 

Một đánh giá được công bố trên tạp chí Medical Virology vào cuối tháng Ba về việc sử dụng các xét nghiệm nhanh trong sàng lọc hàng loạt đối với những người không có triệu chứng là không hiệu quả. Theo ông Dale Fisher - Chủ tịch Mạng lưới phản ứng và cảnh báo về sự bùng phát toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - từ đầu đại dịch, WHO luôn kêu gọi các quốc gia “kiểm tra, xét nghiệm, kiểm tra” tất cả trường hợp nghi ngờ nhưng chưa bao giờ khuyến nghị xét nghiệm sàng lọc hàng loạt đối với những người không có triệu chứng. 

Theo WHO, việc tiếp tục kiểm tra, xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong, cũng như nguy cơ lây truyền. Một nghiên cứu của Đan Mạch được công bố vào năm ngoái đã kết luận rằng chương trình thử nghiệm và cách ly các trường hợp nhiễm bệnh đã giúp giảm tới 25% sự lây truyền của vi-rút. Madhu Pai - giáo sư sức khỏe toàn cầu tại Đại học McGill (Canada) - cho rằng: “Trong một số bối cảnh, các chính phủ sẽ quyết định nên tiếp tục hay loại bỏ. Nhưng nếu loại bỏ hoàn toàn rất có thể sẽ là thảm họa, bởi chúng ta sẽ mất cảnh giác nếu một biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện”. 

Mỹ Trà (theo CNA, SCMP, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI