Xe buýt trường học - Tại sao không?

24/10/2022 - 06:46

PNO - Số vụ tai nạn giao thông cướp đi tính mạng của học sinh ngày càng nhiều nhưng việc tổ chức đưa đón học sinh đến trường an toàn gần như bị bỏ ngỏ.

Chấp nhận vi phạm

Ở TP.Hà Nội, số học sinh THPT, thậm chí THCS đi xe phân khối lớn ngày càng nhiều. Những ngày gần đây, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Hà Nội) đã lập chốt tại ngã tư Ngô Quyền - Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm để xử lý học sinh, sinh viên và phụ huynh vi phạm luật giao thông. Các lỗi vi phạm của học sinh thường là điều khiển xe máy, xe máy điện khi chưa đủ tuổi và không đội mũ bảo hiểm.

Học sinh đi xe máy phân khối lớn ở Hà Nội khá phổ biến (trong ảnh: Nữ sinh đi xe máy bị cảnh sát giao thông xử phạt ở khu vực đường Hai Bà Trưng, Q.Hoàn Kiếm) - ẢNH: BẢO KHANG
Học sinh đi xe máy phân khối lớn ở Hà Nội khá phổ biến (trong ảnh: Nữ sinh đi xe máy bị cảnh sát giao thông xử phạt ở khu vực đường Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) - Ảnh: Bảo Khang

Khi con gái lớn vào lớp 10, học ở quận Hoàn Kiếm, chị T.D. (quận Long Biên) không thể đưa đón cả 2 đứa con nên chị mua xe máy 50cc để con tự đi học. Chị D. phân trần: “Con tôi mỗi đứa học một nơi, chồng thường xuyên đi làm xa, nên đành chấp nhận để con vi phạm một học kỳ thôi, qua năm cháu 16 tuổi là được phép lái xe máy dưới 50cc rồi. Thỉnh thoảng, cháu bị CGST tuýt còi, nhà trường cũng nhắc nhở; lúc đi nộp phạt cho con, tôi cũng xấu hổ”.

Có con học khác phường, anh Q.A. (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cũng rất cân nhắc khi quyết định để con trai tự đến trường bằng xe máy điện. Anh cho biết: “Sang năm, cháu thi vào lớp 10 rồi nên lịch học thêm kín mít. Chúng tôi không thể thu xếp đưa đón cháu ít nhất 6 lượt mỗi ngày được. Nhà cách trường chỉ khoảng 2km, vỉa hè bị lấn chiếm, các cháu đi bộ cũng khó an toàn. Nếu không chạy xe máy điện, cháu không thể đi học thêm các môn kịp”.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ đầu năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước xảy ra 1.570 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên. Còn theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm, cả nước có 2.000 trẻ em thiệt mạng do tai nạn giao thông, trong đó 90% là học sinh 16-18 tuổi.

Ở TPHCM, mỗi ngày, có hàng triệu lượt học sinh đi học và về nhà, trong đó phần lớn sử dụng xe cá nhân. Việc tổ chức xe đưa rước, thu hút học sinh đi xe công cộng gặp không ít khó khăn.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM yêu cầu các trường thống kê lượng học sinh có nhu cầu đi học bằng xe buýt học kỳ I năm học 2022-2023 để Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM nắm, từ đó tổ chức tăng cường chuyến phù hợp với nhu cầu học sinh. Tuy nhiên, theo ban giám hiệu nhiều trường, dù được hưởng giá vé ưu đãi, học sinh vẫn không thích đi xe công cộng.

Ông Hà Thanh An - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự (quận 8) - cho biết, do luồng tuyến xe buýt không thuận tiện nên để đến trường bằng xe buýt, học sinh phải bắt nhiều chuyến, mất nhiều thời gian. Do đó, vừa qua, khi thống kê nhu cầu, không em nào đăng ký đi xe buýt. Trường cũng đề xuất tổ chức xe đưa rước riêng, nhưng chi phí xe đưa rước cao nên đa số phụ huynh không đồng ý. Học sinh của trường chủ yếu tự đi lại bằng xe cá nhân do cha mẹ các em không có thời gian đưa đón.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Hiệu trưởng tại Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức) - cho hay, qua khảo sát, cả trường chỉ có 17 học sinh có nhu cầu đi xe đưa rước. Do số lượng ít, nhà các em lại ở nhiều tuyến đường khác nhau nên không thể tổ chức chuyến xe đưa rước hằng ngày được. Đa phần học sinh không mặn mà đi xe buýt bởi phải đi bộ ra trạm, xe chạy lòng vòng mất nhiều thời gian. 

Phụ huynh dễ dãi với con

Nhà H.C. - học sinh THCS ở huyện Thường Tín, TP.Hà Nội - cách trường hơn 1km. H.C. phải qua bên kia Quốc lộ 1 cắt ngang đường sắt mới đến được trường. H.C. kể: “Lớp cháu có nhiều bạn đi xe buýt do nhà ở xa. Xã cháu có 5 bạn học cùng lớp nhưng chỉ có cháu và một bạn nữa đi xe đạp, 3 bạn khác đi xe đạp điện. Mỗi lần sang đường, cháu phải tập trung cao độ vì xe máy, ô tô chạy loạn xạ, bấm còi inh ỏi”.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trong những năm gần đây, có đến 70% số vụ xảy ra với học sinh THCS đi xe đạp điện, xe máy điện. Trong khi đó, hiện nay, có trên 50% học sinh THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện.

T.M. (huyện Thường Tín) có nhà ở xa trường. M. - 13 tuổi, học lớp 7 - nhưng đã đi học bằng xe máy 50cc. M. kể: “Xe này là của chị cháu. Khi chị cháu sắp thi vào lớp 10, bố mẹ cháu mua xe này cho chị. Trường của chị cháu cách nhà hơn 1km, trường của cháu cách nhà hơn 2km. Hai chị em cháu thường chở nhau đi học. Hôm nào chị cháu học buổi chiều thì buổi sáng, cháu tự chạy xe máy đến trường”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc phụ huynh cho con em điều khiển xe máy quá sớm sẽ tạo cho các em thói quen không tôn trọng pháp luật. Thực tế, có không ít học sinh chạy xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, khi cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để nhắc nhở thì sẵn sàng tăng ga bỏ chạy, thậm chí văng tục. Phụ huynh nên cho con đi học bằng phương tiện giao thông công cộng. Với khoảng cách dưới 10km, hệ thống xe buýt của TP.Hà Nội hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đi lại của học sinh. Hơn nữa, việc này còn tạo cho các em thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng - hình thức đang được khuyến khích.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Luật Giao thông đường bộ quy định, người đủ từ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe máy dưới 50cc (bao gồm xe máy điện) mà không cần có giấy phép lái xe. 

Nhưng theo bà Tạ Thị Huệ (Trường đại học Giao thông Vận tải), các loại xe này tuy phân khối nhỏ nhưng tốc độ có thể đạt tối đa 60 km/giờ. Do loại xe này không yêu cầu người điều khiển phải có bằng lái nên phần lớn người lái xe chưa hiểu hết luật giao thông, ý thức tham gia giao thông chưa cao. Bà cho biết, trong năm 2020, có gần 800 người sinh từ năm 2002 trở đi (chưa tới 18 tuổi) liên quan đến các vụ tai nạn giao thông.

Đường đến trường ở nhiều nơi nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao nên nếu để học sinh đi xe máy đến trường sẽ rất nguy hiểm (trong ảnh: Giao thông phức tạp ở giao lộ Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định, TP.Thủ Đức) - ẢNH: PHÙNG HUY
Đường đến trường ở nhiều nơi nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao nên nếu để học sinh đi xe máy đến trường sẽ rất nguy hiểm (trong ảnh: Giao thông phức tạp ở giao lộ Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định, TP.Thủ Đức) - Ảnh: Phùng Huy

Hiện nay, toàn TP.Hà Nội chỉ có khoảng 100 trường công lập và ngoài công lập tổ chức xe đưa đón học sinh. Tuy loại hình này vẫn còn nhiều bất cập nhưng nhiều phụ huynh cho biết, sẵn sàng hợp tác với nhà trường trong việc sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh.

Tỉnh Bắc Giang có nhiều huyện làm khá tốt việc tổ chức đưa đón học sinh. Các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa có nhiều khu công nghiệp, rất nhiều phụ huynh làm công nhân, không có điều kiện đưa đón con nên nhiều cấp, ngành đã chung tay gỡ khó. Hiện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Giang đang quản lý gần 1.300 xe hợp đồng đưa đón học sinh, công nhân. huyện Lục Nam có 40 xe, huyện Lạng Giang có 60 xe đưa đón học sinh với quãng đường từ 3 - 6km, mỗi ngày từ 2-4 lượt đi về, số tiền hằng tháng phải đóng là từ 300.000- 500.000 đồng/học sinh. 

Việc đưa đón học sinh chủ yếu dựa vào sự thỏa thuận giữa nhà xe và phụ huynh, nhiều nơi có sự tham gia của nhà trường ở góc độ tư vấn, hỗ trợ và giám sát. Ở huyện Lạng Giang, từ năm 2019, Công an và Hội LHPN huyện đã phối hợp với các chủ xe, nhà trường ký cam kết giai đoạn 2020-2025 về thực hiện một số giải pháp bảo đảm an toàn khi đưa, đón học sinh đến trường. Sở GD-ĐT tỉnh cũng yêu cầu phải có sự nhất trí giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và phụ huynh.

Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, thực hiện mục tiêu chung của thành phố, ngành giáo dục thường xuyên đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tổ chức cho học sinh đi học bằng xe công cộng. Tuy vậy, việc học sinh đi xe công cộng còn tùy vào đặc thù từng trường, từng khu vực. Đối với khu vực ngoại thành, việc học sinh sử dụng xe buýt đi học khá phổ biến. Tương tự, một số trường quốc tế tổ chức hệ thống xe đưa rước rất bài bản, chất lượng. Trong khi đó, việc tổ chức xe đưa rước ở các trường công lập khá khó khăn do nhiều phụ huynh không có điều kiện kinh tế cho con đi xe đưa rước. 

Theo ông Dương Trí Dũng, ở nội thành, xe buýt khó thu hút học sinh do có ít tuyến. Thời gian qua, có tình trạng mất an toàn khi học sinh đi xe buýt, xe đưa rước, khiến phụ huynh chưa yên tâm. Do đó, sở đã yêu cầu các trường lựa chọn kỹ đơn vị vận tải; khi ký kết hợp đồng, phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho học sinh.

Tiến sĩ Võ Kim Cương (Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM) cho rằng, để tổ chức hiệu quả xe đưa rước, xe công cộng phục vụ học sinh, cần phải có một kế hoạch bài bản. Đối với các học sinh mầm non, tiểu học, cần có kế hoạch hỗ trợ nhà trường xây dựng hệ thống xe đưa rước an toàn, hiệu quả, giá hợp lý. Đối với học sinh từ cấp THCS trở lên, cần khuyến khích đi xe buýt. Tất nhiên, để thu hút học sinh đi xe công cộng, không thể hô hào suông mà trước tiên, ngành giao thông phải phối hợp với ngành giáo dục rà soát, khảo sát nhu cầu đối với từng khu vực, từ đó có giải pháp bố trí luồng tuyến phù hợp nhu cầu học sinh và thực trạng giao thông. 

Theo ông, hiện nay, chúng ta cứ nói nhu cầu đi xe buýt ít nhưng thực tế là do xe buýt chưa thuận tiện, chưa chất lượng và an toàn đủ để tạo niềm tin cho phụ huynh. Do đó, cần xây dựng lại lộ trình, tuyến xe buýt, điểm đón, tổ chức đưa đón thuận tiện theo từng cụm trường. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, độ an toàn trên xe buýt, xây dựng đội ngũ tài xế, tiếp viên tận tình, văn minh.

“Không nên để các trường mạnh ai nấy làm như hiện nay. Cần có chiến lược ưu tiên phát triển hệ thống xe buýt trường học đi kèm với phương án, trách nhiệm của các bên liên quan về đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho học sinh. Nhà nước cần tính toán chi ngân sách để hỗ trợ phát triển hiệu quả mạng lưới xe buýt học đường. Khi xe buýt học đường được cải thiện về luồng tuyến, chất lượng, độ an toàn, văn minh và thân thiện hơn, phụ huynh và học sinh sẽ tin tưởng và ưu tiên lựa chọn” - ông Võ Kim Cương góp ý. 

Bác sĩ khuyên không nên để trẻ chạy xe máy

Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đơn vị này liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ vị thành niên, học sinh bị đa chấn thương nghiêm trọng do chạy xe máy, bị tai nạn giao thông. Tiến sĩ - bác sĩ Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc của bệnh viện này - cho hay, mới đây, khoa tiếp nhận một bé trai 15 tuổi ở tỉnh Vĩnh Phúc nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, không có nhịp tự thở. Mặc dù các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng vẫn tiên lượng bệnh nhi trên có nguy cơ tử vong cao. 

Bệnh viện Quân đội 108 cũng vừa tiếp nhận một nam sinh 16 tuổi bị chấn thương sọ mặt, giập phổi 2 bên do tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng hôn mê. 

Theo các bác sĩ, việc điều khiển xe máy ở lứa tuổi học sinh hoàn toàn không phù hợp và không an toàn do các em chưa phát triển đầy đủ về thể chất, chưa được đào tạo, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe nên các kỹ năng lái xe an toàn cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ hầu như không có. 

Huyền Anh

Việc đến trường của học sinh các nước ra sao?

Từ năm 2015, Indonesia đã cấm học sinh phổ thông và các trường nghề tự lái xe có động cơ đến trường, nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông. Theo thống kê, năm 2011-2012, nước này có 700 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người chưa tới tuổi được cấp bằng lái (17 tuổi). Theo chính phủ nước này, đa số học sinh đến trường bằng xe máy đều phóng nhanh, vượt ẩu, sau buổi học còn tổ chức đua xe trái phép. Tuy nhiên, Indonesia vẫn chưa có giải pháp đưa đón học sinh bằng phương tiện công cộng miễn phí. 

Ở Malaysia, 93.600 học sinh không có bằng lái xe máy, chiếm tới 80%. Có nhiều hãng xe buýt chấp thuận chuyển sang làm dịch vụ đưa đón học sinh nhưng giá vé ngày càng tăng. Các chủ hãng xe tư nhân được tự do quyết định giá nhưng kể từ năm ngoái, giá vé tăng đột biến khiến phụ huynh phải khổ sở. Hiện nay, phụ huynh phải trả trung bình 50 RM (khoảng 260.000 đồng)/học sinh/tháng nhưng ở các khu trung tâm, các hãng xe thu đến 300 RM (khoảng 1.570.000 đồng)/học sinh/tháng. Do chi phí gia tăng nên các hãng xe buýt nhỏ cũng không chở học sinh nữa. Cả hãng xe và phụ huynh đều kiến nghị chính phủ hỗ trợ kinh phí cho dịch vụ này.

Campuchia không bắt buộc người lái xe máy dưới 125cc phải có bằng lái nên 73% ca tử vong do tai nạn giao thông là do thanh niên từ 15-19 tuổi cầm lái mà chưa có bằng. 

Ở Singapore, nhiều phụ huynh bị phàn nàn do đưa đón con đi học bằng ô tô gây tắc nghẽn giao thông. Mặc dù từ xe buýt đến tàu điện ngầm đều có đủ chỗ cho học sinh đến trường nhưng phụ huynh vẫn lo con không tự đến trường được. Điều khiến người tham gia giao thông phiền lòng là phụ huynh đưa đón học sinh bằng ô tô tranh nhau đậu xe chỗ mát, nơi dễ tìm con khiến giao thông hỗn loạn vào giờ tan trường.

Mỹ Huyền

Minh Tuệ - Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI