Học sinh phóng xe máy: Nguy hiểm chực chờ

07/10/2022 - 06:26

PNO - Giờ tan trường, không khó để bắt gặp cảnh học sinh “tống ba” trên xe máy, phóng như bay trên đường. Hằng năm, ở TPHCM, có hàng trăm lượt học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ và không ít vụ va chạm xe máy có liên quan đến học sinh.

Những tài xế “nhí” trên đường

Khoảng 11g, trên đại lộ Võ Văn Kiệt đoạn qua Q.Bình Tân, nhiều người giật mình khi nghe tiếng pô xe “độ” vang lên chát chúa. Người điều khiển chiếc xe này là một thiếu niên chừng 14 tuổi, mặc đồng phục học sinh, chở theo bạn học và cả hai đều không đội nón bảo hiểm. 

Hai học sinh không đội mũ bảo hiểm, chạy xe máy như bay trên đường Võ Văn Kiệt, Q.Bình Tân, TP.HCM. Ảnh chụp vào đầu tháng 10/2022 ẢNH: SƠN VINH
Hai học sinh không đội mũ bảo hiểm, chạy xe máy như bay trên đường Võ Văn Kiệt, Q.Bình Tân, TPHCM. Ảnh chụp vào đầu tháng 10/2022 - Ảnh: Sơn Vinh

Do chiều cao hạn chế nên khi gặp một đèn đỏ ở giao lộ, cậu học sinh thường thắng gấp khiến chiếc Honda Dream loạng choạng như muốn lao vào những chiếc xe chạy cùng chiều.

Tại TPHCM, trước buổi học hoặc lúc tan trường, cảnh học sinh điều khiển xe máy trên 50 phân khối khá phổ biến. Chiều 3/10, chúng tôi bắt gặp cảnh ba học sinh trên hai chiếc xe máy dàn hàng ngang tán gẫu trên đường Trần Nhân Tôn, Q.10. Điểm xuất phát của hai chiếc xe máy này là một tiệm gửi xe ở chung cư Ngô Gia Tự, P.2, Q.10. 

Theo người dân, gần chung cư này, có một số trường THPT. Do học sinh không được mang xe máy trên 50 phân khối vào gửi trong trường nên các em đi xe trên 100 phân khối thường gửi xe ở chung cư.
Không chỉ xe máy, việc chạy xe điện của học sinh cũng khiến người đi đường bất an. Trên đường Hồng Bàng (Q.5), sau 16g, học sinh tan trường ùa ra như ong vỡ tổ. Trong đám đông, khá nhiều học sinh chạy xe đạp điện nhưng không đội nón bảo hiểm. Nhiều nam sinh chở bạn gái trên xe đạp điện, phóng như bay qua các tuyến đường đông người. Trên đường Châu Văn Liêm (Q.5), chúng tôi thấy hai học sinh vừa chạy xe đạp điện, vừa đùa giỡn.

Ngày 20/9, trên Hương lộ 80 (xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh), đã xảy ra vụ va chạm giữa xe tải và xe máy khiến nam sinh THPT 16 tuổi tử vong tại chỗ.

Mới đây, khi tuần tra trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.5), Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Chợ Lớn đã lập biên bản, tạm giữ xe máy của nam sinh D.T.P. (16 tuổi) do không xuất trình được giấy phép lái xe và các giấy tờ liên quan. Đội cũng lập biên bản nam sinh N.K.K. (16 tuổi) do điều khiển xe máy trên 50 phân khối. K. cho biết, do nhà ở khá gần trường nên K. được phụ huynh cho đi xe máy đến trường để khỏi đưa đón.

Không chỉ điều khiển xe máy đến trường, các tay lái “nhí” còn rủ nhau tụ tập đua xe trái phép. Ngày 2/10, CSGT Công an TPHCM đã phối hợp với Công an Q.Bình Tân phát hiện, ngăn chặn gần 100 thanh thiếu niên có dấu hiệu chuẩn bị đua xe khi nhóm này tụ tập tại một quán cà phê ở Q.Bình Tân với nhiều xe “độ”. 

Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08), Công an TPHCM cho biết, đơn vị đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm giữ ổn định trật tự, an toàn giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, không để xảy ra ùn tắc giao thông trước cổng các trường học. 

Tình trạng học sinh ở TP.HCM vi phạm Luật Giao thông đường bộ khá phổ biến  (trong ảnh: Cảnh sát giao thông kiểm tra học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn  tại khu vực gần Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5) - Ảnh: Tam Nguyên
Tình trạng học sinh ở TPHCM vi phạm Luật Giao thông đường bộ khá phổ biến (trong ảnh: Cảnh sát giao thông kiểm tra học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn tại khu vực gần Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5) - Ảnh: Tam Nguyên

“Năm học này, chúng tôi tiếp tục lập danh sách các học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gửi cho Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM để có hình thức phê bình, kiểm điểm phù hợp” - một lãnh đạo PC08 cho hay.

Thông qua các hoạt động ngoại khóa của trường, lực lượng CSGT cũng tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên, đồng thời phối hợp tổ chức ký cam kết giữa nhà trường, gia đình và học sinh về chấp hành luật giao thông.

Trung tá Nguyễn Hoàng Tâm - Đội trưởng Đội CSGT Nam Sài Gòn - cho hay, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vừa tổ chức đợt tuyên truyền ở nhiều trường thuộc địa bàn đảm trách: “Sau hoạt động tuyên truyền, các trường ký cam kết tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh và học sinh chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; bố trí cán bộ, nhân viên của trường phối hợp với Đội CSGT Nam Sài Gòn, công an phường, bảo vệ dân phố bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trước cổng trường”.

Theo lãnh đạo PC08, để hạn chế tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, nhà trường và đặc biệt là của phụ huynh. Phụ huynh cần cân nhắc khi giao xe hoặc mua xe cho con, nhất là khi con chưa đủ tuổi được phép lái xe. 

Lãnh đạo PC08 lưu ý, khi giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 800.000 - 2 triệu đồng theo quy định tại điểm đ, khoản 5, điều 30 Nghị định 100/2019.

Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành - cho hay, học sinh THCS, THPT ở vào độ tuổi có tâm lý thích thể hiện bản thân, thích nổi loạn, dễ có hành vi bốc đồng. Trong khi đó, nhiều phụ huynh do chiều con hoặc muốn con tự chạy xe máy đến trường để đỡ đưa đón nên cứ giao xe máy cho con.

Đây là điều dẫn đến việc học sinh vi phạm luật giao thông, có nguy cơ tụ tập đua xe, gây tai nạn hoặc trở thành nạn nhân tai nạn giao thông. Theo ông, phụ huynh cần nhận thức rõ rằng, giao xe máy trên 50 phân khối cho con dưới 18 tuổi là hành vi vi phạm pháp luật. 

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), khi giao xe máy trên 50 phân khối cho học sinh, ngoài việc bị phạt tiền, phụ huynh còn có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu con mình chưa đủ tuổi lái xe, gây tai nạn với hậu quả nghiêm trọng.

“Tôi nghĩ, nếu phụ huynh không mua xe, không giao xe cho con khi con chưa đủ tuổi lái xe thì học sinh hiếm có cơ hội vi phạm. Ngoài ra, việc nhà trường ban hành nội quy kỷ luật nghiêm, quan tâm tuyên truyền cũng giúp hạn chế tình trạng này. Chúng ta cần phòng ngừa vi phạm hơn là ngăn chặn khi nó đã và đang diễn ra” - luật sư Nguyễn Tri Đức nói.

Quan trọng nhất vẫn là… phụ huynh

Theo thầy Hà Thanh An - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự (Q.8) - địa bàn quận có đặc thù là người lao động từ nơi khác đến nhiều, phụ huynh bươn chải làm ăn - không có thời gian đưa đón con nên học sinh chủ yếu tự đi học bằng xe máy. Do đó, nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh tuân thủ luật giao thông, trong đó nhấn mạnh các hậu quả có thể xảy ra.

Thầy Thanh An cho biết, các năm học trước, trường có tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông bị cảnh sát lập biên bản, yêu cầu nhà trường phối hợp xử lý. Theo quy định, học sinh vi phạm vào học kỳ nào sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu trong học kỳ đó. Với những em cuối cấp, nếu bị xếp hạnh kiểm yếu sẽ không được thi tốt nghiệp. Dù vậy, nhà trường vẫn xem xét các yếu tố khác như bối cảnh xảy ra vi phạm, thái độ khắc phục, sửa lỗi của học sinh để cuối năm cân nhắc nâng hạnh kiểm…

Theo thầy Thanh An, việc học sinh sử dụng xe phân khối lớn nhà trường không thể kiểm soát hết được. “Quan trọng nhất vẫn là phụ huynh phải có ý thức trong việc đảm bảo an toàn cho con em mình, không giao xe phân khối lớn khi các em chưa có giấy phép lái xe. Vì thế, vào buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường đã tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết về việc chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông, đặc biệt là cam kết không giao xe phân khối lớn cho học sinh” - thầy Thanh An bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức) - cho biết, đầu năm học, trường đã yêu cầu ký cam kết ba bên gồm: nhà trường, phụ huynh và học sinh trong việc đảm bảo an toàn giao thông. “Để chấn chỉnh tình trạng học sinh sử dụng xe phân khối lớn hoặc vi phạm an toàn giao thông, quan trọng nhất vẫn là phải có giải pháp xây dựng ý thức giao thông cho các em một cách lâu dài, thường xuyên” - cô Thanh Trúc nhấn mạnh.

“Những năm gần đây, trường không có học sinh bị lập biên bản vi phạm luật giao thông nhưng có tình trạng va quẹt, bị tai nạn giao thông. Do đó, để bảo vệ con em mình phụ huynh tuyệt đối không nên giao xe phân khối lớn khi học sinh chưa đủ tuổi” - cô Thanh Trúc bày tỏ thêm.

Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - cho biết, để ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn, sở đã yêu cầu các trường không tổ chức giữ các loại xe này, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh trường cam kết không giữ xe phân khối lớn cho học sinh. 

Giáo dục luật giao thông từ cấp mầm non

“Đối với việc giáo dục về an toàn giao thông, hiện nay sở không chỉ triển khai cho học sinh phổ thông mà từ cấp mầm non, tiểu học. Sở cũng yêu cầu nhà trường đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào nội quy nhà trường và đánh giá thi đua trong năm học. Nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự giao thông, văn hóa giao thông cũng được đưa vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp vào nội dung môn giáo dục công dân”.

Ông Dương Trí Dũng 

- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM

Sơn Vinh - Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI