Nhốt chó để đường làng an toàn, sạch đẹp
Dẫn khách vào nhà chơi, ông Hồ Sỹ Chung - 51 tuổi, ở xã Quỳnh Đôi - cẩn thận đóng lại cánh cửa cổng để con chó cưng của mình không chạy ra đường.
Nghe tôi thắc mắc “ở quê, cần gì phải kín cổng cao tường thế”, ông cười: “Sơ hở mà để nó chạy ra đường là mất 1,4 triệu đồng chứ chẳng đùa. Lúc nào xích lại thì thôi, còn không thì tôi phải khóa cửa để nó không chạy ra đường phóng uế bừa bãi, làm mất cái đẹp chung của làng”. Nhà nuôi 3 con chó, vợ chồng ông nuôi nhốt 2 con trong chuồng phía sau nhà, thả con còn lại trong sân vườn để trông nhà.
Ít năm trước, khi UBND xã Quỳnh Đôi ra thông báo xử phạt hành vi thả rông chó, nhiều hộ dân trong xã dần bỏ nuôi chó. Nhưng do thích chó, ông Chung vẫn luôn nuôi ít nhất 1-2 con. Ông từng nghĩ việc xử phạt là viển vông bởi ở các thành phố, chính quyền vẫn chưa làm được, huống hồ ở quê.
 |
Nhờ kiên trì huấn luyện, những con chó của ông Hồ Sỹ Chung chưa từng ra khỏi nhà suốt 5 năm qua - Ảnh: Phan Ngọc |
Nghĩ vậy nhưng thấy lợi ích của việc quản lý chó, ông vẫn kiên trì huấn luyện chó không chạy khỏi khuôn viên vườn nhà, đi vệ sinh đúng nơi đúng chỗ và yêu cầu người lớn, trẻ con trong nhà phải luôn đóng cửa cổng khi ra vào nhà.
Ông Hồ Sỹ Chung gật gù: “Không chỉ nhà tôi mà mọi người đều ủng hộ, nghiêm túc thực hiện quy định quản lý chó. Người nào không quản được thì ngưng nuôi, còn lại đều làm lồng sắt hoặc nuôi nhốt chó.
Nhờ vậy, trong làng không còn cảnh chó chạy rông, đường làng cũng sạch đẹp hơn, làng quê cũng yên bình do không còn sợ bị chó cắn hay phải đối phó với bọn trộm chó. Chó không còn trên đường làng nên cũng dẹp được nạn câu trộm chó, làng quê trở nên yên bình hơn”.
Từng nuôi cả đàn chó để giữ nhà, anh Hồ Thanh Vui - 42 tuổi, ở xã Quỳnh Đôi - không tán thành việc cấm thả rông chó vì cho rằng nuôi trong chuồng sắt thì chó không còn chức năng trông nhà khi gia chủ đi vắng. Nhưng khi thấy bộ mặt của làng thay đổi, nhận được nhiều đánh giá tích cực từ du khách, anh cũng dần thay đổi quan điểm.
Để thỏa mãn sở thích của 2 cô con gái, anh làm chuồng sắt, mua 2 con chó cảnh về đưa đi tiêm phòng rồi yêu cầu các con chỉ cho chó ra ngoài khi có người ở nhà. “Chó thả rông nhiều trên đường làm du khách e dè, sợ hãi khi tham quan làng do bị chó rượt, sủa. Hơn nữa, chó ra đường thường tiêu tiểu bậy gây mất mỹ quan” - anh nhận xét.
 |
Du khách tham quan giếng cổ Bà Cả - nơi gắn với giai thoại gánh nước trượt chân của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương - Ảnh: Hồ Vĩ |
Đảm bảo mỹ quan để làm du lịch
Thay cho việc nuôi chó, nhiều gia đình ở xã Quỳnh Đôi chuyển sang lắp camera an ninh trước cổng nhà. Những năm gần đây, các tổ bắt chó thả rông ở xã Quỳnh Đôi “thất nghiệp” do không còn cảnh thả rông chó.
Thỉnh thoảng, họ vẫn đi kiểm tra nhưng không mang theo dụng cụ bắt chó mà chỉ dùng điện thoại ghi hình nếu thấy chó chạy rông, hoặc trích xuất hình ảnh từ camera an ninh để làm chứng cứ phạt “nguội”. Cách làm này đã được nhiều xã đến tìm hiểu, học hỏi.
Mang chổi ra quét dọn đoạn đường trước cửa nhà, bà Nguyễn Thị Xuân - 60 tuổi, ở xã Quỳnh Đôi - cho biết, việc này vừa giúp cổng ngõ nhà mình sạch sẽ, vừa giữ sạch đường làng. Bên cạnh đó, người dân còn trồng hoa lên những khoảng đất trống 2 bên đường làng, cây trước cổng nhà ai thì nhà đó tự chăm sóc. Ngoài ra, mọi đường trong xã đều có tên, mọi nhà đều có biển số nhà.
Việc đặt tên đường, gắn số nhà được UBND xã Quỳnh Đôi thực hiện từ 4 năm trước, nhằm giúp du khách và con em xa quê khi về thăm làng đỡ bỡ ngỡ, lóng ngóng. Hơn 1.500 ngôi nhà trong xã đều được gắn tấm biển màu xanh trước cổng, trên đó ghi số nhà, tên thôn, tên đường, tên xã. Anh Hoàng Văn Quyết - 28 tuổi, làm nghề giao hàng (shipper) - nhận xét, việc gắn bảng địa chỉ này giúp anh tìm nhà rất dễ, không trầy trật như khi tìm nhà ở các xã khác.
Ghé thăm giếng cổ Bà Cả - nơi gắn với câu chuyện gánh nước trượt chân của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, anh Nguyễn Đức Hùng - 34 tuổi, quê ở tỉnh Hà Tĩnh - nhận xét, hiếm có làng quê nào sở hữu nhiều di tích lịch sử như ở xã Quỳnh Đôi.
Quỳnh Đôi cũng là vùng đất khoa bảng nức tiếng của xứ Nghệ. Lãnh đạo UBND xã Quỳnh Đôi cho biết, ngoài 11 di tích lịch sử, xã còn có gần 20 điểm du lịch. Từ cuối năm 2023, UBND xã đã cho ra mắt nhiều tiểu phẩm gắn liền với các sự tích của làng, mở các tour du lịch để phục vụ du khách.
 |
Đường làng, ngõ xóm ở xã Quỳnh Đôi luôn được quét dọn sạch đẹp và không có cảnh chó chạy rông - Ảnh: Phan Ngọc |
Từ đầu năm 2024 đến nay, xã Quỳnh Đôi đã đón và phục vụ hơn 2.100 du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tháng 9/2024, làng Quỳnh Đôi được công nhận là địa điểm du lịch của tỉnh Nghệ An.
Ông Hồ Sỹ Hưng - Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi - cho hay, bên cạnh những tài nguyên sẵn có như di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan sạch đẹp, thanh bình cũng là yếu tố giúp xã trở thành địa điểm du lịch được yêu thích: “Nhiều du khách khen đường làng sạch đẹp, không còn cảnh chó chạy ngoài đường gây bất an như trước”.
Tình trạng thả rông chó hầu như không còn UBND xã ban hành quy định quản lý chó nuôi từ năm 2018 nhằm gìn giữ môi trường sạch sẽ và an toàn cho người dân cũng như du khách. Chủ nuôi phải đăng ký vật nuôi, tiêm phòng; nếu thả rông chó thì bị xử phạt hành chính… Sau khi ban hành quy định, chính quyền xã dành ra 1 năm để tuyên truyền, vận động dân và yêu cầu cán bộ, đảng viên làm gương, sau đó mới áp dụng việc xử phạt. UBND xã cho thành lập các tổ tuần tra đi bắt chó thả rông. Khi tuần tra trên các tuyến đường làng, nếu phát hiện chó thả rông, các thành viên của tổ dùng vợt bắt chó mang về trụ sở công an xã, thông báo về đặc điểm của những con chó bị bắt giữ nhiều lần trên loa truyền thanh của xã, yêu cầu chủ nuôi đến nhận chó, nộp phạt và mang chó về. Năm đầu tiên áp dụng, có rất nhiều chó thả rông bị bắt giữ, có hôm bắt được 5-6 con. Tình trạng này giảm dần và đến nay thì không còn tình trạng thả rông chó trên đường làng nữa. Ông Hồ Sỹ Hưng - Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi |
Đưa quy định “không nuôi chó” vào hương ước Từ năm 1964, hương ước của các làng trong xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An được bổ sung thêm mục “toàn dân không nuôi chó” sau khi liên tiếp xảy ra các ca tử vong do bị chó dại cắn. Quy ước này được giữ và thực hiện cho đến năm 2014, tức tròn nửa thế kỷ. Ông Đàm Xuân Chính - Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên - cho biết, 10 năm trước, UBND xã đã bãi bỏ quy định cấm nuôi chó do không đúng luật, thay vào đó là vận động người dân không nuôi chó hoặc khi nuôi thì phải đăng ký, tiêm phòng, không thả rông và phải rọ mõm chó khi đưa ra nơi công cộng. Mỗi xóm có một đội bắt chó thả rông, sau khi bắt thì thông báo trên loa phát thanh, yêu cầu chủ nuôi đến nộp phạt để chuộc chó về. Toàn xã hiện có hơn 200 gia đình nuôi 300 con chó nhưng hiếm khi có chó chạy rông ngoài đường. |
Phan Ngọc