Bao giờ phim truyền hình Việt trở thành cầu nối cho cảm xúc và du lịch?

23/05/2025 - 17:10

PNO - Sau khi "When Life Gives You Tangerines" trở thành hiện tượng trên Netflix, đảo Jeju của Hàn Quốc chứng kiến lượng khách quốc tế tăng gấp ba lần.

Khi phim ảnh mở lối du lịch

Thành công của When Life Gives You Tangerines (Khi cuộc đời cho bạn quả quýt) giúp các tour “theo dấu phim” nhanh chóng cháy vé. Từ vườn quýt vàng, quán cà phê ven biển đến những cung đường xe đạp ngoằn ngoèo bên triền núi... tất cả bỗng chốc trở thành điểm đến trong mơ của hàng triệu du khách. Không cần đến chiến dịch quảng bá ầm ĩ, cũng chẳng cần những lời giới thiệu hoa mĩ, chỉ bằng những khung hình chân thật và đầy cảm xúc, phim ảnh đã biến Jeju thành điểm đến toàn cầu.

When Life Gives You Tangerines khiến  khách du lịch đến dảo Jeju tăng gấp 3 lần  theo  nhiều  tour  du  lịch  hấp  dẫnn
When Life Gives You Tangerines khiến khách du lịch đến dảo Jeju tăng gấp 3 lần theo nhiều tour du lịch hấp dẫn

Câu chuyện ấy càng khiến người ta tiếc nuối khi nhìn về Việt Nam, nơi không thiếu cảnh đẹp, cũng chẳng thiếu những bộ phim truyền hình đậm bản sắc Việt với những khung hình gây thương nhớ. Nhưng giữa tiềm năng và thực tế, vẫn còn một khoảng cách lớn.

Sau mỗi bộ phim truyền hình mang đậm dấu ấn địa phương như Thương nhớ ở ai (Hà Giang), Đi giữa trời rực rỡ (Cao Bằng), hay Tình yêu đến cùng gió biển (Ninh Thuận), khán giả nhớ khung cảnh, cảm động với câu chuyện, rồi… thôi. Không có sản phẩm du lịch hậu kỳ, không có chiến dịch truyền thông gắn với địa phương, không có tour trải nghiệm cụ thể để níu giữ cảm xúc từ màn ảnh ra đời thực.

Thực tế, nhiều quốc gia đã biến phim ảnh thành “vệ tinh truyền thông” hiệu quả để kích hoạt du lịch. Sau khi phim cổ trang Love Destiny (Ngược dòng thời gian để yêu anh) gây sốt, cố đô Ayutthaya nhanh chóng ra mắt tour du lịch kết hợp thử phục trang truyền thống và trò chơi dân gian, giúp lượng khách tăng đều đặn suốt ba năm.

Trung Quốc thì biến phố cổ Tây An thành không gian “sống” của Trường An 12 canh giờ với mô hình du lịch đêm kết hợp diễn xướng. Nhật Bản thậm chí có hẳn hệ thống hỗ trợ hậu kỳ từ các tỉnh, gọi chung là “film commission”, giúp mỗi bộ phim gắn liền với kế hoạch phát triển du lịch bài bản và lâu dài.

Phim Việt đẹp, du lịch vẫn lỡ hẹn

Việt Nam hiện chưa thiếu phim hay, càng không thiếu cảnh đẹp. Điều còn thiếu là sự bắt tay bài bản giữa ba bên: nhà sản xuất – chính quyền địa phương – ngành du lịch để tạo nên chuỗi giá trị sau mỗi bộ phim.

Bão ngầm từng khiến hồ Thác Bà (Yên Bái) thành điểm đến dịp cuối tuần, nhưng chỉ nhờ sức hút nội tại của phim. Không có chiến dịch hậu kỳ nào được triển khai để giữ chân du khách hay mở rộng trải nghiệm. Những nỗ lực như Long An phối hợp với đoàn phim Miền ảo vọng để hướng đến phát triển tour du lịch phim trường ở Happy Land (Bến Lức) vẫn còn quá đơn lẻ.

Hồ Thác Bà (Yên Bái), một  trong  nững  bối  cảnh  tuyệt đẹp trong  pjom bão ngầm
Hồ Thác Bà (Yên Bái), một trong nững bối cảnh tuyệt đẹp trong phim Bão ngầm

Vấn đề không nằm ở khán giả, họ vẫn rất dễ rung động trước cái đẹp và sẵn sàng biến cảm xúc thành hành động nếu có điều kiện. Vấn đề cũng không nằm ở các đạo diễn, những người đã và đang kiên trì đưa những khung hình đẹp như mơ vào phim. Điều thiếu nhất là một chính sách rõ ràng và cơ chế phối hợp hiệu quả.

Phim truyền hình, nếu được xem là tiềm năng trong phát triển văn hóa - du lịch, nó hoàn toàn có thể trở thành công cụ chiến lược. Nhưng để làm được điều đó, địa phương không thể chỉ dừng lại ở việc cấp phép cho các đoàn phim. Họ cần chủ động đặt hàng phim để quảng bá hình ảnh, đồng thời chuẩn bị hạ tầng, sản phẩm và truyền thông đi kèm.

Ngoài ra, cần một nền tảng dữ liệu thống nhất về các bộ phim có yếu tố bối cảnh du lịch – từ truyền hình đến điện ảnh – để các doanh nghiệp lữ hành, hãng bay, khách sạn cùng phối hợp thiết kế sản phẩm du lịch trọn gói. Đây chính là cách New Zealand tận dụng The Lord of the Rings để phát triển ngành công nghiệp không khói, đưa hình ảnh đất nước lên bản đồ du lịch thế giới một cách ngoạn mục.

Một cảnh  quay  đẹp  như  mơ  trong  phim  Duyên
Một cảnh quay đẹp như mơ trong phim Duyên

Với hàng chục bộ phim truyền hình được sản xuất mỗi năm, màn ảnh nhỏ Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành chiếc gương phản chiếu vẻ đẹp từng vùng đất. Nhưng để điều đó không chỉ dừng lại ở xúc cảm nhất thời, chúng ta cần tầm nhìn dài hạn và hành động cụ thể.

Khi cuộc đời cho bạn quả quýt, không ai chỉ ngắm mà bỏ qua. Người ta làm nước ép, làm mứt, làm tour du lịch hái quýt theo mùa. Với phim truyền hình, cũng vậy. Một khung hình đẹp có thể là cú chạm khẽ vào trái tim người xem, nhưng một chính sách đúng mới là cú hích để biến khung hình ấy thành hành trình thực sự. Và đã đến lúc chúng ta không chỉ ngắm nhìn, mà phải hành động để biến phim ảnh thành sức bật cho du lịch Việt.

Anh Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI