 |
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) - ảnh Media Quốc hội |
Sức mạnh mềm từ ngành công nghiệp văn hóa
Sáng 23/5, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội của đoàn TPHCM, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân phân tích, bức tranh kinh tế - xã hội trong thời gian qua có nhiều điểm sáng. GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay đạt 4.700 USD/người/năm, tiếp cận mức thu nhập trung bình cao. Kinh tế vĩ mô ổn định trong thời kỳ dài, kiểm soát chỉ số lạm phát ổn định suốt chục năm, cán cân thương mại xuất siêu liên tục trong 10 năm...
Quan trọng hơn, các hoạt động về văn hóa, xã hội có bước tiến đáng trân trọng, nhất là ngành công nghiệp văn hóa.
“Những ngày lễ hội vừa qua, nhiều chương trình được tổ chức đã tạo ra “sức mạnh mềm” thu hút người dân tham gia. Tinh thần đoàn kết, cờ đỏ sao vàng khắp các phố phường được người dân hưởng ứng” - ông nói.
Theo ông, ngành công nghiệp văn hóa đang thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, các chỉ số hạnh phúc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của nước ta cũng thăng hạng.
Đáng lưu ý, theo báo cáo của tổ chức StartupBlink, TPHCM tăng bậc lên vị trí 110 trên bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2025.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết, đây là thách thức lớn, nhưng chúng ta có niềm tin, khát vọng để đạt được mục tiêu này.
Ông Trần Hoàng Ngân chỉ ra một số khó khăn, thách thức đang phải đối mặt. Trước hết, chỉ số quản trị mua hàng đã có cảnh báo, chỉ còn 45,6%, so với trước đó, chỉ số là trên 50%. Mức giảm trên bị tác động bởi chính sách thuế quan của Mỹ. Thương mại quốc tế bắt đầu thuyên giảm.
Dự báo kinh tế trên thế giới cũng thay đổi. Nhóm các nước đang phát triển và mới nổi như trong khu vực Đông Nam Á dự báo giảm tăng trưởng từ 5,3% xuống 4,5%.
Trước thực tế này, đại biểu cho hay Việt Nam đang tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng, nhân lực.
Về thể chế, Quốc hội làm việc căng thẳng, vất vả, các Ủy ban của Quốc hội làm việc xuyên đêm để sửa đổi, tháo gỡ những điểm nghẽn.
“Bộ tứ trụ cột” vừa được Bộ Chính trị ban hành thể hiện tầm nhìn đột phá về phát triển quốc gia trong giai đoạn mới gồm: Nghị quyết 57 về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo – nhằm tăng năng suất nền kinh tế; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế sâu rộng – nhằm mở rộng không gian phát triển; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật – để thể chế không còn là điểm nghẽn; và Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân – để giải phóng nguồn lực xã hội...
Về hạ tầng, chúng ta tiếp tục giải ngân đầu tư công. Gần đây, Bộ Chính trị ban hành kết luận 155, trong đó nhấn mạnh công tác cán bộ, làm sao lựa chọn được cán bộ đáp ứng được yêu cầu tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số và bước vào kỷ nguyên mới.
Lực đẩy sau hợp nhất các địa phương
 |
TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương sau khi hợp nhất được kỳ vọng sẽ tạo ra sức mạnh đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội (ảnh Internet) |
Về 3 động lực tăng trưởng mới, theo đại biểu, ngoài khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh còn có hợp nhất các tỉnh thành.
Từ 63 địa phương, sau khi sáp nhập còn 34 địa phương sẽ tạo ra không gian phát triển mới. Ông dẫn ví dụ về việc hợp nhất TPHCM – Vũng Tàu – Bình Dương:
“Ba địa phương này hợp nhất lại không phải theo phép cộng 1 + 1 + 1 = 3 mà sẽ là hệ số nhân, tạo đòn bẩy lớn vì sẽ hỗ trợ, cộng hưởng để thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong thời gian tới”.
Đại biểu đoàn TPHCM cũng nhấn mạnh Việt Nam đang có ba thế mạnh để phát triển. Thế mạnh đầu tiên, trong bối cảnh cạnh tranh, địa chính trị, địa kinh tế đang ngày càng phức tạp, thì phải dựa vào lợi thế, tiềm năng của đất nước.
Lợi thế đầu tiên là lợi thế của ngành du lịch. Việt Nam có vị trí thuận lợi, hệ thống giao thông được đầu tư mạnh mẽ, nguồn nhân lực cho du lịch phát triển. Nước ta cũng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử, bờ biển dài và đẹp... Nếu đầu tư nhiều hơn, định vị thương hiệu quốc gia, thì ngành du lịch sẽ đóng góp nhiều hơn.
Vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, theo đại biểu phải triển khai hiệu quả, đầu tư hạ tầng cho ngành du lịch.
Thế mạnh thứ hai là ngành nông nghiệp. Việt Nam có nhiều sản phẩm nằm trong “top đầu” của thế giới như: gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, trái cây. Đại biểu cho rằng, chúng ta phải có chính sách đầu tư, và một Nghị quyết đủ lớn, đủ mạnh của Quốc hội dành cho ngành nông nghiệp.
Đại biểu lấy dẫn chứng ở Lâm Đồng, đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng, khi áp dụng công nghệ cao, AI... đã đem lại năng suất cao.
Thế mạnh thứ ba là dịch vụ. Điển hình như tại TPHCM, ngành dịch vụ đóng góp khoảng 65% GDP của thành phố. Việt Nam cần cơ chế phát triển ngành dịch vụ, tài chính ngân hàng, đầu tư logistic.
Theo ông, Việt Nam có điều kiện phát triển cảng trung chuyển quốc tế, có thêm khu thương mại tự do để phát triển ngành dịch vụ này. Ngành dịch vụ khoa học công nghệ, IT, Y tế chất lượng cao... cũng là thế mạnh, bởi “bác sĩ Việt Nam rất giỏi”.
Trong khi đó, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) lưu ý, Việt Nam cần xúc tiến thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng theo hướng xanh sạch để chuyển đổi nhanh. Điều này giúp các sản phẩm của Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường trên thế giới, thay vì phụ thuộc vào một thị trường nhất định, tránh tác động của các “cú sốc” bên ngoài.
Đại biểu nhấn mạnh, thu hút nguồn lực xã hội, hợp tác công tư rất quan trọng: “Sở dĩ, hiện nay doanh nghiệp tư nhân không muốn liên kết với nguồn lực công là do hợp tác công - tư còn vướng mắc. Cơ chế thanh toán và chia sẻ rủi ro trong hợp tác công - tư chưa khuyến khích mạnh các thành phần kinh tế tư nhân”.
Minh Quang